Giáo dục mầm non (GDMN) những năm vừa qua có sự phát triển vượt bậc về quy mô trường lớp và đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, so với các bậc học khác, GDMN vẫn đứng hàng cuối từ việc đầu tư đến số lượng, chất lượng đội ngũ.
Trong bối cảnh vị trí của họ vẫn bị đánh giá thấp ngay từ trong ngành, đòi hỏi bản thân mỗi GV phải được đào tạo kỹ hơn về nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nghề nghiệp... thì mới có thể nâng tầm của đội ngũ, bậc học này.
Những bất cập từ thực tế
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2015 - 2016, cả nước có 442.697 cán bộ quản lý cơ sở GDMN, giáo viên và nhân viên. So với năm học 2005 - 2006, số giáo viên tăng 145.963 người và tăng 103.000 GV so với năm học 2010 - 2011.
Năm 2015, có 97,8% giáo viên MN có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, trong đó có 59,8% giáo viên MN đạt trên chuẩn trình độ đào tạo. Tương tự, số cán bộ quản lý đạt chuẩn trở lên là 99,5% và trên chuẩn là 92,1%.
Có thể nói, sự phát triển của đội ngũ giáo viên MN, cán bộ quản lý đã góp phần không nhỏ vào việc bao phủ mạng lưới trường lớp đến từng thôn, bản. Với quan điểm ở đâu có trẻ, ở đó có lớp, có trường, có giáo viên MN, các cô thực sự đã đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều cơ hội hơn cho trẻ em nói chung, trẻ vùng khó nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, đội ngũ giáo viên MN và cán bộ quản lý bậc học này cũng còn nhiều việc để bàn. Trước hết là tình trạng phân bổ không đồng đều. Hiện tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp tập trung...
Điển hình như tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ giáo viên/lớp vẫn ở mức thấp. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận đôi khi chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới GD. Các cô vẫn chưa cập nhật thông tin, chậm đổi mới phương pháp, thiếu và yếu một số năng lực nghề nghiệp (sáng tạo, tự học, tự bồi dưỡng...).
Có sự chênh lệch lớn giữa trình độ giáo viên trường công lập và ngoài công lập. Mặt khác, một bộ phận nhỏ còn có biểu hiện thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nhân cách, tình yêu với trẻ và yêu nghề hoặc có hành vi bạo lực với trẻ. Tình trạng tương đối phổ biến là ở vùng núi, giáo viên chưa làm chủ được ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán địa phương nên quá trình giảng dạy gặp khó khăn, trong khi đó tại các thành phố lớn lại có tình trạng giáo viên bỏ nghề vì nhiều nguyên nhân.
Từ những nguyên nhân chủ quan cộng khách quan (lương thấp, nhiều áp lực...) nên dù chuẩn giáo viên MN đã được ban hành từ lâu, có nơi tỷ lệ đạt chuẩn rất cao nhưng lại xảy ra tình trạng giáo viên không đáp ứng được việc thực hiện chương trình GDMN mới. Tỷ lệ giáo viên MN ở các thành phố lớn biết tiếng Anh, tin học cũng như nhận thức đầy đủ về nội dung quản lý lớp... còn khá khiêm tốn chứ chưa nói đến vùng nông thôn, vùng khó.
Nâng chuẩn là yêu cầu cấp thiết
Trình độ, năng lực của giáo viên MN được ví như con đường "gập ghềnh" bởi có quá nhiều nơi đào tạo, nhu cầu mỗi nơi mỗi khác. Đã có nhiều hội thảo được tổ chức, các ý kiến đưa ra đều đồng tình với việc siết chặt hoạt động đào tạo, nâng chuẩn nghề nghiệp với giảng viên, cơ sở vật chất các trường sư phạm. Những trăn trở trên một lần nữa được đưa ra tại hội thảo đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GDMN đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện được tổ chức gần đây.
Theo Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở GD (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thúy Hồng, GDMN có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống GD quốc dân. GDMN đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, ngôn ngữ, thẩm mỹ của trẻ. Để thực hiện thành công mục tiêu nói trên, giáo viên MN vừa phải là người mẹ, người bạn đồng thời là giáo viên, bác sĩ, nghệ sĩ để có thể nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của trẻ.
Bà Hồng cho rằng, với đặc thù lứa tuổi của trẻ nên nghề nghiệp của giáo viên MN cũng đòi hỏi tính đa dạng, linh hoạt trong hoạt động nghề nghiệp. Quá trình này được hình thành và phát triển ngay từ trong việc đào tạo nghề tại các trường sư phạm và được bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên trong quá trình hành nghề tại cơ sở GDMN.
Nói vậy để thấy rằng công tác đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm vô cùng quan trọng. GS.TS Đỗ Việt Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng: Đào tạo giáo viên MN hệ nào không quan trọng nhưng phải có ba rem để các trường đánh giá năng lực thực chất sinh viên của mình. Dựa vào chuẩn đầu ra, các cơ sở đào tạo sẽ định hướng thay đổi chương trình.
Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Đà Nẵng Lưu Trang, hiện tỉnh nào cũng có cơ sở đào tạo giáo viên MN, thậm chí cả những trường không liên quan đến sư phạm cũng có chỉ tiêu đào tạo. Điều này chứng tỏ việc đào tạo đội ngũ này đang bị buông lỏng trong khi yêu cầu với giáo viên MN rất cao, nhà trường phải có đủ cơ sở vật chất để sinh viên thực hành từ việc nấu ăn đến chăm sóc trẻ rồi phòng âm nhạc, múa...
Trưởng khoa GDMN (ĐHSP Hà Nội 2) Nguyễn Thu Hương cho rằng cần tách trình độ chuyên môn và bằng cấp nghề nghiệp trong chuẩn nghề nghiệp GV. Tiếp đó, các trường, vụ, cục liên quan của Bộ GD&ĐT cần có sự phối hợp để đưa ra chương trình dạy học, phương pháp đánh giá đồng nhất với giáo viên MN trong cả nước.
Giảng viên Nguyễn Thị Minh Huệ (ĐHSP Thái Nguyên) kiến nghị Bộ cần rà soát, ban hành chuẩn nghề nghiệp với giáo viên MN, hiệu trưởng cơ sở GDMN và cả giảng viên các trường. "Có chuẩn nghề nghiệp cho từng chức danh sẽ tránh việc các địa phương khi thiếu giáo viên sẽ luân chuyển cấp học này sang cấp học khác như hiện nay", giảng viên Huệ khẳng định.
Cùng với GD phổ thông, Bộ GD&ĐT cũng xây dựng đề án đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý GDMN giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2015 với nhiều giải pháp nhằm ổn định đội ngũ, đảm bảo giáo viên MN đạt chuẩn về trình độ, năng lực sư phạm. Để nâng chuẩn với giáo viên MN, cán bộ quản lý, Bộ sẽ tiến hành rà soát mạng lưới, xây dựng chuẩn nghề nghiệp với giáo viên, giảng viên, cơ sở vật chất các trường sư phạm...
Theo GD&TĐ