Giáo dục mầm non
   Giáo viên Mầm non - Nghề nguy hiểm
 

Nếu không may để xảy ra sự cố với các cháu nhỏ dù chủ ý hay vô tình cũng khiến nhiều cô giáo mầm non mất nghề, ảnh hưởng đến danh dự và xã hội lên án.

LTS: Thời gian gần đây có nhiều câu chuyện đáng buồn liên quan đến giáo viên mầm non.

Trong bài viết này, thầy giáo Thanh An chỉ ra những khó khăn vất vả của giáo viên mầm non, thậm chí giờ đây họ còn thường xuyên đối diện với những nguy hiểm cận kề.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nghề giáo ngày nay có rất nhiều áp lực nhưng có lẽ áp lực và vất vả nhất là những giáo viên mầm non.

Dù là trường công lập hay dân lập thì giáo viên của cấp học này luôn phải chứng kiến nhiều sự cố xảy ra với các cháu nhất.

Mỗi lớp, mấy chục học trò nhưng chỉ có 1-2 cô giáo trông coi, lo từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh…

Những công việc thầm lặng ấy đòi hỏi nhiều sự hi sinh, vất vả và lòng yêu mến nghề một cách cao nhất.

Nếu không may để xảy ra sự cố với các cháu nhỏ dù chủ ý hay vô tình cũng khiến nhiều cô giáo mất nghề, ảnh hưởng đến danh dự và xã hội lên án.

Chính vì thế, khi các phụ huynh có con học mầm non, mẫu giáo cũng cần có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với các cô nuôi dạy trẻ.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một số vụ việc liên quan đến giáo viên Mầm non bạo hành các em nhỏ ở một số cơ sở nuôi dạy trẻ tư thực dẫn đến sự phẫn nộ cho dư luận.

Đồng thời, chúng ta cũng phải chứng kiến một số vụ việc phụ huynh bạo hành, chửi bới, lăng mạ các cô giáo ngay tại lớp học.

Và, đỉnh điểm là mới đây, phụ huynh đánh giáo sinh đang thực tập dẫn đến nguy cơ sảy thai ở Trường Mầm non Việt-Lào, trong khi vết bầm trên chân con mình lại do đùa nghịch…

Cô H, giáo sinh thực tập tại Trường Mầm non Việt-Lào, phải nhập viện vì bị phụ huynh đánh làm dọa sảy thai. Ảnh: Lê Tập/laodong.vn

Một điều mà chúng tôi không thể phủ nhận là có nhiều giáo viên chưa làm tốt vai trò của mình.

Phương pháp giảng dạy không phù hợp và có những hành vi, thái độ không phù hợp với trẻ nhỏ.

Thậm chí là có những cô giáo, bảo mẫu đánh học trò một cách tùy tiện dẫn đến tình trạng một số em bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần mà chúng ta đã được biết trong thời gian qua như ở Cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh); Trường Mầm non Tư thục Mầm Xanh (Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh); Trường Mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)…

Những hành động của giáo viên như vậy đáng lên án vô cùng và chính vì vậy đã có nhiều cô giáo nuôi dạy trẻ đã phải trả giá đắt.

Có người bị buộc thôi việc, có người phải thụ án tù ở các trại giam và những sự việc đó chắc sẽ còn ám ảnh các cô trong quãng đời phía trước.

Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý và theo dõi thì sẽ thấy phần nhiều những vụ bạo lực trẻ mầm non lại rơi vào các cơ sở tư thục.

Vì mỗi điểm trông giữ trẻ chỉ thường có vài chục cháu, được chủ đầu tư và thêm một vài cô bảo mẫu nuôi giữ khép kín ở phía trong nhà nên họ mới có thể có những hành động phản cảm như vậy.

Còn đối với các trường công lập thì ít khi xảy ra những cảnh bạo lực. Bởi vì các trường công lập thường tổ chức cho các bé ăn tập trung ở nhà ăn.

Nơi đó có hàng trăm cháu nhỏ cùng với đội ngũ giáo viên đông đủ và thường luôn có 1 thành viên ban giám hiệu giám sát, theo dõi.

Các hoạt động trên lớp cũng khá quy củ nên nếu có bạo lực cũng chỉ là những lời đe nạt và một vài cây doi nhỏ để các em sợ mà thôi…

Là một phụ huynh cũng vừa có con qua tuổi mầm non được vài năm nên nhiều khi chúng tôi rất cảm thông với các cô nuôi dạy trẻ.



Giáo viên mầm non thực sự là một nghề vất vả và cũng không ít nguy hiểm, Ảnh minh hoạ: Vtv.vn

Phải nói rằng trẻ nhỏ thời nay tương đối hiếu động nên thỉnh thoảng đi đón con, phụ huynh chúng ta thấy những vết bầm, xước trên chân tay thì có sẽ ai cũng xót thương con mình. Bởi các cháu còn quá nhỏ.

Tuy nhiên, nếu phụ huynh bình tĩnh hỏi han tìm hiểu nguyên nhân sẽ có cách giải quyết thấu đáo.

Thực tế, cứ nhìn lớp con tôi ngày xưa học mà cảm phục các cô vô cùng. Hai cô giáo mà trông hơn 50 trẻ nhỏ. Lo ăn, lo uống, ngủ nghỉ, học tập, vui chơi, rồi những ngày có cháu nào đó bệnh phải lo cho uống thuốc, chăm sóc đặc biệt…

Chỉ cái chuyện một số bé lười ăn cũng đủ làm cho các cô vất vả vô cùng. Chúng tôi cứ nghĩ, mỗi cô hơn 20 cháu với vô vàn những phát sinh trong học tập, vui chơi cũng khiến các cô kín hết thời gian trong ngày.

Chính vì vậy, mỗi lần tắm cho con thấy vết bầm, vết xước chúng tôi cũng không quở trách cô bao giờ.

Bởi thực tế, chỉ cần hỏi con mình rằng cô quan tâm, dạy dỗ con ra sao cũng đủ biết nguyên nhân những vết bầm xước đó như thế nào.

Sự tôn trọng, cảm thông giữa phụ huynh và giáo viên bao giờ cũng giúp cho trẻ trưởng thành tốt hơn.

Có lẽ vì vậy mà mấy ngày qua, chúng tôi cảm thấy rất bất bình trước việc một số phụ huynh trẻ mầm non vào trường hành hung cô giáo của con mình.

Trong đó, có những cô giáo sắp về hưu ở Đắk Nông, cô giáo sinh đang mang thai ở Nghệ An…

Thử hỏi những hành động, thái độ coi thường, đánh, chửi cô giáo của con mình thì phụ huynh đó đang là tấm gương gì cho con mình?

Hôm nay, phụ huynh đánh đấm cô giáo, bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi con mình mới buông tha (dù cô không có lỗi nhưng vì sự an toàn của cái thai trong bụng cô giáo) thì sau này những ai tiếp theo sẽ quỳ gối?

Điều chúng tôi cứ day dứt là tại sao một số phụ huynh đã từng hành hung giáo viên mầm non đa phần còn rất trẻ, một số mới trên 30 tuổi nhưng có người lại xưng hô “mày tao” và đánh cả cô giáo chuẩn bị về hưu.

Chưa nói về tính “tôn sư, trọng đạo” của người Việt Nam chúng ta dành cho những người đang trực tiếp dạy dỗ con mình mà xét về khía cạnh tuổi tác thì có người chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu, tuổi em mà hành hung cô giáo thì rõ ràng đạo đức của những phụ huynh học sinh như thế đang có…vấn đề.

Có lẽ thay vì hành hung cô giáo đang dạy con mình thì phụ huynh cần thiết tìm hiểu thấu đáo vấn đề để tìm ra hướng giải quyết.

Dù cho sự việc từ xấu nhưng hướng giải quyết nhân văn, thấu tình đạt lý sẽ thành câu chuyện nhân văn, ngược lại giải quyết bạo lực thì ắt sẽ thành bạo lực.

Vô tình, cái sai trái lại càng sai trái hơn mà rốt cuộc danh dự cả cô giáo và phụ huynh đều bị ảnh hưởng, dư luận bàn tán.

Vì thế, mỗi phụ huynh khi gặp những sự việc không mong muốn đã xảy ra với con mình thì việc đầu tiên phải tìm hiểu kĩ lưỡng.

Và, điều quan trọng là phải tạo cho con mình một thói quen tốt và phải hiểu được tâm lý con mình. Đừng thấy, đừng nghe con nói một chiều rồi dẫn đến những sự việc đáng tiếc xảy ra như thời gian qua.

Đối với giáo viên mầm non cũng vậy. Ai cũng biết cuộc sống đa phần giáo viên mầm non hiện nay rất khó khăn.

Một số giáo viên ở nông thôn chỉ hợp đồng lao động với hiệu trưởng, giáo viên xin được hợp đồng dài hạn thì đa phần lương cũng rất thấp.

Phần nhiều giáo viên mầm non tốt nghiệp trung cấp sư phạm nên khi ra trường chỉ có hệ số lương là 1,86. Vì thế, cuộc sống vô cùng khó khăn mà lại phải đi sớm, về muộn suốt cả ngày.

Công việc thì nhiều, áp lực thì lắm nhưng khi đã yêu và đến với nghề nuôi dạy trẻ thì điều cốt lõi nhất đó là sự hi sinh, tận tụy với nghề và hạn chế tối đa những hành vi, hành động bạo lực.

Mỗi câu chuyện buồn đi qua sẽ luôn là bài học đắt giá cho cả giáo viên và phụ huynh ở cấp Mầm non.

Vì thế, mỗi người hãy làm đúng trách nhiệm, bổn phận của mình tốt nhất với các em nhỏ. Sự hơn thua, bạo lực chắc chắn chẳng giải quyết được gì mà lại để lại nhiều những lời thị phi không đáng có.

Nguồn http://giaoduc.net.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hải Dương: Chấn chỉnh công tác tổ chức bán trú trường mầm non (20/3)
 Cả nước đang thiếu 32.641 giáo viên mầm non (20/3)
 Về việc điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy bậc học mầm non (20/3)
 Nhận trẻ từ 3 tháng tuổi vào các cơ sở mầm non: Cần giám sát chặt chẽ (13/3)
 Trường mầm non vào mùa... khát giáo viên (2/3)
 Sư phạm mầm non - không chỉ dành cho nữ giới (1/3)
 Chính sách cho giáo dục mầm non: Niềm vui trong xuân mới (23/2)
 Trường mẫu giáo cô lập trẻ không học Aerobic trong giờ chính khóa (5/2)
 Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm: Tôn trọng thế mạnh của mỗi trẻ (29/1)
 Nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi, lãnh đạo Bộ Giáo dục nói gì? (24/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i