Mùa hè đến, Việt Nam thường xuyên xảy ra những vụ trẻ em đuối nước hoặc bị tai nạn chết thương tâm mà nguyên nhân là do thiếu kĩ năng sống cần thiết để tự bảo vệ chính mình.
Những vụ việc như 3 trẻ chết đuối ở Huế hay nhiều khách du lịch hoảng loạn, đuối nước khi tàu chìm trên sông Hàn ở Đà Nẵng có thể sẽ giảm bớt nếu nạn nhân được trang bị đầy đủ các kỹ năng sống, tự bảo vệ và sinh tồn như trẻ em một số nước khác.
Tại Mỹ, các bài học về sinh tồn, kĩ năng sống được trang bị cho học sinh nắm vững ngay từ khi còn nhỏ, giúp giảm thiểu rất nhiều nguy cơ nếu chẳng may bị đuối nước hoặc lạc trong rừng sâu.
Quan điểm giáo dục của Mỹ là phát triển toàn diện, trong đó chú trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Chính vì lí do này mà rất nhiều học bổng đại học chuyên cấp cho những học sinh có thành tích thể thao xuất sắc với các môn như bóng bầu dục, bóng rổ hoặc điền kinh. Cũng bởi sự đề cao yếu tố thể chất hơn sách vở nên ngay từ cấp một, các trường tiểu học ở Mỹ đã rất chú trọng kĩ năng sống và kĩ năng sinh tồn cho học sinh.
Các lớp ngoại khóa ngoài thiên nhiên có ích cho sự phát triển và kĩ năng sống của các em nhỏ.
Giờ học ở Mỹ bắt đầu thường từ 9 giờ sáng và kết thúc vào 4 giờ chiều. Thời gian còn lại các em học sinh dành để chơi các môn thể thao, dã ngoại hoặc phát triển các kĩ năng yêu thích khác như nghệ thuật, hội họa...
Các môn học ở Mỹ không khô khan mà rất sinh động. Chẳng hạn, trong lớp học sinh vật về cây cối, thay vì chỉ nhìn sách và giới thiệu trên video, các thầy cô sẽ đưa học sinh vào rừng, tận hưởng không gian trong lành và giới thiệu những kiến thức cốt lõi nhất. Cách dạy "vừa học vừa chơi" này giúp nâng cao hiệu quả tiếp thu, đồng thời cải thiện sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Các nhà giáo dục Mỹ cũng tin rằng những năm đầu đời, kĩ năng sống quan trọng hơn việc được điểm cao trên lớp hay có nhiều huy chương, thành tích học tập. Điều quan trọng đầu tiên là kĩ năng ngủ đúng giờ giấc. Với trẻ nhỏ, giấc ngủ là cực kì cần thiết để não phát triển hoàn toàn và có thời gian nạp năng lượng sau một ngày hoạt động mệt mỏi.
Hiệp hội Trẻ em Mỹ (AAP) khuyến cáo trẻ nhỏ nên được học bơi khi vừa đủ 1 tuổi, tức là chưa biết đi hoặc mới chập chững. Thời điểm này, các em sẽ được làm quen dần với môi trường nước, học cách quẫy chân, quạt tay sao cho chuẩn. Việc tiếp xúc thường xuyên giúp các em không sợ nước và sau này khi cứng cáp hơn thì dạy bơi sẽ dễ dàng hơn.
Từ 6 đến 8 tuổi, các bậc phụ huynh sẽ khuyến khích con mình tập nấu những món đơn giản với rau, trứng hoặc các món bánh dễ làm. Điều này giúp nuôi dưỡng quan niệm đúng đắn về các món ăn, cách chế biến thực phẩm sao cho tốt nhất với sức khỏe... Những lớp học nấu ăn cho trẻ em không hề hiếm ở Mỹ.
Cũng trong thời điểm 5 năm tiểu học, các em sẽ phải làm quen với việc đánh răng, vệ sinh cá nhân một mình không có người giám sát; có thể tự đi các phương tiện công cộng hoặc biết cách quản lý thời gian. Bên cạnh đó là những kĩ năng xã hội như giao tiếp với người lớn, bạn bè hoặc người nhỏ tuổi hơn. Các bài học về xử lý tình huống cũng được thực hành như kĩ năng trốn thoát khi có hỏa hoạn, động đất, nguy hiểm tính mạng...
Kĩ năng sinh tồn thường chỉ được giới thiệu sơ lược ở trường học nên muốn bổ sung, các bậc phụ huynh sẽ đăng ký cho con em theo học ở những lớp chuyên biệt. Thông thường, lớp học sẽ diễn ra trong rừng, trên núi hoặc sát biển nhằm tái tạo môi trường giống nhất với hoàn cảnh khó khăn.
Chuyên gia Creek Stewart, người rất nổi tiếng trong việc dạy kĩ năng sinh tồn chia sẻ một số bài học quan trọng mà trẻ em sẽ được học để phòng thân gồm cách dựng trại, cách nhóm lửa bằng pin, cách tìm nguồn nước sạch hoặc cách chọn những sinh vật không độc để ăn khi bị lạc... Sự chuẩn bị luôn là điều cần thiết nhất để trẻ em đối phó với mọi tình huống gian nguy.
Theo mevabe