Trẻ em thường bị sốt, ho, sung huyết, sổ mũi... do thay đổi thời tiết, nhiễm khuẩn hay virut đường hô hấp.
Trẻ em thường bị sốt, ho, sung huyết, sổ mũi... do thay đổi thời tiết, nhiễm khuẩn hay virut đường hô hấp. Thuốc dùng chữa các chứng này bán không yêu cầu có đơn, gọi chung là thuốc cảm OTC cho trẻ em. Vậy dùng các thuốc này cho trẻ em sao cho an toàn?
Thị trường nước ta thường có các biệt dược nội và ngoại. Phần lớn trong thành phần có ít nhất là 2 trong số các chất dưới đây: hạ sốt (paracetamol, ibuprofen), giảm ho (dextromethorphan), kháng histamin (chlopheniramin, phenergan), chống sổ mũi (phenylephrin, pseuomeohedrin, phenylpropanolamin), long đờm (guafenesin). Hiện cũng có chất trong số này có nước không dùng hay chỉ dùng hạn chế.
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm thuốc (FDA) cho phép dùng thuốc cảm OTC cho trẻ dưới 6 tuổi lần đầu tiên năm 1976. Đến năm 2007 cơ quan này mới xem xét và thấy quyết định trên còn có các khiếm khuyết sau: Không có số liệu nghiên cứu về hiệu quả độ an toàn làm cơ sở; các hướng dẫn sử dụng căn cứ trên nghiên cứu ở người lớn mà suy ra (ví dụ từ 2-5 tuổi dùng 1/4, từ 5-12 tuổi dùng 1/2 liều người lớn) mà không kiểm định lại ở trẻ em, không có hướng dẫn chi tiết dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Chính vì lẽ này Mỹ và một số nước đặt vấn đề nghiên cứu lại và đưa ra một số khuyến nghị.
Khi trẻ bị sốt, ho, sổ mũi, không nên tự ý cho trẻ uống thuốc cảm mà cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn dùng thuốc đúng. Ảnh: TM
Nghiên cứu thực tế, kiến nghị của các nước
Nghiên cứu thực tế:
Các nhà khoa học Mỹ đã phân tích 35 dạng thuốc có chứa histamin dùng điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cho 9.000 người lớn và trẻ em, thấy: Thuốc không đem lại lợi ích lâm sàng như không làm giảm sung huyết mũi, không giảm chảy nước mũi, hắt hơi và không cải thiện các dấu hiệu chủ quan khác. Trong nghiên cứu thấy thành phần chống sung huyết phối hợp có đem lại một số ích lợi cho người lớn (6% người dùng) nhưng không đem lại lợi ích nào cho trẻ em.
Chương trình hợp tác giám sát phản ứng có hại của thuốc tại Mỹ (CADES) tổng kết 2 năm 2004-2005 có 7.091 trẻ dưới 12 tuổi phải cấp cứu do dùng thuốc cảm OTC, chiếm khoảng 6% trong tổng số các trường hợp các cấp cứu dùng thuốc chung. Trong số này có 25% dùng đúng hướng dẫn nhưng kết cục không như mong muốn, 60% dùng không có người hướng dẫn theo dõi chăm sóc. Số trẻ em đến khám vì tác hại của thuốc cảm OTC gấp 8 lần so với các thuốc khác, nhóm có tỷ lệ cao nhất là trẻ dưới 5 tuổi và nhóm có tỷ lệ phản ứng có hại nặng hơn là trẻ dưới 2 tuổi
Kiến nghị của Mỹ và Canada:
Quý 3 (2009) Bộ Y tế Canada khuyến cáo không tán thành việc sử dụng tất cả các dạng thuốc cảm OTC cho trẻ em dưới 6 tuổi và đề nghị dùng thuốc cảm OTC thận trọng cho trẻ em trên 6 tuổi. Cũng thời gian này, FDA Mỹ khuyến cáo không dùng thuốc cảm OTC cho trẻ em dưới 4 tuổi.
Thực trạng dùng thuốc cảm OTC ở nước ta và một số điều cần lưu ý
Do đặc điểm thời tiết khí hậu ở nước ta nên trẻ dễ bị sốt, ho, sổ mũi thường gọi là cảm, thực chất là do nhiễm khuẩn hay virut. Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thầy thuốc cho điều trị nguyên nhân. Nếu bị nhiễm khuẩn thì phải dùng kháng sinh, nếu bị nhiễm virut thì giữ cho trẻ khỏi bội nhiễm, tăng cường sức đề kháng. Không nên bỏ qua việc khám xét này mà chỉ dùng thuốc cảm OTC kéo dài. Điều này sẽ làm trẻ không khỏi bệnh mà lại bị các tác hại do dùng thuốc cảm OTC kéo dài gây ra. Các chất trong thuốc cảm OTC có chất tương đối độc. Sai lầm trong dùng thuốc có thể dẫn đến tai biến nặng kể cả tử vong.
Nếu trẻ chỉ có một vài triệu chứng kèm theo bệnh nhưng ở mức nhẹ thì chỉ nên dùng thuốc OTC đơn. Ví dụ: Nếu chỉ sốt cao (do nhiễm vi khuẩn) thì cho dùng paracetamol, nếu sốt nhẹ (do nhiễm virut) thì không nhất thiết phải dùng paracetamol...
Khi cần thì mới chọn thuốc cảm OTC kép có nhiều chất nhưng nên chú ý ưu tiên dùng loại ít chất, có công dụng rõ ràng, ít độc, tránh việc hiểu sai và lạm dụng: ví dụ chlopheniramin có trong thuốc cảm OTC chỉ có tính chống dị ứng, tuy nhiên vì là chất ức chế thần kinh trung ương nên gây ngủ, ngủ được thì đỡ ho nên có bà mẹ tưởng đó là tác dụng tốt và dùng nó như một thuốc an thần, kéo dài thời gian dùng, sẽ gây hại cho trẻ.
Trên thị trường cũng còn loại thuốc cảm OTC dùng cho người lớn có chứa các chất giống như thuốc cảm OTC trẻ em nhưng hàm lượng cao hoặc có chứa các chất khác với thuốc cảm OTC trẻ em (thường là các chất độc cấm dùng cho trẻ em). Khi đi mua thuốc phải nói rõ là mua cho trẻ để tránh sự nhầm lẫn này.
Trong tình hình quản lý thực tế như hiện nay, các bà mẹ có thể mua thuốc cảm OTC một cách dễ dàng. Tuy nhiên, cần nhớ việc chẩn đoán, dùng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhất là cho trẻ em dưới 2 tuổi rất khó. Do đó nên hỏi thầy thuốc để được hướng dẫn chu đáo. Trong quá trình dùng nếu thấy có điều gì bất thường, cần liên hệ với thầy thuốc để xử lý sớm.
DS Bùi Văn Uy
Nguồn http://suckhoedoisong.vn