Trước khi mang thai, mẹ cần kiểm tra sức khỏe răng miệng, tuyến giáp và cân nặng... để tránh những rủi ro khi bầu bí.
Tình trạng thiếu cân của mẹ có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và sinh con thiếu cân. Thêm vào đó, nhiễm sắc thể bất thường hay nhóm máu của bố mẹ ngược nhau cũng rất dễ khiến thai nhi gặp nguy hiểm. Chính vì vậy, để hạn chế và ngăn chặn nhữngrủi ro có thể xảy ra với thai nhi do ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe của mẹ, trước khi mang thai chị em nên thực hiện các bài kiểm tra sau:
Kiểm tra sức khỏe răng miệng
Bạn nên ‘ghé thăm' bác sỹ nha khoa để kiểm tra sức khỏe răng miệng của mình, đồng thời tốt nhất là nên chữa trị tất cả các bệnh về răng và nướu răng trước khi lên kế hoạch mang thai. Nguyên nhân là bởi bất kỳ vấn đề nào về răng và nướu không may xảy ra trong thai kỳ đều sẽ gây ra nhiều vấn đề rất rắc rối cho sức khỏe của mẹ và thai nhi, khi mà thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau là điều ‘cấm kỵ'. Hãy tưởng tượng nếu mẹ bị sâu răng hay viêm nướu khi đang bầu bí, ăn uống đã khó khăn lại còn thêm nhưng cơn đau răng, chắc chắn việc ăn uống của mẹ sẽ càng thêm vất vả.
Bạn nên ‘ghé thăm' bác sỹ nha khoa để kiểm tra sức khỏe răng miệng của mình trước khi lên kế hoạch mang thai. (Ảnh minh họa)
Xét nghiệm nhóm máu
Xét nghiệm để xác định nhóm máu của cả bạn và chồng cũng là việc cần thiết khi xác định chuẩn bị mang thai. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nhóm máu của bạn là Rh âm tính trong khi của chồng là ngược lại thì vợ chồng bạn sẽ cần nhờ tới sự tư vấn của bác sỹ, bởi nếu mẹ mang thai trong trường hợp này thì sẽ rất dễ gặp phải bệnh huyết tán (tên khoa học là erythroblastosis fetalis). Tình trạng này xảy ra khi các tế bào máu trắng của mẹ không tương thích và tấn công các tế bào máu đỏ của thai nhi, có thể gây nguy hiểm đặc biệt cho em bé.
Kiểm tra cân nặng
Thừa cân hay thiếu cân đều sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ. Hiện nay, các bác sĩ đều quan tâm đến chỉ số khối cơ thể (BMI) và cân nặng để đưa ra các giải pháp kịp thời. Thừa cân có thể gây ra nhiều vấn đề trong khi bạn cố gắng thụ thai và nhiều biến chứng trong khi mang thai như nồng độ cholesterol cao hay huyết áp cao. Ngược lại nếu bị thiếu cân, nguy cơ sảy thai, sinh con nhẹ cân của mẹ bầu sẽ cao hơn các bà mẹ khác. Do đó, bạn cần ăn uống hợp lý và theo một chế độ dinh dưỡng khoa học mà bác sĩ tư vấn để duy trì một trọng lượng khỏe mạnh trước khi mang thai.
Kiểm tra tuyến giáp
Theo nghiên cứu, suy giáp gây ra do thiếu thyroxin rất có khả năng dẫn tới sảy thai. (Ảnh minh họa)
Kết quả kiểm tra tuyến giáp sẽ cho biết lượng hormone tuyến giáp thyroxin của bạn có ở mức hợp lý hay không. Theo nghiên cứu, suy giáp gây ra do thiếu thyroxin rất có khả năng dẫn tới sảy thai. Thêm vào đó, hormone này cũng rất quan trọng trong sự phát triển não bộ của thai nhi. Chính vì vậy, bạn nên đi kiểm tra xem mình có mắc phải những vấn đề về tuyến giáp hay không trước khi có quyết định mang thai.
Kiểm tra bất thường nhiễm sắc thể
Một trong số các nguyên nhân hay dẫn đến các ca sảy thai là do bất thường nhiễm sắc thể. Để có thể kiểm soát nguy cơ này, bạn có thể thực hiện bài kiểm tra máu tĩnh mạch. Bên cạnh đó, xét nghiệm này còn có thể cho biết các bệnh di truyền khi người mẹ còn trong độ tuổi sinh đẻ để biết được khả năng trẻ có thể mắc bệnh gì từ mẹ. Mẹ nên thực hiện xét nghiệm này 3 tháng trước khi mang thai.
Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị kịp thời các căn bệnh nhiễm trùng đường tiểu, viêm đường tiết niệu hoặc các bệnh lây qua đường tình dục. Thực hiện bài kiểm tra này sẽ giúp mẹ tránh được nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm khi bước vào thai kỳ cũng như giảm khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.
Theo Eva