Dinh dưỡng
   Giải pháp trị chứng biếng ăn ở trẻ em
 

Biếng ăn là một chứng rối loạn dinh dưỡng thường gặp ở trẻ nhỏ đang trong độ tuổi ăn dặm hoặc mẫu giáo. Biếng ăn ảnh hưởng tới quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Hãy cùng tìm giải pháp trị chứng biếng ăn ở trẻ thật hiệu quả nhé.


Trẻ biếng ăn vì sao?
Nguyên nhân trẻ biếng ăn rất đa dạng, có thể chỉ ra một số yếu tố chính của chứng biếng ăn như sau:
Biếng ăn do tâm lý là nguyên nhân thường gặp nhất, do cha mẹ không hiểu tâm lý trẻ. Biếng ăn tâm lý thường xảy ra khi trẻ có cảm giác bị ép buộc, bị gò bó vào một khuôn khổ nào đó hoặc bị đánh lừa: bị ép phải mang khăn ăn, phải ngồi một chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn; bị quy định phải ăn hết phần ăn của mình trong một thời gian cố định (vì cha mẹ phải đi làm kẻo trễ); không khí bữa ăn căng thẳng; cha mẹ cho thuốc vào thức ăn, vào sữa...


Đa dạng thức ăn và tạo cảm hứng cho trẻ giúp trị chứng biếng ăn.


Biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn: Sai lầm trong chế biến thức ăn cho trẻ: Hầm khoai tây, cà rốt, củ dền, đậu, thịt... xay nhuyễn và cho bé ăn hết ngày này qua tháng nọ gây cảm giác ngán; chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không ăn xác, lâu ngày dẫn đến thiếu các chất dinh dưỡng; cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn kéo dài đến 2 - 3 tuổi; pha bột vào sữa, pha sữa bằng nước cháo hoặc nước hầm đậu, hầm xương... đều làm trẻ khó tiêu hóa; pha bột quá đặc khi trẻ mới tập ăn dặm.


Biếng ăn do bệnh lý: Hay gặp nhất là do trẻ suy dinh dưỡng, nhiễm ký sinh trùng (giun, sán), nhiễm khuẩn tái đi tái lại (viêm tai mũi họng, viêm amiđan, viêm phế quản - phổi...); nhiễm virut; bệnh lý răng miệng (sâu răng, viêm nướu); loạn khuẩn đường ruột,...


Biếng ăn sinh lý: trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên ăn ít đi trong vài ngày đến vài tuần. Các thời điểm này thường trùng với những lúc bé biết lật, ngồi, đứng, đi... Sau đó trẻ ăn uống lại bình thường.


Biếng ăn do dùng nhiều thuốc: trẻ phải dùng nhiều kháng sinh làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột; dùng quá nhiều vitamin; dùng thuốc kích thích ăn (tình trạng biếng ăn sẽ tăng lên nhiều ngay sau khi ngưng thuốc).


Nên làm gì khi trẻ biếng ăn?

Mẹ và người chăm sóc sẽ hiểu trẻ hơn, nên suy nghĩ xem trẻ biếng ăn vì nguyên nhân nào để tìm cách khắc phục cho phù hợp. Giải pháp trị chứng biếng ăn ở mỗi trẻ khác nhau, tuy nhiên, những biện pháp dưới đây có thể là mẫu số chung cho đa số trường hợp.


Từ bỏ tư tưởng nhồi nhét: Khi thấy trẻ biếng ăn, cha mẹ thường có tâm lý tìm đủ mọi cách để con ăn được nhiều như chế biến các món bổ dưỡng, lạ miệng, cho con xem hoạt hình, đi ăn rong và thậm chí là nhồi nhét mặc cho các bé la hét, giãy giụa. Tuy nhiên, đây thực sự là quan điểm sai lầm, việc ép trẻ ăn sẽ làm cho trẻ sợ ăn, lười ăn và thành phản xạ sợ hãi khi nói đến ăn.


Thay vì nhồi nhét trẻ phải ăn, nên cho trẻ có quyền lựa chọn đồ ăn, để trẻ tự ăn và dừng khi nào bé muốn. Gia đình không nên quá theo dõi khi trẻ ăn mà để trẻ tự do, kể cả đánh đổ thức ăn. Trẻ thấy mình được thoải mái như người lớn sẽ hào hứng ăn nhiều hơn, mọi người nên khuyến khích trẻ. Nếu bé không muốn ăn và đã thấy no thì đừng ép và cũng đừng căng thẳng về điều đó bởi các bé rất nhạy cảm và cũng sẽ căng thẳng theo, khi đó càng không muốn ăn. Hãy tôn trọng quyết định và quyền tự do của bé.


Tạo cảm hứng để bé ăn nhiều hơn: Đây là một cách giúp bé thích ăn. Hãy cho trẻ tự lựa chọn món ăn và tham gia chế biến món ăn cùng mẹ. Thậm chí không cần phải chờ đến bữa mới được ăn mà cho trẻ ăn ngay khi đang chế biến cũng là cách hay giúp trẻ ăn ngon miệng và ăn được nhiều.


Để bé có cảm giác thèm ăn, không nên cho trẻ ăn kẹo bánh trong vòng 2-3 tiếng trước khi ăn. Thời gian ăn cũng cần lưu ý, hợp lý nhất là 25 - 35 phút bởi nếu kéo dài thì thức ăn không còn nóng, không đảm bảo dinh dưỡng và ảnh hưởng tới bữa ăn kế tiếp.


Ngoài ra, mọi trẻ em đều thích được khen. Chính vì vậy, nếu bé thử một loại đồ ăn mới, dù ít hay nhiều, hãy khen ngợi bé một cách nhiệt tình và vui vẻ. Với cách làm này, bạn sẽ khiến việc bé muốn thử đồ ăn mới không còn khó khăn gì nữa.


Thay đổi quan điểm dinh dưỡng: Để đảm bảo dinh dưỡng, các bé cần phải được cung cấp đầy đủ các chất đạm, đường, mỡ, khoáng chất, vi chất... Tuy nhiên, cần đơn giản trong chế biến, không tổng hợp thật nhiều thực phẩm trong một món ăn, như vậy sẽ rất khó tiêu và trẻ càng biếng ăn hơn. Cần chịu khó đổi món, chế biến món mới từ nguyên liệu cũ; hãy chú ý đến hương vị, màu sắc, độ dinh dưỡng để tăng cường sự thèm ăn ở bé.


Với các thức ăn có nguồn gốc từ động vật, hãy hầm nhừ để bé dễ tiêu hóa. Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường thêm các món dễ nuốt hơn và hầu như bé nào cũng thích như: bơ, phô mai, trứng, sữa chua... cho bé. Các món nên làm cho trẻ biếng ăn cần tham khảo là:


Trứng cuộn: Món trứng cuộn sẽ rất lý tưởng cho trẻ. Các mẹ có thể độn vài loại rau vào trong và không để cho trẻ biết đang ăn những gì.


Sinh tố rau: Các mẹ có thể sử dụng các loại trái cây để làm sinh tố hay nước ép cũng là cách làm hay cung cấp nhiều dưỡng chất từ trái cây cho trẻ. Hãy thử thêm vài loại rau như bắp cải, cà rốt... vào các món sinh tố này để tăng thêm dinh dưỡng.


Cơm rang thập cẩm: trẻ rất thích những món ăn đa sắc màu. Với trẻ biếng ăn, việc phải nhìn bát cơm ngày nào cũng như nhau là một sự khó chịu, vì vậy, hãy thay đổi bằng cách làm món cơm rang và xúc ra đĩa, trẻ thấy khác biệt sẽ kích thích muốn ăn hơn. Thêm vài loại rau với các màu sắc khác nhau như củ cải đường, ớt Đà Lạt, cải bắp và cà rốt trong món cơm rang thập cẩm. Trẻ nhất định sẽ rất thích thú với món ăn sinh động này.


Bánh bột yến mạch hoặc nhân rau: Bánh bột yến mạch là một lựa chọn dinh dưỡng tốt cho trẻ vì món ăn sẽ cung cấp chất xơ, sắt, chất bột và cũng giúp trẻ no bụng. Các loại rau củ: cà rốt, củ cải đường và một vài rau nghiền nhỏ sau đó nhào chung với bột (bột mỳ là tốt nhất) và rán lên để có được một món bánh nhân rau đầy dưỡng chất cho trẻ.


Những thực phẩm tuyệt đối không cho trẻ ăn khi đói: Một số thực phẩm không nên cho trẻ ăn lúc đói vì sẽ tác động không tốt cho cơ quan tiêu hóa, không kích thích tiêu hóa, thậm chí còn làm trẻ chán ăn hơn, đó là: sữa các loại (sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành...), chuối, đồ lạnh, thức ăn chứa nhiều đường...


Theo SK&ĐS

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Trẻ kén ăn là do gen! (20/10)
 Cho trẻ ăn một quả trứng mỗi ngày và những lợi ích bất ngờ sẽ xảy ra (19/10)
 Trẻ ăn sáng thế nào để học tốt? (18/10)
 Bổ sung Vitamin C mỗi ngày cho trẻ: Nên hay không?. (17/10)
 Những điều mẹ cần chú ý để trẻ ăn hải sản an toàn (14/10)
 Trẻ biếng ăn: Mẹ nên và không nên làm gì? (13/10)
 Đồ uống tuyệt hảo cho bé (12/10)
 Chớ cho trẻ ăn mặn (11/10)
 Những thực phẩm ‘cấm’ dành cho trẻ nhỏ cha mẹ cần nhớ (10/10)
 Top 10 thực phẩm tăng cường phát triển trí não cho bé yêu (7/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i