Một trong những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng có thể giúp trải nghiệm, khám phá và hoạt động với đồ vật, qua đó góp phần giáo dục phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu học mà chơi, chơi mà học của trẻ mầm non đó chính là việc tạo nên những đồ dùng, đồ chơi từ vật liệu sẵn có ở địa phương...
Với bàn tay khéo léo của giáo viên, những vật liệu sẵn có ở địa phương sẽ trở thành sản phẩm giúp trẻ trải nghiệm, khám phá trong các buổi học
Từ những bông lau, vỏ sò hay những chiếc lá khô... và những thứ tưởng chừng như bỏ đi nhưng qua bàn tay khéo léo của giáo viên đã tạo nên những ngôi nhà, vườn cây, xích đu, những chiếc xe hay những con búp bê đầy sáng tạo.
Việc tạo ra các mô hình này được trang trí đa sắc màu thu hút tính tò mò khám phá của trẻ nhỏ. Từ đó, những bài giảng cụ thể tỉ mỉ thông qua các đồ vật này giúp trẻ sớm nắm bắt và dễ hiểu hơn so với việc tự tưởng tượng qua lời kể của giáo viên.
Có thể nói, phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương của cấp học mầm non tại tỉnh Quảng Bình đã và đang phát triển mạnh mẽ. Thúc đẩy các hoạt động tự làm thiết bị để bổ sung thêm đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động giáo dục trẻ trong trường mầm non phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Những đồ chơi được làm ra rất thiết thực có thể giúp trẻ trải nghiệm, khám phá và hoạt động với đồ vật góp phần giáo dục phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu học mà chơi, chơi mà học của trẻ mầm non.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, phong trào này không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ của các giáo viên Mầm non nữa mà lan tỏa đến từng bậc phụ huynh. Phong trào đã tạo ra hàng ngàn bộ sản phẩm, làm phong phú thêm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ trong các hoạt động giáo dục.
Bà Đặng Thị Hồng Ân - Trưởng phòng Mầm Non sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình - cho biết: Việc các giáo viên Mầm non tự làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương sẽ phát huy tính tích cực, tiềm năng sáng tạo của đội ngũ giáo viên trong hoạt động nghiên cứu và tự làm thiết bị.
Các giáo viên có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác, góp phần nâng cao chất lượng trong hoạt động giáo dục trẻ, tạo điều kiện và cơ hội để trẻ được tham gia học tập, vui chơi trong môi trường theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Sự chủ động này góp phần tăng trưởng trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội và phụ huynh tiếp tục chăm lo, phát triển cấp học...
Được biết, trong những năm qua, Phòng GD&ĐT của các huyện, thị và thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non này.
Với các đồ dùng, đồ chơi phục vụ các họat động chăm sóc, giáo dục trẻ là một nhu cầu không thể thiếu, đặc biệt là đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương đã thực sự thu hút sự quan tâm của trẻ em trong các trường Mầm non.
Theo GD&TĐ