Có những thời điểm trẻ bộc phát những hành vi xấu như ném đồ ăn, la hét hay thậm chí bắt nạt bạn bè khiến cha mẹ đau đầu. Dưới đây là những cách giúp các bậc phụ huynh hiểu được con em và biết cách xử lý khi gặp tình huống này.
1. Hiểu được ý nghĩa sâu xa của hành vi
Naomi Aldort, tác giả cuốn “Raising Our Children, Raising Ourselves” (tạm dịch: Nuôi dạy trẻ, nuôi dạy chính chúng ta), chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải nhận ra những hành vi không tốt của trẻ từ sớm và phải hiểu được nguyên nhân vì sao trẻ lại hành động như vậy. Một khi đã biết được gốc rễ của vấn đề, ta có thể dễ dàng nắm bắt được cảm xúc của trẻ và giải quyết vấn đề nhanh, đúng cách. Điều này giúp trẻ không tái diễn hành vi xấu nữa”.
Cha mẹ có khi nào tự hỏi: con mình đánh nhau, tranh giành với anh chị em vì lý do gì chưa? Có thể chúng chỉ đang muốn thu hút sự chú ý của cha mẹ, vì bạn đã lơ là không quan tâm chúng nhiều như trước do mải "ôm" điện thoại hay dành thời gian cho công việc. Lúc này, hãy cùng ngồi lại để chia sẻ, tâm sự và lắng nghe mong muốn của con. Chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết theo đúng hướng.
2. Cha mẹ biết tự kiểm soát bản thân
Trong trường hợp khi con làm điều gì chưa tốt, thật khó để giữ được bình tĩnh lúc đó nhưng các bậc phụ huynh cần kìm nén cảm xúc và tránh tỏ thái độ quá tiêu cực với trẻ. Bạn nên hít thở sâu 10 lần để giữ được bình tĩnh trong các tình huống như vậy.
Tiến sĩ Katharine C. Kersey, tác giả cuốn sách “The 101s: A Guide to Positive Discipline”, cho biết: “Cha mẹ cần mô phỏng những hành vi tốt mà họ muốn con cái mình thực hiện. Các bậc phụ huynh đừng la hét hay để xảy ra những cuộc cãi vã, đánh nhau ngay trước mặt con cái, điều này sẽ khiến trẻ nhanh chóng bắt chước. Ngay cả khi trẻ phạm lỗi, cũng đừng quá nặng nề mà trừng phạt hay dùng từ ngữ thậm tệ”.
Jim Fay, người sáng lập tổ chức Love and Logic, chia sẻ: “Sự tức giận và thất vọng của phụ huynh có thể là nguồn cơn kích thích những hành vi không tốt của trẻ em. Thay vì quát mắng rằng con đang làm sai, hãy thử dùng những giai điệu của bài hát hoặc nhẹ nhàng nói để con biết rằng làm thế là chưa đúng. Ví dụ, nếu đứa trẻ ném đồ chơi đi lung tung, bạn có thể nói: “Ôi thật buồn, con đã ném chiếc xe tải của mình đi rồi. Đã đến lúc đi xe tải và con đừng bao giờ ném xe đi nữa nhé!”.
3. Dập tắt hành vi xấu ngay từ khi mới chớm nở
Hãy quan sát con và đừng bỏ qua bất kỳ hành vi chưa tốt nào, dù là nhỏ nhất bởi nếu không chỉnh đốn, trẻ sẽ nghiễm nhiên thực hiện thêm nhiều hành động xấu hơn sau đó. Tác giả Aldor đã viết rằng: “Nếu cha mẹ bỏ qua các hành vi xấu dù là nhỏ nhất vì nghĩ nó không đáng thì con họ rất có thể sẽ mắc phải những lỗi lầm còn to hơn nhiều”.
Ví dụ, nếu con bạn cắn và bắt nạt một đứa trẻ khác, bạn nên ngay lập tức giữ cánh tay của trẻ và nói với bé rằng hành vi này không tốt và không được chấp nhận. Đôi khi trẻ em cố gắng tranh cãi để thể hiện hoặc thu hút sự chú ý, lúc này các bậc phụ huynh nên nhắc đi nhắc lại câu nói: “Cha mẹ rất yêu con nên không hề muốn tranh cãi đâu con yêu”.
4. Nói giảm, nói tránh
Những từ mang tính chất phủ định như “không” hoặc “đừng” sẽ khiến trẻ có xu hướng làm ngược lại. Vì vậy, thay vì nói với con đừng làm điều gì đó, cha mẹ nhắc tới hành vi tích cực. Ví dụ, khi trẻ đập phá đồ chơi, bạn có thể nói “Con nên giữ đồ chơi cẩn thận để chơi được nhiều lần”, thay vì nói “Con không được ném đồ chơi đi”.
5. Nguyên tắc “mệt mỏi”
Bất cứ bậc phụ huynh nào cũng sẽ có lúc mệt mỏi khi phải quay cuồng với việc trông con và bạn hoàn toàn có thể bộc lộ điều này với trẻ theo một cách nào đó. Nếu các con đang chí chóe nhau, cha mẹ có thể nói: “Các con có cần thiết phải cãi vã với chính anh chị của mình không, cha mẹ thực sự mệt khi phải chứng kiến điều này và có lẽ sẽ không còn sức để đưa các con đi công viên sau bữa tối nữa”.
6. Không phần thưởng
Bạn có thể sẽ muốn tạo động lực như thưởng cho con một hộp bánh ngon nếu bé không quấy phá khi đi chơi. Nhưng Jim Fay cảnh báo rằng, việc này hoàn toàn sai lầm vì lúc đó việc thực hiện hành động tốt sẽ chỉ là nghĩa vụ và trẻ được trả công thì mới làm.
Phần thưởng tốt nhất đối với một đứa trẻ chính là quỹ thời gian với bố mẹ. Chìa khóa để một đứa trẻ cảm nhận được sự hạnh phúc và có thiên hướng làm những điều tốt đều phụ thuộc vào khoảng thời gian cha mẹ quan tâm chúng. Hãy dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để trò truyện và lắng nghe tâm tư, mong muốn của con, hãy thì thầm rằng bạn rất yêu và mong muốn con có thể làm được nhiều điều tốt đẹp. Đây chính là khoản đầu tư chẳng bao giờ lỗ của các bậc phụ huynh đối với con cái.
Nguồn http://danviet.vn