Gần 1 tháng sau khi sinh con vẫn phải kiêng tắm gội, phải uống nước tiểu con để gọi sữa về hay chỉ được ăn canh rau ngót thịt nạc trong suốt kỳ cữ là những kinh nghiệm kiêng cữ dân gian đang được truyền tai nhau hiện nay.
Hầu hết các phương pháp kiêng cữ sau sinh đang được áp dụng hiện nay đều không có cơ sở khoa học nào chứng minh được hiệu quả và tính đúng đắn khiến nhiều bà mẹ vô cùng bối rối và hoang mang.
1. "Loạn" kinh nghiệm kiêng cữ
Trên mạng internet, không khó để các mẹ xin được kinh nghiệm kiêng cữ từ hàng trăm nguồn, chủ yếu là đúc rút từ trải nghiệm làm mẹ của những bậc tiền bối đi trước. Tuy nhiên thực tế cho thấy, mỗi người lại cho ra một kinh nghiệm khác nhau và đôi lúc còn mâu thuẫn.
Chị Nguyễn Trà My (25t, TP.HCM) cho biết từ ngày mới sinh chị đã rất gầy và yếu. Tuy nhiên, 3 tháng đầu tiên, mẹ chồng chỉ cho chị ăn móng giò hầm đu đủ xanh và gà kho nghệ. Bà cho rằng những thứ khác như thịt bò, cá biển, rau xanh hay hoa quả dễ làm con bị đau bụng và cổ tử cung của mẹ lâu khép hơn. Bà cũng không cho chị ra ngoài và nghiêm cấm đem con tắm nắng. Đến lúc đi làm, đồng nghiệp bảo ăn và kiêng như vậy là thiếu chất, ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ cả con, chị mới tá hóa không dám kiêng khem gì nữa.
Canh móng giò - nỗi ám ảnh của nhiều sản phụ
Chia sẻ về thời gian ở cữ, chị Minh Hằng (Long An) lại bị ám ảnh vì phải kiêng vệ sinh cá nhân trong suốt nhiều tuần sau sinh: kiêng tắm gội, kiêng chải đầu, kiêng đụng nước, kiêng điều hòa, quạt ngay giữa tiết trời tháng 6 và phải uống nước tiểu em bé, ăn kho quẹt thật mặn để gọi sữa về. Không được vệ sinh thân thể, đến tuần thứ 2 chị Hằng thấy da mình nổi mẩn, đầu tóc bết lại và vô cùng bức bí. Chị phải rình lúc mẹ đi vắng để tắm qua vài phút với nước ấm còn đầu vẫn không dám gội.
Không riêng gì chị Hằng hay chị My, rất nhiều sản phụ cũng vô cùng hoang mang trước kinh nghiệm kiêng cữ của các cụ bởi không có căn cứ khoa học nào chứng minh được hiệu quả của các phương pháp trên. Tuy vậy, các bà mẹ trẻ vẫn phải "ngoan ngoãn" nghe lời, không dám bác bỏ vì sợ các cụ mắng tội "Trứng mà đòi khôn hơn vịt" hay "bác sĩ có trước hay kinh nghiệm có trước?".
2. Kiêng khem quá mức - lợi bất cập hại
Theo các bác sĩ Đông Y và Tây Y thì sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ rất yếu, cần có thời gian và chế độ chăm sóc riêng để sớm hồi phục lại. Trong đó việc kiêng cữ một vài vấn đề là điều cần thiết nhưng không cần quá khắt khe như kinh nghiệm dân gian.
Về vệ sinh thân thể, sản phụ không cần kiêng tắm gội quá lâu. 2 ngày đầu sản phụ chỉ nên vệ sinh vùng kín bằng nước ấm sạch và lau cơ thể cũng bằng nước ấm. Ngay ngày hôm sau sản phụ cần được tắm toàn thân cũng bằng nước ấm ở phòng kín, vệ sinh sạch sẽ cơ thể để tẩy sạch bụi bẩn, mồ hôi... giúp thông thoáng lỗ chân lông và chống viêm nhiễm. Thời gian nên tắm nhanh dưới 20 phút, tuyệt đối không thụt rửa âm đạo và ngâm mình dưới nước. Lúc gội đầu chỉ nên dùng ngón tay massage nhẹ nhàng da đầu để máu lưu thông tốt hơn.
Mùa hè sản phụ nên mặc áo mỏng vào mùa hè và ở nơi thoáng mát, yên tĩnh
Về dinh dưỡng, chế độ ăn uống của sản phụ không nên quá kiêng khem bởi sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sữa cho trẻ và quá trình hồi phục của mẹ. Bữa ăn nên đủ dinh dưỡng và nên thay đổi liên tục để kích thích sản phụ thèm ăn. Nhiều gia đình vì đinh ninh rằng ăn móng giò hầm đu đủ xanh là lợi sữa nên 3 bữa một ngày chỉ cho sản phụ ăn móng giò, như vậy không đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ mà lại rất mau ngán. Kiêng rau cải, trái cây chua cũng là những quan niệm rất phản khoa học vì làm cơ thể mẹ thiếu chất.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sản phụ cần được ăn uống bình thường, ăn nhiều thực phẩm, chế phẩm giàu canxi, kẽm, sắt, curcumin, biotin, vitamin A, vitamin nhóm B,... để vết mổ mau lành và cơ thể nhanh chóng hồi phục. Các món ăn cần được nấu chín và ăn nóng; Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, quá cay hoặc nhiều gia vị; Không ăn đồ ăn tái, sống, nấu chưa chín kỹ và các đồ ăn lạnh. Các mẹ cũng nên bổ sung vào bữa ăn các trái cây lành như vú sữa, thanh long, chuối, đu đủ... vừa tốt cho mẹ, vừa tốt cho bé.
Nghệ rất giàu curcumin, giúp làm lành vết thương rất tốt
Đặc biệt, các mẹ nên bỏ ngay quan niệm uống nước tiểu trẻ để gọi sữa vì nước tiểu là chất thải chứa nhiều vi khuẩn, không hề có tác dụng gọi sữa như dân gian vẫn lầm tưởng. Sản phụ và người thân cũng không cần quá cứng nhắc, tuân theo các quan niệm kiêng cữ đã cổ hủ, phản khoa học mà ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và con.
Theo Saga / Trí Thức Trẻ