Nhiều năm qua, các bậc học, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học luôn trong tình trạng thiếu giáo viên do nguồn tuyển hạn chế, chế độ ưu đãi chưa thu hút, giữ chân được giáo viên.
Cùng với tốc độ gia tăng dân số cơ học, số lượng học sinh hàng năm tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao, tạo áp lực lớn đối với thành phố trong việc đảm bảo chỗ học cho học sinh cũng như số lượng và chất lượng giáo viên.
Bậc mầm non và tiểu học luôn thiếu giáo viên. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN
Tuyển liên tục vẫn thiếu
Ở các quận, huyện trong nhiều năm qua, việc tuyển dụng giáo viên luôn không đủ số lượng, số giáo viên đăng ký dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu cần tuyển. Nhiều quận, huyện tuyển giáo viên từ 2 - 3 đợt trong năm nhưng vẫn thiếu, nhất là giáo viên mầm non.
Ông Nguyễn Minh Nhơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh cho biết: Qua hai đợt tuyển dụng năm 2016, quận tuyển được 129 giáo viên và 6 nhân viên nhưng vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Trong đó, bậc mầm non thiếu 9 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 8 giáo viên và nhân viên, bậc trung học cơ sở thiếu 12 người, gồm giáo viên và tổng phụ trách đội. Ở những huyện vùng ven, việc tuyển dụng giáo viên cũng rất khó khăn.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh, năm học vừa qua, ngành giáo dục huyện cần tuyển hơn 400 giáo viên nhưng thực tế chỉ tuyển được hơn 200 người. Số giáo viên thiếu nhiều ở các môn nhạc, họa, tin học, tiếng Anh.
Theo quy định, giáo viên được lựa chọn nguyện vọng ứng tuyển nên thường chọn vào những trường lớn, gần trung tâm, dẫn đến tình trạng các trường xa thiếu giáo viên, trong khi nhiều người giỏi nhưng vẫn không trúng tuyển do đăng ký dự tuyển vào những trường lớn, có tỷ lệ cạnh tranh cao.
Tương tự, năm học vừa qua, quận 11 cũng tuyển 102 giáo viên, nhân viên ở các bậc học từ mầm non đến trung học cơ sở nhưng hiện nay vẫn còn thiếu 15 giáo viên mầm non. Quận 10 cũng thiếu tới 18 giáo viên mầm non. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó tuyển giáo viên là do thu nhập của giáo viên, nhất là bậc mầm non và tiểu học thấp.
Không chỉ khó tuyển mới mà nhiều giáo viên đang công tác cũng có xu hướng chuyển ngành nghề khác vì thu nhập không đảm bảo đời sống. Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho thấy, giáo viên có thời gian công tác dưới 5 năm thu nhập thấp nhất là hơn 2,8 triệu đồng/tháng, cao nhất là hơn 7,5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa đảm bảo để trang trải cuộc sống, giúp giáo viên yên tâm cống hiến với nghề.
Tính riêng bậc mầm non, với quy mô 1.100 trường và hơn 1.700 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, thành phố đang thiếu hơn 11.000 người so với quy định. Trong khi đó, hàng năm số lượng tuyển được luôn thấp hơn chỉ tiêu cần tuyển (thiếu khoảng 500 giáo viên so với chỉ tiêu tuyển dụng mỗi năm), số giáo viên nghỉ việc hàng năm tăng lên.
Trong năm học 2015 - 2016, gần 800 giáo viên mầm non đã nghỉ việc ở cả hệ thống trường công lập lẫn ngoài công lập.
Một nguyên nhân nữa khiến việc tuyển dụng giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non khó khăn là do nguồn tuyển hạn chế. Số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho thấy, số sinh viên tốt nghiệp hàng năm có hộ khẩu tại thành phố chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số sinh viên sư phạm mầm non từ các trường có đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học sư phạm. Nếu tất cả số này có nhu cầu vào hệ thống giáo dục mầm non và hệ thống tuyển dụng hết, thành phố vẫn thiếu nguồn dự tuyển để đảm bảo đủ giáo viên theo quy định.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng giáo viên, nhiều năm qua, ngành giáo dục thành phố đã phối hợp với các trường sư phạm để đẩy mạnh đào tạo giáo viên. Đồng thời, ngành mở rộng đối tượng tuyển dụng gồm cả những người có tạm trú dài hạn tại thành phố (KT3) nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đặc biệt là giáo viên ở khối mầm non và tiểu học, khi số lượng học sinh, trường lớp hàng năm đều tăng.
Cần thêm chính sách đãi ngộ
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở đã phối hợp chặt với các sở, ban ngành triển khai một số giải pháp, chế độ, chính sách đặc biệt dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo cải thiện thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống. Sở cũng phối hợp với các ngân hàng xây dựng các gói hỗ trợ tài chính ưu đãi cho giáo viên trong việc mua nhà, sửa chữa nhà ở, học tập nâng cao trình độ.
Mới đây, Sở đã tham mưu UBND thành phố đề xuất HĐND thành phố một số chính sách nhằm thu hút và giữ chân giáo viên mầm non công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí dự kiến hơn 250 tỷ đồng/năm. Trong điều kiện không thể tăng biên chế giáo viên mầm non để đủ theo quy định, Sở đề xuất cho phép thực hiện hợp đồng giáo viên bổ sung theo dạng khoán, ngân sách thành phố cấp; nâng cao thu nhập và chế độ đãi ngộ cho giáo viên như thêm tiền phụ cấp, tiền khuyến khích người có trình độ chuyên môn cao, tăng lương...
Để thu hút giáo viên mầm non, cần có cơ chế tuyển dụng giáo không gắn với yêu cầu hộ khẩu thành phố. Thành phố cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non. Sinh viên vay sẽ cam kết ra trường công tác tại các cơ sở giáo viên mầm non công lập ở thành phố và hoàn trả khoản vay trong 3 - 5 năm đầu công tác... Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xây dựng, tham mưu đề xuất chế độ thu hút và giữ chân giáo viên ở các bậc học khác.
Theo TTXVN