Ở đây trẻ em chỉ bắt đầu đi học khi 7 tuổi, nhưng những gì xảy ra trước đó mới thực sự quan trọng.
Đó là một buổi chiều tháng 9 ấm áp ở huyện Kallio, thủ đô Helsinki, Phần Lan. Một nhóm các em nhỏ 4-5 tuổi đang c đùa ở sân chơi nhà trẻ Franzenia. Chúng xây dựng một "công trình" công phu trên bãi cát. Nhân viên nhà trẻ di chuyển xung quanh các em, trò chuyện, quan sát và ghi chú lên giấy.
Nhìn vẻ ngoài, không có gì khác biệt ở nhà trẻ này, nơi nhận trông 200 trẻ, con số đông nhất thủ đô. Tuy nhiên, tại những nơi như thế này, "phép màu" giáo dục Phần Lan bắt đầu hình thành.
Các em nhỏ vui chơi tại nhà trẻ Franzenia tại thủ đô của Phần Lan
Sự thành công của hệ thống giáo dục Phần Lan là một câu chuyện đã được nhắc đến rất nhiều. Từ đầu thế kỷ 21, quốc gia này đã nổi lên như là một nước dẫn đầu toàn cầu về giáo dục. Bài kiểm tra học sinh quốc tế Pisa tiết lộ học sinh Phần Lan đạt được những điểm cao nhất thế giới trong môn toán, khoa học và đọc.
Ở Phần Lan, nơi có hệ thống giáo dục toàn diện đứng đầu châu Âu trong suốt 16 năm qua, cuộc tranh luận sôi nổi về quản trị và cơ cấu trường học không hề tồn tại. Thế nhưng cuối cùng, các trường luôn đào tạo được nhiều học sinh thành công. Các nước khác luôn tự đặt ra câu hỏi, người Phần Lan đã làm điều đó như thế nào?
Người Phần Lan sẽ nói rằng nền tảng cho việc học tập tốt bắt đầu rất sớm, trước khi học sinh đến trường, và tương lai của các em thường bắt đầu từ khi còn em còn đang dùng tã, theo Guardian.
Trọng tâm tại các trường mẫu giáo ở Phần Lan có thể sẽ hơi khác biệt. Tại nhà trẻ Franzenia, cũng như tất cả các trung tâm giữ trẻ khác ở Phần Lan, các môn toán, đọc hoặc viết không có vai trò đáng kể. Thay vào đó, họ tập trung vào vui chơi sáng tạo.
Điều này có thể khiến phụ huynh nhiều nước ngạc nhiên vì họ luôn quan niệm về giáo dục như một cuộc đua tranh. Ở Phần Lan, người dân thoải mái hơn: "Chúng tôi tin rằng trẻ em dưới 7 tuổi chưa sẵn sàng để bắt đầu đi học," Tiina Marjoniemi, người đứng đầu nhà trẻ nói. "Chúng cần thời gian vui chơi và hoạt động thể chất. Đó là thời gian cho sự sáng tạo".
Mục đích chính của giáo dục trong giai đoạn non trẻ này không hẳn là "giáo dục" theo định nghĩa thông thường, mà là sự thúc đẩy sức khỏe và hạnh phúc của mỗi đứa trẻ. Trường mẫu giáo là nơi giúp các em phát triển những thói quen xã hội tốt như kết bạn, tôn trọng người khác. Các hướng dẫn giáo dục chính thức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của "niềm vui học hỏi", làm giàu ngôn ngữ và giao tiếp trong trường mầm non.
Bên cạnh đó, hoạt động thể chất - ít nhất là 90 phút vui chơi ngoài trời/một ngày - cũng rất quan trọng. "Trường mẫu giáo ở Phần Lan không tập trung vào việc chuẩn bị cho trẻ em về học thuật", chuyên gia giáo dục Phần Lan Pasi Sahlberg viết. "Thay vào đó, mục đích chính là để đảm bảo rằng trẻ em là những cá nhân hạnh phúc và có trách nhiệm."
Tuy nhiên, vui chơi cũng có thể cung cấp những kĩ năng học tập quan trọng cho trẻ. Các cô giáo là những người lên kế hoạch trò chơi, trong đó có sự pha trộn giữa chơi tự do và trò chơi theo hướng dẫn của giáo viên. Sự phát triển của trẻ em liên tục được đánh giá trong quá trình vui chơi. "Đó không chỉ là chơi ngẫu nhiên, đó là chơi mà học", Marjoniemi nói.
Vui chơi ở giai đoạn phát triển ban đầu có thể giúp trẻ em tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập, David Whitebread, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về vui chơi trong giáo dục, phát triển và học tập tại Đại học Cambridge, viết.
Khi tham gia vào một nhiệm vụ mà các em thích thú, cho dù là diễn kịch hay xây dựng một tòa nhà, các em sẽ có động lực để không ngừng hoàn thiện và cải thiện kỹ năng của mình, gia tăng khả năng đối đầu thách thức. "Từ quan điểm tâm lý, bạn có thể thấy vui chơi có thể giúp trẻ trở thành một học sinh đầy nghị lực", ông nói.
Vui chơi được tổ chức cẩn thận sẽ giúp phát triển các phẩm chất như khả năng tập trung, kiên trì, và giải quyết vấn đề, những kĩ năng dự đoán sự thành công trong học tập, theo Whitebread.
Các trường mẫu giáo không phải là yếu tố duy nhất làm nền tảng cho sự thành công cho giáo dục Phần Lan. Cắm sâu trong hệ thống giáo dục nước này là ý tưởng về sự bình đẳng.
Theo đó, sự bình đẳng là cần thiết cho nền kinh tế và an sinh xã hội. Họ tin rằng một quốc gia nhỏ, phụ thuộc vào sự sáng tạo, sự khéo léo và tinh thần đoàn kết để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, không cho phép sự bất bình đẳng hoặc phân biệt chủng tộc tồn tại trong hệ thống trường học hoặc y tế.
Đằng sau vị trí đầu bảng châu Âu về giáo dục còn là một hệ thống an sinh xã hội và y tế công cộng toàn diện, giúp Phần Lan là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em nghèo thấp nhất châu Âu, và được xếp hạng trong danh sách các nước hạnh phúc nhất. Gunilla Holm, giáo sư về giáo dục tại Đại học Helsinki, Phần Lan, cho biết: "Mục tiêu là tất cả chúng tôi tiến bộ cùng với nhau."
Sự thành công trên cũng là nhờ Phần Lan kiên quyết chống lại các "mốt" giáo dục thịnh hành của một số nước phát triển. Đến 7 tuổi, trẻ em Phần Lan mới bắt đầu học chính thức. Được đảm bảo bởi một cam kết bình đẳng, Phần Lan loại bỏ sự lựa chọn trường học, loại bỏ các kỳ thi chính thức (cho đến khi 18 tuổi).
Cạnh tranh, lựa chọn, tư nhân hóa và các bảng xếp hạng không tồn tại trong hệ thống giáo dục nước này. Việc "dạy học để hướng tới các bài thi" là một khái niệm xa lạ.
Theo HNM