Câu hỏi đặt ra lúc này là những đơn vị nào sẽ vào cuộc giám sát, xử lý và minh bạch những nhãn hiệu sữa gây hại cho trẻ.
Như tin Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, sau bữa ăn ngày 2/3 (có uống sữa Nutifood) 70 học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) và 3 bé của Trường mầm non Phú Lộc (xã Phú Lộc) đã phải nhập viện cấp cứu với những biểu hiện nôn ói, đi ngoài.
Hai ngày sau đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn tạm dừng chương trình “Sữa học đường”.
Chương trình "Sữa học đường" được triển khai từ tháng 7/2016 dựa trên quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Chương trình "Sữa học đường" đang triển khai rộng khắp trên cả nước, nhưng thời gian gần đây riêng ở địa bàn Đồng Nai liên tục xảy ra nhiều vụ ngộ độc trong trường học, trong đó liên quan tới uống sữa, nhưng cho tới nay cơ quan chức năng ở địa phương chưa xử lý dứt điểm vấn đề này.
Thời gian vừa qua, chương trình "Sữa học đường" đã được thực hiện tại các trường mầm non và khối lớp 1 của một số trường tiểu học tại tỉnh Đồng Nai.
Phụ huynh phải đóng 35% chi phí, số còn lại do doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước chi trả.
Từ những vụ ngộ độc, chất lượng sữa đưa vào trường học đang bị đặt câu hỏi lớn. Hình dưới (bên trái) là sản phẩm của Nutifood bị khách hàng "tố" kém chất lượng, vón cục. (Ảnh: LC)
Mục tiêu của chương trình rất tốt, tuy nhiên do thiếu cơ chế kiểm soát chất lượng nên nhiều vụ ngộ độc sữa học đường đã xảy ra.
Trước đó, ngày 27/10/2017 hàng trăm học sinh ở Thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) được uống sữa miễn phí của Công ty quảng cáo MC được Nestle Việt Nam ủy quyền đã xảy ra tình trạng nôn, ói phải nhập viện.
Sau sự việc, cả hai tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ đã phải dừng việc cung cấp sữa miễn phí của công ty này trong các trường học.
Đáng nói, các nhà cung cấp sữa này cũng đã dính rất nhiều “phốt” về chất lượng sản phẩm trong khi lưu hành trên thị trường khiến người tiêu dùng lo lắng.
Trước đó, theo thông tin trên tờ Công luận ngày 28/6/2016, giữa tháng 5/2016, anh Vũ Ngọc B. trú tại Thành phố Hưng Yên (Hưng Yên) mua 1 thùng sữa Grow Plus+ của Nutifood, có dung lượng 110ml/hộp, vỏ đỏ; sản xuất ngày 12/12/2015, hết hạn ngày 12/08/2016, loại sữa bột pha sẵn về cho con nhỏ sử dụng.
Ngày 1/6, anh B. lấy sữa cho con trai 26 tháng tuổi uống, thấy con khóc, nhất quyết không chịu uống sữa, anh mới uống thử và tá hỏa phát hiện ra sữa có vị chua, có biểu hiện vón cục.
Gia đình đã kiểm tra các sản phẩm đã và chưa sử dụng, gia đình anh B. phát hiện tất cả số hộp sữa mà gia đình anh cắt ra kiểm tra đều trong tình trạng vón cục, có vị chua, mùi “vô cùng khủng khiếp”.
Trước đó, ngày 19/6/2016, báo Kinh doanh và Pháp luật đưa tin, địa chỉ facebook "Châu Từ Viên" đã chia sẻ hình ảnh về hộp sữa bột pha sẵn Grow plus + của Nutifood (hộp giấy, vỏ đỏ) bị cặn đông đặc, vón cục.
Theo thông tin từ khách hàng này cho biết, đây là hộp sữa bột pha sẵn Grow plus + của Nutifood (hộp giấy - vỏ đỏ), dung lượng 180ml dành cho trẻ trên một tuổi.
Khi con trai chị hút sữa mãi không được, chị hút thử thì thấy sữa bị vón cục và có vị chua. Khi phát hiện điều bất thường, chị rạch hộp sữa ra xem và hoảng sợ phát hiện sữa có lớp nước trong bên trên, bên dưới là lớp cặn đông đặc. Trước khi mua, chị đã kiểm tra hạn sử dụng và sữa còn hạn dùng đến ngày 16/8/2016.
Phản ánh tới nơi mua, khu vực Super Market tại Aeon Long Biên, đơn vị này xin phép thu hồi lại hết số sữa bé đang dùng và gửi hộp sữa hỏng về công ty sữa để phân tích mẫu sữa.
Bên cạnh Nutifood, chất lượng sữa nhãn hiệu Milo của công ty Nestle cũng đã không ít lần bị khách hàng tố chuyện sữa chất lượng kém gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Câu chuyện chất lượng sữa có vấn đề không chỉ lặp đi lặp lại trong các trường học, ngay cả các chương trình từ thiện cũng đã từng xuất hiện sữa gần hết hạn sử dụng đem cho biếu tặng.
Từ vụ các vụ ngộ độc sữa học đường thời gian qua, chất lượng sữa đưa vào học đường đang đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng và độ an toàn cho trẻ. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm, không thể chỉ để các cháu ngộ độc chạy chữa xong lại đâu vào đó.
Nguồn http://giaoduc.net.vn