Một vài lần áp dụng cách nói dọa nạt, nói bóng gió... bố mẹ thấy hiệu quả tức thì nhưng duy trì những cách đó đều đặn mỗi khi nói với con lại phản tác dụng.
1. Nói khích, dọa nạt
Một đứa trẻ 5 tuổi không tự giác làm bài tập, mẹ bé dọa: "Nếu như con vẫn không chịu học bài thì tối mẹ không cho con ngủ trên giường đâu". Cậu bé liền ngoan ngoãn ngồi vào bàn học. Thấy cách này có vẻ có hiệu quả, người mẹ thường tiếp tục áp dụng cho những lần sau. Khi bé biếng ăn, mẹ nói với con: "Con không ăn cơm mẹ càng đỡ tốn kém". Khi bé mải chơi quên học, mẹ lại nói: "Mẹ chắc chắn bài kiểm tra tới con làm không quá 5 điểm được đâu". Người mẹ phát hiện ra rằng, mỗi lần bị mình "khích" như vậy, con càng tự giác học bài, ăn cơm.
Có đôi lúc con vô cớ mè nheo, gây sự, bố mẹ không biết xử lý thế nào, thường nói: "Nếu như con cứ không ngoan ngoãn thì mẹ không thương con nữa đâu". Thế là các con sợ, lại ngoan ngoãn nghe lời. Thật ra thì chẳng có bố mẹ nào lại không đủ kiên nhẫn với con mình đến mức bỏ mặc con cả, đây cũng chỉ là lời dọa nạt để đứa trẻ biết sợ mà thôi.
Lời khuyên của chuyên gia: Cha mẹ sử dụng những cách nói dọa, nói khích với con đúng lúc sẽ có tác dụng nhưng nếu như sử dụng một cách bừa bãi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhận thức đúng sai của trẻ. Vì vậy, tốt nhất là người lớn nên nói thẳng vào vấn đề, trực tiếp bảo ban, đưa ra yêu cầu với trẻ.
2. Nói nửa đùa nửa thật
Một bé trai 3 tuổi lỡ tay làm đổ sữa, mẹ bé nói: "Nhìn việc tốt mà con vừa làm kìa!". Lần sau uống sữa, bé cố tình làm đổ cả cốc sữa rồi hớn hở khoe với mẹ: "Mẹ mau ra đây xem này! Con lại vừa làm việc tốt".
Có những vị cha mẹ hay nói đùa với con, chẳng hạn như: "Ăn 1 tiếng không xong bát cơm, con ăn nhanh quá nhỉ!" hay"Mẹ không yêu con nữa, mẹ mặc kệ con"... Lâu dần như vậy sẽ hình thành trong trẻ những khái niệm sai lệch về hành vi tốt - xấu, không có lợi cho sự phát triển bình thường của trẻ. Hoặc trẻ sẽ cho rằng, nhất định phải dùng lời nói đùa, nói ngược như vậy mới đúng.
Các con có thể đã nói rất sõi nhiều từ nhưng khả năng hiểu ý nghĩa mới chỉ đang dần hình thành. Nếu cha mẹ hay nói đùa, nói giễu sẽ khiến con rơi vào tình trạng bối rối, không có lợi với sự phát triển khả năng thấu hiểu của trẻ. Hơn nữa, vì lời nói với cách biểu cảm của người lớn không đồng nhất nên trẻ sẽ không thể nào đoán được đúng ý của lời nói. Điều này gây cản trở cho việc giao tiếp giữa bố mẹ và con cái.
Lời khuyên của chuyên gia: Nhìn nhận từ góc độ hình thành và phát triển nhân cách, nhận thức tốt - xấu, chuẩn mực hành vi của trẻ, phụ huynh cần phải nói câu ngắn gọn, dễ hiểu với trẻ, dạy dỗ đúng hướng và giao tiếp một cách thẳng thắn.
3. Nói ngược, nói bóng gió
Con gái hay khóc nhè, kể cả chuyện bé tí xíu cũng khóc ầm lên, mẹ đã khuyên bảo rất nhiều lần nhưng bé không chịu sửa. Một lần bé khóc, mẹ liền nói: "Con cứ khóc đi! Khóc to lên!" rồi bỏ sang phòng khác. Bé gái khóc một lúc thì không ai ra dỗ dành đành tự nín, người mẹ thấy vậy cho rằng đây là một cách hay nên những lần sau con khóc, mẹ đều làm như vậy. Dần dần, con đi học mẫu giáo, thấy bạn khóc nhè cũng nói: "Cậu cứ khóc đi! Khóc to lên!".
Bố mẹ đôi khi nóng giận, nói với con một vài lời không hay là điều khó tránh, nhưng tuyệt đối không được lạm dụng cách nói bóng nói gió, nói giễu để khích con. Chúng ta nên nghĩ rằng, một lúc nào đó con sẽ dùng những câu mà mình từng nói để đi "an ủi" bạn khác. Bởi vì trong giai đoạn này, khả năng ngôn ngữ của con trẻ chưa đủ phát triển để hiểu được đâu là nói thật với nói giễu mà chỉ biết dùng những gì mình học được ở trong gia đình để giao tiếp với người khác. Như vậy, cách nói hàng ngày của bố mẹ vô tình lại gây cản trở cho năng lực giao tiếp của con, khiến người khác không hiểu lại nghĩ con mình vô lễ, không biết cảm thông với người khác, vô tình tự cô lập con mình.
Chuyên gia tư vấn: Nếu như cha mẹ biết cách sử dụng hợp lý lối nói bóng gió, nói ngược thì đó cũng là một biểu hiện của biết dạy con. Thế nhưng mọi thứ nên có chừng mực. Dùng lối nói này nhiều sẽ gây áp lực nặng nề lên con trẻ, cha mẹ nên biết cách để nó là động lực kích thích con phấn đấu chứ không phải áp lực. Mặt khác, cách nói này lâu dần sẽ hình thành cho con một quan niệm: bố mẹ toàn lừa con, khiến cho con không còn tin tưởng vào bố mẹ nữa, ảnh hưởng đến sự tự tin trong giao tiếp xã hội của con.
Theo Afamily