Đáp ứng chỗ gửi con cho công nhân, nhiều trường mầm non tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đang gấp rút xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm học mới. Thế nhưng, có nhiều trường sắp xây xong và đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa tuyển được nhân sự.
Nhiều trường mới đưa vào sử dụng
TP Hồ Chí Minh có 15 Khu chế xuất - Khu công nghiệp đang hoạt động và đã có 23 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non với tổng quỹ đất là 58.745 m2, dự kiến đáp ứng khoảng 6.650 trẻ em.
Ông Trần Công Khanh, Chánh văn phòng Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp, cho biết: "Đến nay đã có 9 dự án nhà trẻ đi vào hoạt động tại các Khu chế xuất và Khu công nghiệp, đáp ứng cho khoảng 2.840 trẻ. Có 4 dự án đang được triển khai thực hiện và 9 dự án có quỹ đất, đang lập dự án. Những dự án đang triển khai, sẽ được hoàn thành sớm nhất có thể để đáp ứng nhu cầu lớn của người công nhân sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh".
Hiện tại quận 7 có gần 1.200 trẻ đang học tại các trường mầm non và 300 trẻ học ở các nhóm lớp là con công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận. Bà Trần Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng phòng - Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7 cho biết: "Khó khăn hiện nay là hầu hết trường mầm non trên địa bàn có quy mô nhỏ, một số trường có nhiều điểm lẻ với sĩ số cao, có lớp sĩ số lên đến 50 cháu. Việc xây dựng Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân làm việc tại khu chế xuất và giảm tải cho các trường mầm non trên địa bàn".
Nhiều trường sắp đưa vào sử dụng nhưng chưa có giáo viên.
Theo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 7, dự án Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận được khởi công xây dựng ngày 16/3/2015 với quy mô 17 phòng học, có khả năng nuôi dạy 510 trẻ. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thi công công trình là 330 ngày. Đến nay, phần xây dựng đã cơ bản hoàn thành và tiến độ lắp đặt thiết bị phục vụ công trình đạt 70%. Dự kiến, từ ngày 25 - 28/4/2016, công trình sẽ được bàn giao cho Phòng Giáo dục - Đào tạo quận 7.
Còn theo UBND quận Thủ Đức, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức đang làm chủ đầu tư xây dựng hai trường mầm non tại hai khu chế xuất. Dự án thứ nhất là Trường Mầm non Khu chế xuất Linh Trung 1 được xây dựng tại phường Linh Xuân có 14 phòng học và các phòng chức năng với tổng vốn đầu tư 40,6 tỷ đồng, được khởi công ngày 19/5/2015. Khối lượng thi công xây lắp đã đạt 45% và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2016. Dự án thứ hai là Trường Mầm non Khu chế xuất Linh Trung 2 được xây dựng tại phường Linh Trung có 20 phòng học và các phòng chức năng với tổng vốn đầu tư hơn 60,3 tỷ đồng, được khởi công xây dựng ngày 27/8/2015. Khối lượng thi công xây lắp đã đạt 60% và sẽ hoàn thành vào tháng 8/2016. Theo kế hoạch, cả hai trường đều được đưa vào sử dụng trong năm học 2016 - 2017, góp phần giải quyết nhu cầu về chỗ học cho con em công nhân làm việc tại hai khu chế xuất và các phường lân cận.
Hay tại quận Tân Bình, trong năm học 206 - 2017, Trường Mầm non Đỗ Quyên ở phường Bình Hưng Hòa (Tân Bình) cũng sẽ được đưa vào hoạt động với quy mô 20 phòng học và các phòng chức năng dự kiến sẽ giải quyết nhu cầu học tập cho 653 trẻ mầm non.
Thiếu nhân sự
Trong khi các trường đang gấp rút xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm học mới thì nhân sự cho các trường lại thiếu. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình cho biết, quận đang thiếu 694 biên chế giáo viên cho các trường công lập trên địa bàn quận, trong đó bổ sung 102 biên chế hiện có, 44 biên chế của trường thành lập mới trong năm 2016 và 548 biên chế tuyển dụng trong năm học 2016 - 2017. Trong năm học tới, quận tăng 250 lớp và 10.349 học sinh so với năm học 2015 - 2016.
Tương tự, tại Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận quận 7 sẽ hoạt động vào tháng 6/2016 và cần 55 giáo viên, cán bộ nhân viên nhưng đến nay vẫn chưa có đề án tuyển dụng giáo viên mới cho trường. Trong buổi khảo sát làm việc với lãnh đạo UBND quận 7, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban văn hóa - xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh đã lo lắng nói: "Việc tuyển nhân sự cho khối mầm non là khó khăn chung của thành phố, đây là vấn đề cần phải tính toán, có thể thuyên chuyển hay tuyển mới để đảm bảo đủ nhân sự. Trường xây xong mà chưa tính phương án nhân sự là quá chậm, thiếu tính chủ động".
Giải bài toán này, theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7, trong khi chờ có đề án tuyển dụng giáo viên mới, quận sẽ điều chuyển một số cán bộ, giáo viên từ các trường mầm non công lập khác trên địa bàn quận huyện về công tác.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thủ Đức, cho biết, với hai công trình xây mới Trường mầm non Khu chế xuất Linh Trung 1 và Mầm non Khu chế xuất Linh Trung 2 sắp đưa vào sử dụng, địa phương cần bổ sung thêm 169 biên chế nhân sự cho hoạt động của hai đơn vị này. Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu biên chế nhân sự thành phố giao cho quận Thủ Đức năm 2016 chỉ có 2.682 người, giảm 160 biên chế so với năm 2015. Theo bà Nga, hiện mầm non không đủ định biên cho hoạt động, không được tuyển nhân viên y tế, chăm sóc nuôi dưỡng và nhân viên phục vụ, trong khi chế độ nhân viên quá thấp và không có khoản phụ cấp nên khó tuyển.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết thêm: "Các trường mầm non Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 tổ chức giữ trẻ theo từng nhóm tuổi và theo từng ca ứng với thời gian làm việc của từng công nhân. Do đó, phát sinh thêm phần kinh phí trả lương ngoài giờ hành chính theo quy định, như vậy chúng ta cần phải xem xét chủ trương trả lương ngoài giờ".
Để giải quyết bài toán về nhân sự, đa số các quận huyện cho rằng cần phải bổ sung biên chế cho ngành giáo dục.
Theo TT