Việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ là vô cùng cần thiết. Bởi nó sẽ giúp con phòng tránh được các nguy cơ bệnh tật nguy hiểm đến sức khỏe.
Tuy nhiên, sau khi tiêm nhiều trẻ có thể gặp phải các phản ứng phụ, tùy theo cơ địa. Lúc này mẹ cần có những phản ứng kịp thời và đúng đắn để đảm bảo an toàn cho con.
1. Vì sao cần tiêm phòng vắc xin cho trẻ
Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh phổ cập mạnh mẽ Chương trình tiêm chủng mở rộng, để đảm bảo tất cả trẻ em khi ra đời đều được tiêm phòng vắc xin.
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi trẻ nhỏ khi ra đời sức đề kháng rất yếu, trong khi đó các loại virusvà vi khuẩn gây bệnh ngày càng biến đổi phức tạp và có khả năng gây bệnh cao hơn.
Nếu không được tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng lịch, thì trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm, thậm chí là tử vong hoặc dị tật suốt đời.
Chính vì thế mẹ cần tuân thủ đúng lịch tiêm phòng vắc xin cho trẻ, tiêm đủ liều và đủ các mũi tiêm phòng cần thiết. Đây là cách hữu hiệu nhất để bạn bảo vệ cho thiên thần của mình.
2. Cách xử lý khi trẻ gặp phản ứng phụ sau khi tiêm phòng vắc xin
Sau khi tiêm phòng bé có thể sẽ gặp phải một số phản ứng phụ tùy vào cơ địa đòi hỏi các mẹ cần theo dõi kỹ để có cách xử lý kịp thời nhất.
Bé bị sưng đỏ ở vết tiêm
Có một số trẻ do cơ địa quá nhạy cảm nên sau khi tiêm phòng sẽ xuất hiện phản ứng sưng tấy tại vết tiêm. Phần da sưng tấy thường đỏ lên và nổi cục cứng, khi sờ vào trẻ bị đau rát.
Đây là phản ứng thường gặp nhất sau khi tiêm vắc xin nên mẹ không cần phải lo lắng. Thông thường, vết sưng tấy có thể kéo dài 6 - 8 tiếng, có trường hợp kéo dài hơn.
Để giảm đau ở vết tiêm cho con, bạn nên chườm lạnh cho bé. Chú ý, tuyệt đối không xoa trực tiếp đá viên lên vết tiêm, bởi nó có thể gây bỏng lạnh.
Mẹ cần dùng túi chườm lạnh, hoặc khăn sạch bọc một viên đá nhỏ vào để chườm cho con. Mẹđặt túi chườm lên vết tiêm, cứ khoảng 30 giây lại nhấc ra khoảng 5 giây rồi tiếp tục đặt vào.
Chườm liên tục trong khoảng 20 - 30 phút. Sau 24 giờ tiếp theo, nếu vết sưng tấy vẫn còn thì mẹ có thể chườm nóng để vết sưng nhanh tan hơn.
Một số mẹ rỉ tai nhau mẹo chà xát chanh hoặc đắp một lát khoai tây lên vết tiêm sẽ giúp con đỡ sưng và đau hơn. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng áp dụng được cách này. Bởi một số bé có cơ địa da nhạy cảm sẽ rất dễ bị nhiễm trùng.
Trong trường hợp vết tiêm sưng to và kéo dài, không có dấu hiệu đỡ hoặc xuất hiện hạch sưng, thì bạn nên đưa con tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ
Có nhiều trường hợp trẻ sau khi tiêm phòng vắc xin thì xuất hiện tình trạng sốt nhẹ từ 38 - 38,5 độ. Mẹ nên đo nhiệt độ cho con bằng nhiệt kế để xác định chính xác thân nhiệt của trẻ.
Nếu chỉ dùng tay sờ trán thì không thể phán đoán đúng tình trạng sốt và dễ dẫn đến những cách hạ sốt sai lầm.
Sốt nhẹ sau khi tiêm vắc xin là phản ứng phụ thường gặp và cũng là biểu hiện cơ thể đang tiếp nhận vắc xin nên mẹ không nên quá sốt sắng. Hãy áp dụng các biện pháp hạ sốt cho trẻ đúng cách.
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát bằng chất liệu cotton. Nếu thời tiết lạnh, vẫn nên bỏ bớt đồ, phòng ngủ giữ ấm là được.
- Dùng khăn mềm và nước ấm lau người cho trẻ.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế (trong trường hợp này thường dùng paracetamol để hạ sốt cho trẻ với liều dùng 15mg/kg, cách 4 - 6 giờ 1 lần, tối đa là 4 liều trong 24 giờ).
- Tuyệt đối tránh sử dụng thuốc hạ sốt có chứa aspirin hoặc thuốc có chứa thành phần là axit salicylic bởi tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể kết hợp với thành phần của vắc xin dẫn tới những triệu chứng nghiêm trọng khác.
- Mẹ cũng không nên sử dụng miếng dán hạ sốt, bởi thực tế chưa có một nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của loại miếng dán này, thậm chí nó có thể gây hại cho con.
- Kết hợp chườm lạnh tại vị trí tiêm cho trẻ. Mẹ vẫn cho trẻ bú bình thường. Lưu ý tránh chạm vào chỗ tiêm khi bế hoặc ôm trẻ.
- Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, trên 39 độ C, bỏ bú liên tục từ 1-2 ngày đi kèm với biểu hiện quấy khóc nhiều, da tím tái, co giật thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Trẻ có dấu hiệu sốt cao
Một số ít trường hợp trẻ sẽ bị sốt cao sau khi tiêm, từ 39 độ trở lên. Thông thường, sốt sau tiêm là phản ứng phụ lành tính, cho thấy cơ thể bé đang tìm cách thích nghi với vắc xin sau khi tiêm phòng.
Với trường hợp sốt cao từ 39 độ trở lên, mẹ cần hạ sốt cho con đúng cách, không nên quá lo lắng mà cho con uống liên tục thuốc hạ sốt.
Nếu trẻ sốt cao kéo dài, thuốc hạ sốt không có tác dụng, trẻ bỏ bú hoặc có dấu hiệu co giật thì mẹ cần bình tĩnh xử lý và đưa con tới cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ theo dõi và điều trị.
Trẻ có dấu hiệu bồn chồn, quấy khóc
Sau khi tiêm phòng, cơ thể trẻ phải tìm cách để thích nghi với lượng vắc xin vừa được đưa vào. Chính vì thế trẻ sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu trong người.
Do trẻ còn nhỏ, hầu hết là trẻ sơ sinh chưa biết nói nên phản ứng thể hiện sự khó chịu thường là quấy khóc. Đây là dấu hiệu hoàn toàn bình thường sau khi tiêm chủng.
Do đó, mẹ không cần quá lo lắng. Hãy cố gắng vỗ về, cho con bú và thực hiện các phương pháp chườm lạnh, chườm nóng tại chỗ tiêm để con cảm thấy dễ chịu hơn và bớt quấy khóc.
Ngoài ra, mẹ cũng cần theo dõi liên tục các biểu hiện của con. Nếu thấy con quấy khóc liên tục nhiều tiếng đồng hồ trong vòng 2 ngày, trẻ bỏ bú, không ngủ được, da khô và mất nước thì cần đưa đến bệnh viện để khám.
Nếu sau tiêm phong vắc xin trẻ quấy khóc liên tục nhiều giờ, bỏ bú, mất ngủ thì nên đưa con tới bệnh viện
Da của trẻ bị mẩn ngứa kéo dài sau khi tiêm phòng
Nguyên nhân của hiện tượng này là trong một số loại vắc xin có chứa chất neomycin và polymicin gây kích thích mẩn ngứa cho trẻ.
Mẹ tuyệt đối không nên tự ý bôi thuốc, hoặc dùng các loại lá tắm cho trẻ. Trường hợp này tốt nhất nên đưa con tới bệnh viện. Thông thường, bác sĩ sẽ theo dõi tích cực và kê thêm một vài loại thuốc để điều trị.
Bạn nên tuân thủ theo đúng chỉ dẫn và báo ngay cho bác sĩ nếu con bạn có dấu hiệu bất thường khác, hoặc phản ứng với thuốc.
Những phản ứng nặng hơn cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay
- Vết tiêm sưng to, nổi hạch cứng kéo dài trong 3 - 4 tuần
- Trẻ sốt cao, khóc nhiều không dứt, mệt nhiều, da tím tái, lơ mơ, co giật, liệt, hôn mê...
3. Chú ý dinh dưỡng cho trẻ sau tiêm phòng
Sau khi tiêm chủng trẻ không cần phải ăn kiêng vì giữa việc tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể và chuyện ăn uống không có liên quan gì với nhau. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần lưu ý như sau:
- Uống ngừa tiêu chảy do Rota virus hoặc uống vắc xin ngừa bại liệt thì không nên cho trẻ uống sữa hoặc nước ngay trong vòng 60 phút, vì trẻ dễ nôn ra thức uống và vắc xin.
- Sau khi trẻ tiêm chủng ngừa, nhất là khi trẻ phải di chuyển một quãng đường khá xa, thì không nên cho trẻ ăn uống ngay (trừ trường hợp trẻ rất đói) khi vừa tới nhà. Hãy để trẻ bớt mệt do đi xa rồi mới ăn uống lại bình thường sau đó.
- Đối với trẻ từ độ tuổi ăn dặm trở lên, sau khi tiêm mẹ nên cho con ăn nhiều trái cây và rau xanh, chú ý uống nhiều nước và hạn chế ăn những món chiên xào quá nhiều dầu mỡ.
Theo Gia đình Việt Nam