Người ta ví ổi chứa một "kho dinh dưõng" mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng. Trong ổi có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa ít chất béo bão hoà, cholesterol và natri nhưng chứa nhiều chất xơ, vitamin C, A, kẽm, kali và mangan... Ăn ổi thường xuyên và đúng cách có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, làm đẹp, giảm cân và một số tác dụng chữa bệnh khác.
Trẻ béo phì có nên ăn ổi không?
Câu trả lời là: Rất nên! Có lẽ đây là một "bí mật" rất đáng giá cho những mẹ muốn lấy lại vóc dáng sau khi sinh, cũng như những mẹ đang lo âu với chuyện con mình thừa cân khá nhiều. Ổi có tác dụng chống béo phì cực kỳ tốt. Nó là món luôn được các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích trong chế độ ăn kiêng, vì là món "quà vặt" ngon lành và tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, nếu muốn chăm sóc cho hệ tim mạch của con thật tốt, bạn cũng đừng quên ổi. Chất lycopen trong ổi rất dồi dào, khiến máu huyết lưu thông tốt.
Thật tuyệt khi chừng ấy công dụng lại gói gọn trong một loại quả có thể trồng được ở khắp nơi trên cả nước. Cắn một miếng ổi, bé sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng, chất thịt quả thanh ngọt, giòn giòn rất ngon lành.
Tuy nhiên, cần có vài lưu ý khi cho bé ăn ổi!
- Không nên cho trẻ ăn những quả ổi non vì còn nhiều vị chát sẽ có hại cho dạ dày còn non yếu của trẻ, đồng thời gây táo bón. Bạn nên chọn cho trẻ những quả ổi chín, mềm, ăn vào có vị ngọt thanh chứ không chát.
- Luôn bỏ hạt ổi rồi mới cho con ăn, vì hạt ổi khó tiêu, gây trở ngại cho hệ tiêu hóa của trẻ.
- Trẻ trên 1 tuổi mới nên làm quen với ổi, hạn chế ăn quá sớm. Với trẻ dưới 2 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, nên cho trẻ dùng ổi dưới dạng nước ép sẽ tốt hơn và hấp thụ nhiều hơn.
- Những người bị suy nhược cơ thể nên sử dụng ổi dưới dạng xay nhuyễn hoặc ép thành nước thì sẽ hấp thụ được tốt hơn.
- Vỏ của ổi chứa nhiều vitamin C rất tốt cho làm đẹp da, nhưng đối với người tiểu đường khi ăn nên gọt bỏ vỏ.
Theo PNO