Bé Trần Nguyễn Ngọc A, 16 tháng, nhà ở huyện Tân Phước, Tiền Giang vào khám bênh tại bệnh viện vì nuốt đau. Mẹ bé nói với bác sĩ là cháu bệnh mới có một ngày, không thấy sốt mà tự nhiên mỗi lần đút cho bé ăn thì lắc đầu không ăn, khóc nhiều, khó nuốt, chảy nước dãi liên tục ra ngoài miệng.
Bác sĩ khám họng, rồi xem bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối, kiểm tra tim phổi ... và kết luận cháu A bị bệnh tay chân miệng độ một. Gia đình lo lắng hỏi bác sĩ có cần nhập viện không? Bác sĩ trấn an: “Hiện tại cháu bị bệnh tay chân miệng độ một, là độ nhẹ nhất nên không cần nhập viện, bác sĩ cho toa về nhà uống và chăm sóc bé, khi thấy cháu bị sốt cao, giật mình nhiều, quấy khóc nhiều hoặc bất cứ dấu hiệu nào khác thường thì trở vô bệnh viện để kiểm tra lại ngay”.
Hình bóng nước lòng bàn chân
Về chuyên môn, Bệnh tay chân miệng gây ra bởi một số týp enterovirus khác nhau, nhưng tất cả đều thuộc nhóm enterovirus A. Những týp hay gặp nhất là coxsackievirus A16, A6, A10 và enterovirus 71. Đầu tiên virus lan đến mô trong miệng, gần amiđan và xuống hệ tiêu hóa. Sau đó virus có thể lan tới các hạch bạch huyết lân cận và qua máu đi khắp cơ thể. Hệ miễn dịch sẽ chống trả lại virus để ngăn nó lan tới những cơ quan trọng yếu, như não, phổi, tim. Thông thường bệnh lây lan do tay bị dính virus từ những đồ vật nhiễm bẩn, sau đó đưa tay lên miệng hoặc mũi. Sau khi vius xâm nhập vào cơ thể từ 3 đến 7 ngày thì bắt đầu xuất hiện triệu chứng như sốt cao hoặc không sốt và đau họng; sau đó các vết loét phát triển trong miệng của trẻ, tiếp theo là nổi các nốt bóng nước ở bàn tay và bàn chân.
Người dân cần cảnh giác đề phòng bệnh tay chân miệng đang lây lan, nhất là trong thời gian các em mới tựu trường. Hiện nay, chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu (chưa có vaccin) cho nên cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày, nhất là rửa tay sạch bằng xà phòng. Các loại quần áo, tã lót, khăn mặt của trẻ bị bệnh tay chân miệng sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần sát khuẩn bằng nước sôi hoặc nước có pha hoá chất cloraminB và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành. Các chất thải của trẻ bị bệnh tay chân miệng cần quản lý thật tốt không để vương vãi ra môi trường xung quanh. Khi thấy cháu có biểu hiện sớm nhất như nuốt khó, tự nhiên chảy nước dãi nhiều thì cần đưa đi khám bệnh để chẩn đoán và điều trị đúng.
BS. Nguyễn Thành Úc
Nguồn http://suckhoedoisong.vn