Trẻ nhỏ ăn nhiều thực phẩm có lượng canxi, calo cao rất dễ bụ bẫm nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị còi xương.
Gần đây, chị Ngọc Linh (25 tuổi - Hải Dương) hoang mang và lo lắng khi thấy con gái đầu lòng chơi hay ngủ đều vã mồ hôi trộm. Đặc biệt, bé được hơn 10 tháng nhưng chưa mọc răng và chậm nói hơn các bé cùng lứa. Trước tình trạng đó, chị Linh đã đưa bé lên Hà Nội thăm khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ kết luận bé bị còi xương, mặc dù chị luôn tích cực tẩm bổ cho con bằng đồ ăn dặm bổ dưỡng.
Chị tâm sự: "Sau 6 tháng, mình bắt đầu cho con ăn dặm. Hằng ngày, mình cho bé ăn cháo dinh dưỡng đủ loại như cá, tôm, thịt, rau củ,...Ngoài ra, mình cho bé uống sữa bữa phụ và bổ sung các loại quả. Nhờ đó, con rất bụ bẫm và trộm vía khỏe mạnh. 2 tháng trở lại đây, con hay ra mồ hôi trộm khi ngủ, tóc rụng nhiều và quấy khóc. Thấy vậy, vợ chồng mình quyết định đưa con đến phòng khám Dinh dưỡng. Nào ngờ, bác sĩ kết luận con có biểu hiện của bệnh còi xương".
Theo Ths.Bs Doãn Thị Tường Vi, Viện Dinh dưỡng Lâm Sàng, các mẹ thường lầm tưởng cân nặng đi liền với xương chắc khỏe. Không phải trẻ thấp còi mới mắc còi xương, những đứa trẻ bụ bẫm, mập mạp cũng có nguy cơ còi xương. Người ta gọi đó là còi xương thể bụ bẫm.
Nhiều mẹ hốt hoảng và lo lắng khi con bụ bẫm vẫn bị...còi xương (ảnh minh họa)
Nguyên nhân trẻ bụ bẫm vẫn có thể... còi xương
Trước đến nay, các bậc cha mẹ luôn nghĩ, trẻ chỉ bị còi xương khi thiếu ăn. Thực chất, trẻ còi xương do thiếu vitamin D3, làm rối loạn quá trình chuyển hóa canxi và photpho trong cơ thể, dẫn đến tổn thương xương.
PGS.TS.BSCC Trần Đình Toán, Trung tâm Dinh dưỡng cho biết: "Trẻ ăn nhiều thực phẩm có lượng calo cao rất dễ bụ bẫm nhưng khẩu phần ăn sẽ không cân đối, dẫn đến thiếu vitamin D (D3), K (K2). Thậm chí, trẻ được bổ sung thực phẩm có nhiều canxi nhưng là canxi khó hấp thu hoặc tỉ lệ canxi/photpho không hợp lí , thiếu protein,...gây ra tình trạng còi xương".
Ngoài rối loạn chuyển hóa canxi và photpho trong cơ thể, trẻ bị còi xương do những yếu tố sau:
- Ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và do chế độ ăn của trẻ thiếu cân đối, quá mặn hoặc quá nhiều đạm khiến cho vitamin D bị đảo thải qua đường tiểu.
- Trẻ ăn dặm quá sớm, quá nhiều bột cũng dễ gây rối loạn chuyển hóa làm ức chế quá trình hấp thu caxi dẫn đến thiếu canxi, bị còi xương.
Tháp nhu cầu dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ từ 3-5 tuổi (Viện Dinh dưỡng quốc gia)
- Những trẻ bụ bẫm có nguy cơ bị còi xương cao hơn trẻ bình thường khác. Vì nhu cầu về canxi, vitamin D và phốt pho của trẻ cao hơn những đứa trẻ bình thường khác.
- Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu hoặc bú mẹ không đều đặn.
Cần làm gì khi trẻ bụ bẫm còi xương
Khi thấy trẻ có các biểu hiện quấy khóc, vã mồ hôi trộm, giật mình, rụng tóc, thóp rộng, chậm biết đi, chậm mọc rang,...các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đến các Viện, trung tâm dinh dưỡng để kiểm tra. Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của trẻ cần phải thay đổi.
"Trong khẩu phần ăn của trẻ còi xương, bố mẹ cần tăng cường các yếu tổ vitamin D3 và K2. Ngoài ra, thói quen trước đó của trẻ cần phải điều chỉnh...", Bs Trần Đình Toán cho hay.
Bổ sung canxi cho trẻ cần phải chú ý tới nhu cầu của từng nhóm tuổi và sự chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, trẻ hấp thu canxi tốt nên cho trẻ phơi nắng hàng ngày vào sáng sớm để tận dụng vitamin D3 trong ánh nắng mặt trời. Trong trường hợp thời tiết mùa đông âm u không có nắng có thể bổ sung vitamin D3 qua đường uống cho trẻ.
Theo Vân Anh (Khám Phá)