Chắc hẳn không bố mẹ nào muốn con mình cảm thấy buồn chán cả nhưng thực ra nó đã được chứng minh là rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Các bậc cha mẹ luôn cố gắng làm mọi điều để giáo dục và giải trí cho trẻ, từ Ipad đến TV đến đồ chơi hay những chuyến đi chơi. Tuy nhiên, liệu bố mẹ có bao giờ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu thỉnh thoảng cứ để cho trẻ cảm thấy buồn chán? Điều này có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của trẻ hay không?
Teresa Belton, một nhà nghiên cứu và cũng là nghiên cứu sinh trao đổi tại Đại học East Angelia, Mỹ đã phỏng vấn những chuyên gia với óc sáng tạo tuyệt vời để tìm hiểu liệu những tác động của sự nhàm chán đến óc sáng tạo của họ ngay từ lúc còn nhỏ và bây giờ.
Terasa đã phỏng vấn 1 diễn viên - nhà văn nổi tiếng Meera Syal. Cô ấy kể rằng khi còn đi học, cô ấy thường tham gia những buổi dã ngoại của trường nhưng thường dành phần lớn thời gian ngắm nhìn cảnh sắc làng quê qua cửa kính ô tô và thường thích làm những việc khác mọi ngày chẳng hạn như học nướng bánh với 1 bà lão hàng xóm. Sự nhàm chán ấy tạo động lực cho cô ấy viết nhật kí và chính những dòng nhật kí ấy đã làm nên những trang văn của cô ấy sau này. Cô ấy chia sẻ rằng "Cảm giác ấy thật sự thoải mái, không gò bó, được thỏa sức sáng tạo mà chẳng cần lí do gì ngoài việc làm cho đỡ rảnh."
Sự nhàm chán đã được chứng minh có thể giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng và óc sáng tạo.
Tương tự, nhà tâm thần học nổi tiếng Susan Greenfield cũng nói rằng cô ấy từng không dành nhiều thời gian làm và chơi như những đứa trẻ khác mà dành phần lớn thời gian vẽ vời và viết truyện. Chính điều này như 1 điềm báo về công việc sau này của cô ấy, chính là công việc về nghiên cứu hành vi của con người.
Thể thao, âm nhạc và những hoạt động khác đều có thể ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển về thể chất và nhân cách của trẻ. Tuy nhiên trẻ con cần có thời gian cho bản thân để quên đi những xô bồ của cuộc sống, để mơ mộng, đeo đuổi những suy nghĩ riêng, những mơ ước riêng về nghề nghiệp cũng như để khám phá ra những sở thích và khả năng tiềm ẩn của bản thân.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng con người khi cảm thấy buồn chán hay nhàn rỗi lại rất có thể nghĩ ra được những ý tưởng sáng tạo hay những giải pháp cho những vấn đề của mình. Dĩ nhiên không phải sự nhàn rỗi chắc chắn sẽ đem lại óc sáng tạo và tài năng, mà đơn giản chỉ là hãy để đầu óc thư thái nhất có thể. Hay nói cách khác, trẻ nên được phát triển tự nhiên thay vì được nuôi dưỡng cùng với sự hi vọng đặt lên vai chúng quá lớn.
Làm sao giúp trẻ khi trẻ thấy chán nản
Cha mẹ thường cảm thấy phiền lòng khi trẻ than vãn chán nản. Tuy nhiên cha mẹ nên nhìn theo hướng tích cực rằng sự nhàn rỗi ấy có thể là cơ hội thay vì mất mát đối với trẻ. Cha mẹ thường lúc nào cũng sẵn sàng lao vào giúp trẻ giải quyết mọi vấn đề nhưng điều đó hoàn toàn không nên. Tốt hơn hết, cha mẹ chỉ nên theo dõi trẻ và tạo cho trẻ không gian và thời gian để tự tiêu khiển cho dù chúng có chút lộn xộn đi chăng nữa.
Đôi lúc bố mẹ nên để trẻ có những phút giây nhàn rỗi, không có gì làm để tự suy nghĩ và mơ mộng.
Tuy nhiên, để những phút nhàn rỗi thu được lợi ích, trẻ cũng cần có những tố chất như sự tò mò, tính kiên nhẫn, sự ham thích và sự tự tin. Những tố chất ấy sẽ giúp trẻ khám phá, sáng tạo cũng như phát huy óc sáng tạo, tưởng tượng và khả năng tập trung. Chính những điều này giúp trẻ không nản lòng nếu có điều gì không ổn xảy ra lúc ban đầu và kích thích trẻ tiếp tục thử lại. Chính bằng việc khuyến khích phát triển những tố chất ấy ở trẻ, cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn trong tương lai.
Bố mẹ cũng nên giúp con để khai thác sự nhàn rỗi và nhàm chán hiệu quả.
Nếu trẻ bị hết ý tưởng, hãy cho trẻ vài thử thách để kích thích óc sáng tạo của trẻ. Có thể đơn giản như hỏi trẻ những câu kiểu "Chú khủng long đồ chơi này thích ăn món gì trong khu vườn nhỉ?" rồi sáng tạo ra 1 câu chuyện bằng tranh với những người bạn và với 1 chiếc máy ảnh.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn dạy trẻ tính tự lập và sáng tạo. Tuy nhiên họ lại luôn dạy dỗ trẻ bất cứ lúc nào dù là dạy học hay dạy chơi thay vì tạo cho trẻ không gian riêng. Cha mẹ nên tạo không gian cho trẻ, tin tưởng vào xu hướng phát triển tự nhiên của trẻ vì chỉ có như vậy trẻ mới phát triển được tính tự lập và sáng tạo của bản thân.
Theo Afamily