Mặc dù tỷ lệ trường đạt chuẩn không nằm trong nhóm thấp của TP, song nhiều xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ vẫn thiếu cơ sở vật chất trường học, nhất là cấp học mầm non.
Trường xuống cấp, lớp quá tải
Xuân Phú là một trong hai xã nằm trong kế hoạch về đích nông thôn mới cuối cùng của huyện Phúc Thọ (năm 2017) nên hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế. Phú Châu là thôn đông dân nhất xã với hơn 2.500 nhân khẩu nhưng đang thiếu lớp học cho trẻ em. Điểm trường mầm non thôn Phú Châu là công trình nhà cấp 4 được đầu tư xây dựng từ những năm 2000, hiện đã bị xuống cấp. Tới năm 2013, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của điểm trường này, huyện Phúc Thọ đã phải dừng hoạt động và phụ huynh phải đưa con đến gửi ở trường mầm non trung tâm xã.
Trường Mầm non trung tâm xã Xuân Phú đang quá tải.
Toàn xã Xuân Phú có 6 thôn, trong đó thôn xa nhất cách trung tâm hơn 2km. Ngoài thôn Phú Châu, người dân thôn Xuân Đông cũng đang rất bức xúc về vấn đề trường mầm non. Dù điểm trường của thôn mới được đầu tư sửa chữa nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu trông giữ và dạy học cho trẻ. Do đó, nhiều người dân phải đưa con đi gửi ở trường mầm non trung tâm xã dẫn tới tình trạng quá tải. Cô giáo Dương Thị Tâm, giáo viên nhà trường cho biết, theo quy định mỗi lớp chỉ 25 - 30 cháu, nhưng hiện tại, lớp mẫu giáo 3 tuổi của trường đều có sĩ số từ 42 - 44 cháu, lớp 4 tuổi cũng đang có 40 cháu. "Phụ huynh nhiều lần đề nghị tách lớp để con em được học tập tốt nhất nhưng trường không có phòng học để tách, trong khi giáo viên đứng lớp cũng khá vất vả" - cô Tâm chia sẻ.
Tại xã Vân Phúc, trước đây có 6 điểm trường mầm non, tuy nhiên, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, các điểm trường thu về một mối dẫn tới trường mầm non xã rơi vào tình trạng quá tải. Ngay cả công trình phụ trợ cũng không đáp ứng yêu cầu. Hay tại xã Thanh Đa, cơ sở trường mầm non của xã cũng chật hẹp, quá tải với số lượng từ 30 - 50 cháu/lớp, không đảm bảo theo quy định.
Có đất nhưng thiếu tiền
Ông Hoàng Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết, hiện nay trường mầm non đang là vấn đề bức xúc của người dân. Theo ông Cường, nhiều năm nay địa phương không có nguồn thu, trong khi kinh phí đầu tư xây dựng mỗi điểm trường mầm non đạt chuẩn lên tới hàng chục tỷ đồng. Do đó, nếu không được quan tâm đầu tư, xã khó về đích nông thôn mới đúng hẹn như lộ trình huyện đã đề ra. "Điều đáng nói, xã Xuân Phú đã có quỹ đất sạch để quy hoạch xây dựng các điểm trường mầm non đạt chuẩn, cũng như nhà văn hóa. Vấn đề là kinh phí để thực hiện?" - ông Cường cho hay.
Theo thống kê của huyện Phúc Thọ, hệ thống trường học trên địa bàn huyện đã từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Giai đoạn 2011 - 2015, huyện đã triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp 24 trường mầm non, 23 trường tiểu học, 22 trường THCS. Năm 2015, Phúc Thọ có thêm 6 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia của toàn huyện là 40 trường (đạt 56%, tăng 25 trường so với năm 2010), tỷ lệ trường lớp được kiên cố hóa đạt 100%. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại với Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ mới đây, đại diện nhiều xã, thị trấn vẫn đề nghị huyện quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường học, nhất là cấp mầm non. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, trong bối cảnh kinh phí khó khăn, huyện chủ trương làm từng bước, ưu tiên các xã chuẩn bị về đích nông thôn mới. Trước mắt, huyện sẽ đầu tư xây dựng trường Mầm non Tam Hiệp đạt chuẩn.
Theo KTĐT