Tiêu chảy là một trong các bệnh thường gặp, rất quen thuộc và phổ biến mỗi khi vào hè nhất đối với trẻ em.
Hàng năm có rất nhiều ca trẻ em nhập viện vì bệnh tiêu chảy cấp. Nếu không có biện pháp phòng tránh, bệnh rất dễ lây lan thành dịch và khó kiểm soát.
Vào mùa hè, nhiệt độ cao rất thuận lợi cho sự thoái hóa thực phẩm và sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm nên thức ăn rất chóng hư hỏng. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống. Một trong những bệnh thường gặp khi mùa hè đến là bệnh tiêu chảy.
Theo ghi nhận của báo Hà Nội Mới, tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% trong số đó xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Cục y tế dự phòng.
Tăng cường vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; hạn chế ra vào vùng đang có dịch.
Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% trong số đó là trẻ em. Ảnh minh họa
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, .... Cần chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng.
Các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt, nếu chỉ sử dụng ngay sau một thời gian ngắn thì đậy lồng bàn, để nơi mát, thoáng gió. Ngoài ra, cần rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn; hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan... trong vùng đang có dịch.
Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch
Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào. Ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B; cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối...
Xử trí khi có người bị tiêu chảy cấp
Khi gia đình có người bị tiêu chảy phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị. Điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, để phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ em, ngoài bù nước, chất điện giải, tích cực cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn yêu cầu bắt buộc phải bổ sung Kẽm liên tục trong vòng 14 ngày cho toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy. Việc làm này sẽ giảm số lần và số ngày tiêu chảy ở trẻ; giúp trẻ ăn ngon, tăng sức đề kháng và hạn chế các bệnh nhiễm trùng.
Theo Thanh Niên