Ảnh hưởng của mẹ bầu bị sốt khi mang thai tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân gây ra sốt.
Phụ nữ khi mang thai thường có sức đề kháng kém hơn người bình thường. Vì vậy, nhiều mẹ bầu trong quá trình thai kỳ rất hay mắc các bệnh như sốt, cảm cúm, ho, sổ mũi,...
Đứng trước những nỗi lo sợ đó, đa số chị em mang bầu lại tỏ ra lung túng và không biết xử lý ra sao. Sau đây, bác sĩ Đoàn Ngọc Minh (Chuyên Khoa sản - BV Đa khoa Hồng Ngọc) sẽ chỉ ra nguyên nhân khiến bà bầu bị sốt khi mang thai, điều trị sốt và cách hạ sốt an toàn.
Nguyên nhân và ảnh hưởng bà bầu bị sốt khi mang thai
Nguyên nhân
Sốt là một triệu trứng phổ biến trên lâm sàng và khó có thể nhận biết. Gọi là sốt khi thân nhiệt trên 37,5 độ C nếu cặp ở miệng hoặc nhiệt độ đo ở hậu môn trên 38 độ C.
Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Minh, biểu hiện của sốt khi mang thai là nhiệt độ tăng cao hơn so với mức bình thường của cơ thể là 37 độ C. Đây có thể là nguyên nhân do mẹ bầu nhiễm khuẩn virus, kí sinh trùng,... xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa, đường máu, tiết niệu,...gây ra.
Biểu hiện của sốt khi mang thai là nhiệt độ tăng cao hơn so với mức bình thường của cơ thể là 37 độ C (ảnh minh họa)
Ảnh hưởng
Ảnh hưởng của mẹ bầu bị sốt khi mang thai tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và nguyên nhân gây ra sốt.
- Mẹ bầu sốt ở mức 37,5 độ C
"Mẹ bầu bị sốt cao hơn mức bình thường khoảng 0,5 độ C sẽ được xét vào mức nhẹ. Khi đó, có thể không gây ra hoặc ít gây ảnh hưởng đến thai nhi", bác sĩ Ngọc Minh cho hay.
- Mẹ bầu sốt ở mức trên 38 độ C
Nếu mẹ bầu sốt ở mức độ nặng trên 38 độ C và kéo dài thời gian sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến em bé. Đặc biệt, sốt trên 38 độ C gây ra một số trường hợp nguy hiểm như dọa sảy thai, nhiễm khuẩn huyết thai kỳ, đẻ non, để lại dị tật cho trẻ,...
Điều trị sốt cho bà bầu
Bác sĩ Ngọc Minh cho hay: "3 tháng đầu mang thai là giai đoạn hình thành các cơ quan trên cơ thể của bé. Do vậy, bà bầu cần hạn chế sử dụng thuốc khi bị sốt hoặc xuất hiện bất cứ triệu chứng khác như nhức đầu, ho, sổ mũi,...Ngoài ra, các mẹ bầu cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi uống thuốc. Tốt nhất, nên có sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn về việc dùng thuốc".
Sốt khi mang thai không chỉ bắt nguồn từ cúm, mẹ bầu có thể bị cúm bởi siêu virus gây cúm lây lan trong thời kỳ mang thai, nhiễm vi khuẩn do viêm gan siêu vi B, viêm màng ối, viêm nhau,... Vì thế, phụ nữ mang thai cần phải kiểm tra xét nghiệm để có phương pháp điều trị phù hợp.
Mẹ bầu cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi uống thuốc. Tốt nhất, nên có sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn về việc dùng thuốc (ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Ngọc Minh, một số loại thuốc điều trị triệu chứng của cúm như Relenza, Taminflu có khả năng gây ra khuyết tật ở trẻ mới sinh. Thuốc chứa thành phần hạ sốt như Ibuprofen, Aspirin có thể khiến mẹ bầu bị ra máu khi mang thai.
Nhiều mẹ bầu khi bị sốt thường sử dụng thảo dược, vị thuốc dân gian để điều trị cúm. Tuy nhiên, những phương pháp chữa bệnh đó có thể gây nên tác dụng phụ không đáng có, nhất là khi chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh.
Những cách hạ sốt an toàn
- Mẹ bầu cần được ở trong môi trường thoáng mát.
- Nên cởi bớt y phục và dùng khăn ướt lau mát khắp người giúp tăng thải nhiệt qua da.
- Mở cửa phòng thông thoáng, không khí mát sẽ giúp mẹ bầu hạ sốt nhanh chóng. Tuy nhiên, cần tránh gió lùa ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Liên tục dùng nhiệt kế kiểm tra nhiệt độ cơ thể bà bầu.
- Dùng thuốc xịt mũi: Các loại thuốc xịt chứa kháng thể histamine sẽ giúp mẹ bầu dễ thở, hạ sốt nhanh hơn.
- Ăn uống đủ chất và nhiều dinh dưỡng như rau xanh, soup, hoa quả,... Hạn chế thức ăn có nhiều dầu mỡ. Đặc biệt, mẹ bầu nên bổ sung tỏi và thực phẩm giàu vitamin C trong khẩu phần ăn để tăng cường hệ miễn dịch.
Theo Vân Anh (Khám Phá)