Trẻ em học các kỹ năng trí tuệ cảm xúc và giao tiếp xã hội qua việc liên tục thực hành. Cha mẹ phải giải thích, làm mẫu, và nhắc đi nhắc lại cho chúng rất rất nhiều lần, và dường như là không có giới hạn. Nhưng có nhiều cách để giúp trẻ em học được các kỹ năng này được nhanh hơn, bằng cách tận dụng các vấn đề hàng ngày xảy ra trong gia đình. Nếu như bạn và các con gặp một tình huống rắc rối nào đó, hãy nghĩ đó là lúc bạn có thể dạy con hiệu quả.
1. Hãy nói về cảm nghĩ của mọi người
Khi cha mẹ nói chuyện với con cái về những gì chúng ta cảm nhận, chúng ta thực sự cần, bọn trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn, giàu lòng khoan dung hơn, sẽ hiểu và đồng cảm lẫn nhau hơn. Kể cả bé ở độ tuổi mầm non cũng có thể hiểu, nếu nhà bạn có em bé, bạn hãy nói với con về cảm nhận của em bé, như em bé sẽ như thế nào, em bé sẽ thấy ra sao,... dần con sẽ biết thông cảm và bớt ganh tị với em hơn.
2. Hãy hỏi con về những gì con đang nghĩ, con muốn, và con cần
- "Con thấy thế nào?"
- "Con muốn gì?"
- "Con đã làm gì?"
- "Vậy con định làm như thế nào?"
- "Con đã hài lòng chưa?
- "Anh/ em trai của con đã vừa ý chưa?"
- "Con nghĩ là anh/em cảm thấy thế nào?"
- "Lần sau con có làm như vậy nữa không, hay là con nên thử làm theo cách khác?"
- "Con nghĩ là con sẽ thử làm gì?"
- "Vậy điều gì sẽ xảy ra?"
Hãy lắng nghe, khẽ gật đầu và nhắc lại rằng bạn đã thực sự hiểu con. Hãy luôn tỏ ra thân thiện và ấm áp, không nên phán xét bất cứ hành động nào của con. Bạn cũng nên cố gắng luôn thật vui vẻ và hóm hỉnh, hễ khi nào con bạn thốt lên: "Lần sau con sẽ đập cho nó một trận" thì bạn có thể đáp lại thật đơn giản "Ừm vậy à, vậy rồi sau đó sẽ thế nào nhỉ, chuyện gì sẽ xảy ra?". Hãy cố gắng không đánh giá và la mắng con . Và để đáp lại, bạn sẽ thấy óc phán đoán và tính cương trực của con phát triển hơn rất nhiều. Óc phán đoán tốt thường được nuôi dưỡng và tiếp thu từ những tình huống rắc rối trong gia đình.
3. Giải thích và hướng dẫn con, đừng quên lặp đi lặp lại nhiều lần
"Khi bọn trẻ tranh giành nhau món đồ chơi nào đó, tôi sẽ nói với con rằng "Jake, con hãy nói với Sofia là "Khi nào mà em chơi xong cái này thì đến lượt anh chơi nhé?" và rồi hãy để con nhắc lại những gì bạn vừa nói. Sau đó tôi sẽ quay về phía Sofia và nói ‘Sofia, con nói đi, nói là ‘Vâng, khi nào chơi xong em sẽ đưa lại cho anh'. Tôi đã làm như vậy rất rất nhiều lần và rồi một ngày không ngờ, tôi đang nấu cơm ở dưới bếp thì nghe thấy chúng đang nói với nhau chính xác như những gì tôi đã dạy chúng để cùng nhau đưa ra giải pháp khi găp tranh chấp. Lúc ấy tôi thấy vô cùng vui và tự hào về lũ trẻ" - Deanne - theo như chia sẻ từ một bà mẹ đã áp dụng phương pháp này.
4. Giải quyết bằng cách "đôi bên cùng có lợi"
Có nhiều tình huống mà hai đứa trẻ nhà bạn mỗi đứa muốn một kiểu, khi ấy bạn cần phải đưa ra cách giải quyết làm sao mà cả hai đều đồng ý. Ví dụ, trong trường hợp này bạn có thế nói với con: "Vậy là con muốn đi bơi còn anh thì muốn đi công viên phải không? Vậy thì mình chọn nơi nào cả hai đều thích đi nhé?".
5. Dùng những câu nói nhằm thể hiện ý muốn, không nên dùng những từ ngữ nhằm để chỉ trích hoặc công kích ai đó
Chẳng hạn, khi con gái của bạn đang hét vào mặt em trai rằng "Có mà mày mới ngu ý!", bạn có thể dạy con thay vì nói như vậy thì hãy nói rằng "Chị không thích em gọi chị như vậy".
Cũng như vậy, bạn có thể dùng những câu nói tương tự để biểu đạt cảm nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề: "Chị/anh thấy là.... vì anh muốn.... và anh cho rằng....".
Với người lớn, khi muốn điều gì bạn thường hỏi ý kiến người khác xem họ có sẵn lòng làm gì đó cho bạn không. Tuy nhiên đối với trẻ con, bạn không nên yêu cầu chúng nếu như chúng không tỏ ý là muốn nghe lời bạn. Hãy hướng dẫn bọn trẻ làm theo điều bạn gợi ý, thật nhã nhặn và rõ ràng như: "Mẹ đang rất là vội, và mẹ muốn đến đó đúng giờ, mẹ thấy là con vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng đâu... Nào, con yêu, bây giờ chúng ta đi giày vào nhé".
6. Đưa ra các hình mẫu ứng xử đẹp
Những gì người lớn nói, làm và ứng xử ở nhà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ con, và chúng sẽ luôn học theo chúng ta. Hãy biết tận dụng điều đó, ở nhà chúng ta sẽ cùng lũ trẻ chơi trò đóng giả, hãy đưa ra các tình huống và cho bọn trẻ giả vờ nói chuyện và đối xử với nhau theo cách mà bạn muốn. Ví dụ, bạn thử cho con nói với nhau rằng "chỉ còn mỗi một quả chuối thôi, chúng ta chia sẻ cho nhau nhé?". Hoặc làm mẫu các cách nói chuyện và ứng xử sao cho lễ phép như "Chị ơi, em đang dùng cái này rồi ạ. Khi nào em dùng xong thì em đưa chị dùng ngay nhé", kèm theo đó là một nụ cười và cái ôm thân mật
Theo Lamchame.com