Hàng thập kỷ qua, đối với các trẻ em ở các nước tiên tiến, những công việc mùa hè đã trở thành nếp sống quen thuộc của quãng đời thơ ấu, và đó cũng là cơ hội để chúng trải nghiệm những bài học đầu tiên về đồng tiền.
Mùa hè vừa là dịp để các cô cậu học sinh nhí được giải thoát khỏi thời khóa biểu bài vở, vừa là cơ hội kiếm được những đồng tiền nho nhỏ từ các công việc con con, là một mặt tích cực của kỳ nghỉ hè ở các quốc gia tiên tiến. Tại những gia đình có sự chuẩn bị đúng đắn cho con trẻ, có định hướng thực tiễn về ý nghĩa kiếm, tiết kiệm và tiêu tiền, thì đây sẽ là một trải nghiệm quan trọng có lợi cho tương lai, khi chúng phải gắn bó với tiền bạc đến gần như cuối đời. Mỗi lứa tuổi có những việc làm ra tiền khác nhau, nhưng tựu chung thành công chỉ đến từ những bậc phụ huynh có đủ kỹ năng dạy con một cách đúng mực.
Quản lý tài chính dù chỉ vài đô
Trẻ càng đối mặt sớm với sự hiện diện của đồng tiền, cho dù chỉ vài đô-la, chúng càng có nhiều kiến thức về tài chính khi thành người lớn. Nếu ngẫu nhiên chúng lại được trải nghiệm thực tế với việc kiếm và tiêu tiền, lớn lên chúng càng dễ thành công. Dạy trẻ về tiền bạc có thể gói gọn trong hai bài học cơ bản: tự chủ và kiên nhẫn. Một khi trẻ đã bắt đầu nhận ra rằng biết kềm chế thỏa mãn bản thân để đạt những mục đích lâu dài, chúng dễ phát triển thành những người trưởng thành không có thói chi tiêu bừa bãi. Ngay lúc trẻ nói ra được hai chữ "đồng tiền", tức chúng đã đủ tuổi để hiểu rằng tiền vừa là sức bật vừa là tích lũy. Tuy nhiên, bắt đầu bài học này thật sớm cho trẻ e không dễ dàng gì.
Tiêu tiền
Từ rất sớm trẻ đã hiểu về chi tiêu. Chúng nhận ra rằng một khi có tiền trong túi là mình đã có thể đường đường chính chính bước vào một cửa tiệm với bao nhiêu lựa chọn trước mặt. Các loại công việc nho nhỏ mùa hè dành cho trẻ như cắt cỏ, dọn vườn, bán hàng xén... là cơ hội tuyệt vời nhất để bố mẹ nói chuyện với con cái về giá trị đích thực của những thứ chúng muốn. Bên cạnh đó, trẻ lứa tuổi nào cũng có việc hợp sức lứa tuổi ấy. Thế nên, thỉnh thoảng bạn cứ nhắc chúng nhớ phải mất bao lâu mới kiếm đủ tiền để mua một món đồ ưa thích. Hãy hỏi chúng xem tháng này liệu còn muốn mua cho được thứ gì đó nữa không. Dò xem có chắc là con cái không hối tiếc vì chưa có đủ tiền để mua. Những kiểu nói chuyện như vậy sẽ khá khó đối với trẻ đã già dặn hơn một chút. Tuy nhiên với một đứa bé 12 tuổi thì 5 đô-la cũng đủ để bắt đầu cho bố mẹ - con cái trao đổi những vấn nạn tương tự. Còn với những anh chàng tuổi teen đã được sở hữu tài khoản nhà băng riêng, vấn đề đối thoại xem ra phúc tạp hơn.
Khi trẻ đã hơi khôn, điều quan trọng chúng phải hiểu là những thảm họa về tài chính không dễ nuốt trôi, sai một ly sẽ đi một dặm khó vãn hồi. Các bậc phụ huynh cần dành thời gian quý báu để giúp lớp tuổi teen hiểu những rủi ro liên quan đến chi tiêu, nguy hiểm hơn nữa là nợ nần. Đối với những cô cậu mới được bố mẹ mở cho một tài khoản nhà băng, việc lần đầu sở hữu những thứ như tấm séc hay thẻ tín dụng là điều rất hào hứng, chúng cảm thấy mình như được tự do. Quan trọng là mỗi trẻ đều phải hiểu séc hay thẻ tín dụng hoạt động ra sao, cũng như biết rõ cả những rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng sai lầm các tiện ích ấy.
Tiết kiệm, để dành
Tất nhiên, việc dạy con giá trị và lý do phải tiết kiệm tiền bạc cũng quan trọng chẳng kém. Ở một mức độ nào đó, đây là một bài học để rút kinh nghiệm thuộc loại tốt nhất. Theo tâm lý, tiết kiệm hay để dành xem ra không đem lại cảm giác thỏa mãn như tiêu xài, nhưng nếu được dạy dỗ tốt, trẻ vẫn có thể nhận ra tại sao biết tiết kiệm là một chọn lựa khôn ngoan. Hãy cắt nghĩa cho trẻ hiểu chúng có thể mua được những gì nếu biết để dành tiền. Còn giả như bố mẹ biết con cái thích thứ gì mà chúng không đủ tiền mua, cứ giúp trẻ hiểu một điều, rồi sớm muộn cũng sẽ mua được nếu chịu khó tiết kiệm. Nên cho con làm những con toán, lập thời khóa biểu để trẻ biết, với thu nhập từ các công việc mùa hè chúng sẽ có được những trải nghiệm mua sắm ra sao. Đừng để con nghĩ rằng tiền nhà ta không thiếu, rất dễ tạo cám dỗ khiến trẻ đốt giai đoạn giữa để dành và mua sắm. Những dịp lễ lạc, sinh nhật sẽ là cơ hội tốt để bố mẹ dạy con về tiết kiệm. Bởi đó là những sự kiện có lịch biểu rõ ràng, chúng phải chuẩn bị để dành tiền trước vài tháng, thậm chí cả năm.
Quyên góp từ thiện
Đây có lẽ là khía cạnh về đồng tiền khó hướng dẫn cho trẻ nhất, đặc biệt là những đứa đã quen nhận hơn là cho đi. Tuy nhiên, việc truyền cho trẻ tấm lòng biết làm từ thiện từ những đồng tiền kiếm được vẫn là một mục tiêu xứng đáng để các bậc bố mẹ đeo đuổi. Cách tốt nhất là bố mẹ làm gương đóng góp từ thiện để con cái bắt chước. Thỉnh thoảng khơi gợi cho trẻ những thứ chúng có thể mang đi làm phúc. Khi thấy con cái đã thực hiện tốt, hãy khen chúng vài câu, bất chấp số tiền từ thiện chúng trao đi lớn hay nhỏ.
Đầu tư
Còn nhỏ mà đã biết kiếm tiền xem như trẻ đã đủ khôn để hiểu các khái niệm căn bản về đầu tư. Hãy giải thích thật dễ hiểu về khoản dùng tiền này cho trẻ nghe. Bố mẹ cũng nên kể cho con cái lý do và kinh nghiệm đầu tư của mình. Đừng đánh giá thấp khả năng hiểu biết của chúng. Đầu tư luôn nhiều rủi ro, trẻ càng tiếp xúc với khái niệm này sớm lớn lên chúng càng biết giữ bình tĩnh trước những canh bạc làm ăn thực sự. Sai sót sớm với những đồng tiền nhỏ sẽ là những kinh nghiệm vô cùng quý báu để vung tiền lớn một cách đúng đắn về sau.
Ngoài tiền ra còn có nhiều thứ khác
Trẻ nào bước vào hè với háo hức trông chờ có việc làm để kiếm chút ít tiền tiêu thường là những đứa có cá tính mạnh, dễ rèn luyện đạo đức công việc, giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo, thậm chí có ít, nhiều can đảm. Khuyến khích con làm việc kiếm tiền, dạy trẻ cách chi tiêu hợp lý, biết tiết kiệm và vị tha làm từ thiện là cách tốt nhất để các ông bố bà mẹ tạo một nền móng vững chãi về vật chất lẫn tinh thần cho cuộc đời con trẻ. Nhờ đó tiền sẽ trở thành một tích sản chứ không phải là những khoản nợ đắng đót mà trẻ phải gánh chịu khi trưởng thành.
Theo Phunu8