Xã hội
   Áp dụng chương trình giáo dục tiên tiến vào trường mầm non: Nửa nạc nửa mỡ!
 

Nhiều trường mầm non (MN) tư nhân trương bảng áp dụng những phương pháp giáo dục đang được ưa chuộng hàng đầu trên thế giới.


Nhưng đằng sau bảng hiệu hoành tráng ấy lại là một thực tế nửa nạc nửa mỡ, mà không phải phụ huynh (PH) nào cũng biết.


Chỉ áp dụng một phần
Sáng 5/4, trong vai một PH tìm lớp học cho con, chúng tôi đến hệ thống MN V.M. ở đường Phan Xích Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Trong không gian khá chật hẹp, cơ sở này cùng lúc tổ chức trường MN và trường tiểu học. Tiếp chúng tôi, người phụ trách tuyển sinh khẳng định, V.M. ưu việt ở chỗ áp dụng phương pháp Montessori trong giảng dạy, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng làm chủ bản thân, tự đưa ra quyết định và phát triển tư duy nhanh nhạy.


Thế nhưng, khi được dẫn đi tham quan, chúng tôi mới vỡ lẽ. Tại đây, trẻ MN được xếp theo lứa tuổi mầm, chồi, lá; các hoạt động học tập diễn ra như ở một lớp MN thông thường. Trong khi đó, đúng chuẩn Montessori, trẻ từ 2,5-6 tuổi được "trộn lẫn" vào nhau, mỗi đứa trẻ chủ yếu được học qua bộ giáo cụ chứ không phải ngồi ngay ngắn như ở đây.


Một buổi học tiếng Anh ở trường mẫu giáo Việt Mỹ

 

Khi được hỏi sâu hơn về việc áp dụng Montessori, người phụ trách tuyển sinh nhìn nhận, trường chỉ áp dụng... một phần phương pháp Montessori và chủ yếu là ở những giờ ngoại khóa (có phụ thu) vì điều kiện cơ sở vật chất cũng như nhân lực không thể tuân thủ hoàn toàn phương pháp này. Theo thời khóa biểu mà V.M. xây dựng, trong một ngày, các bé đến trường chủ yếu để ăn uống, vui chơi và học tiếng Anh - một thời khóa biểu khác xa chương trình chuẩn của phương pháp Montessori mà thế giới đang áp dụng.


Cũng "ba rọi" khi áp dụng Montessori như V.M. là Trường MN T.T.N. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Website của trường quảng cáo phương pháp giáo dục theo Montessori, nhưng khi tiếp chúng tôi, vị hiệu trưởng thừa nhận, trường dạy trẻ theo chương trình của Bộ GD-ĐT và chỉ áp dụng Montessori cho các bé vào hai buổi chiều mỗi tuần.


Trong khi hệ thống Montessori yêu cầu giáo viên phải được đào tạo bài bản, thì trường chỉ đưa giáo viên của mình dự tập huấn và sau đó là tham gia giảng dạy. Triết lý của Montessori là để trẻ tự quyết định việc ăn uống, nếu trẻ không ăn cũng bỏ mặc để trẻ tự thấy đói và cần ăn, nhưng ở trường này, các bé được cô giáo đốc thúc phải ăn hết suất theo quy định. Hóa ra, Montessori được áp dụng ở trường chỉ đơn thuần như một môn ngoại khóa.


Điều kiện cơ sở vật chất eo hẹp là một trong những lý do cơ bản khiến các trường MN ở VN khó áp dụng những phương pháp giáo dục tiên tiến. Xếp sau Montessori về mức phổ biến là phương pháp Reggio Emilia. Trong vai một PH yêu chuộng phương pháp Reggio Emilia, chúng tôi tìm đến Trường MN B.O. (Q.3). Cô phụ trách tuyển sinh của trường khẳng định: "Trường chúng tôi là một trong số ít trường chọn phương pháp Reggio Emilia. Phương pháp này mang đến cho các bé sự trưởng thành về các mặt: trí tuệ, ngôn ngữ, xã hội, vận động và thẩm mỹ".


Chúng tôi hỏi sâu về nội dung giảng dạy, cô giáo này thừa nhận, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế (do trường nằm ở nội thành) nên khó tuân thủ hết các nội dung của phương pháp Reggio Emilia. Đơn cử, theo đúng phương pháp này, trẻ được vẽ ngoài vườn thì ở B.O. trẻ phải vẽ trong phòng học, mỗi tuần chỉ được ra vườn vẽ hai lần. Tiếng là "vườn" nhưng chỉ là một khoảnh sân nhỏ khoảng dăm mét vuông. Ngoài ra, điểm mạnh của phương pháp Reggio Emilia là "giáo dục được tiến hành trong môi trường hoàn toàn tự nhiên", nhưng ngôi trường chật hẹp trong con hẻm nhỏ này chỉ có thể áp dụng Reggio Emilia ở mức "tham khảo" bởi điều kiện vật chất không cho phép.


Phụ huynh không biết thì ráng chịu?
Cô phụ trách tuyển sinh của trường B.O. chia sẻ, đa số PH chỉ biết sơ qua phương pháp Reggio Emilia, nghiêng về hướng cho trẻ trải nghiệm tự nhiên và phát huy năng khiếu nghệ thuật, sáng tạo chứ ít người tìm hiểu sâu. Không hiểu cặn kẽ phương pháp giáo dục cũng như không biết cụ thể phương pháp ấy được áp dụng đến mức độ nào nhưng vẫn chấp nhận trả một khoản học phí cao là điểm chung của nhiều PH hiện nay.


Rõ ràng, việc áp dụng một phần và áp dụng trọn vẹn một phương pháp giáo dục là khác nhau; các trường lập lờ sẽ khiến PH phải đóng học phí cao một cách oan uổng. Theo khảo sát của chúng tôi, V.M. đang khẳng định mình dạy theo phương pháp Montessori và thu học phí 4,1 triệu đồng/ tháng (lớp nhà trẻ) và 5,1 triệu đồng/tháng (lớp mầm, chồi), cộng thêm 1-1,5 triệu đồng/ tháng phí ăn uống và các khoản thu khác. Trường B.O. thu học phí từ 5,5-6,3 triệu đồng/tháng cộng với tiền ăn uống 1,2 triệu đồng/tháng. Trường T.T.N. cũng thu tổng phí 4,45-4,9 triệu đồng/tháng. Nếu PH biết được việc áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến chỉ là nửa vời thì chưa chắc đã chấp nhận mức phí cao như vậy.


Cũng phải ghi nhận việc áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến ở chừng mực cũng là một cố gắng cần thiết, nhưng để sòng phẳng, nhà trường phải chủ động chia sẻ với PH những thông tin này. Cô Trần Thị Hoài Thu - người phụ trách công tác giảng dạy của trường MN song ngữ Kidzone (Q.2) chia sẻ: "Trường chúng tôi chọn phương pháp HighScope. Điểm mạnh của phương pháp này là hướng tới việc khuyến khích tối đa sự tương tác của bé với các giáo cụ, vật liệu, thiên nhiên, môi trường, thầy cô và bè bạn. Chính qua sự tương tác này, các bé sẽ được rèn luyện kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng làm chủ bản thân. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này đòi hỏi không gian trường rất rộng, dù mặt bằng của trường đến 1.500m2 nhưng vẫn không đáp ứng hết các tiêu chuẩn của HighScope. Khi chiêu sinh, tôi luôn chia sẻ thẳng thắn với các PH về tính ưu việt của phương pháp này và việc nhà trường chỉ đáp ứng được 80% nội dung giảng dạy, 60% về cơ sở vật chất để PH chia sẻ và đồng cảm. Sau một thời gian ngắn hoạt động, trường phải mở chi nhánh 2, và chi nhánh 2 cũng kín chỗ ngay trong mùa tuyển sinh đầu tiên". Cũng theo cô Hoài Thu, việc áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới rất khó, nhất là với các trường trong nội thành.


Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương - Giám đốc đào tạo chuỗi Trường ngoại khóa Tomato - chia sẻ: "Quan điểm của các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới là khi ứng dụng một phương pháp giáo dục tiên tiến, đơn vị đó phải đáp ứng đúng chuẩn từ giáo cụ, cơ sở vật chất đến giảng viên. Nhưng ở một góc nhìn khác, phương pháp giáo dục tiên tiến là "của chung" của nhân loại, ai có khả năng đến đâu thì ứng dụng đến đó, không thể trách người ta được. Thế nhưng, để sòng phẳng, các trường phải rạch ròi với PH về việc áp dụng cái gì, áp dụng đến đâu".


Theo nhận định của bà Bùi Hằng - điều phối viên Khóa đào tạo nhà giáo Montessori IMTS 3-6 của Tổ chức Montessori Ấn Độ, thực trạng mang tên "Montessori" chia thành ba nhóm: nhóm thấy thị trường đang "sốt" với Montessori nên đã mua một vài bộ giáo cụ Montessori đặt vào trường mình để lấy tiếng chứ chưa hiểu nhiều về phương pháp này; nhóm muốn áp dụng Montessori quy củ, cử giáo viên đi học, nhưng vừa học vừa dạy; nhóm được đào tạo Montessori bài bản ở nước ngoài về (rất ít).


Bà Trương Thị Việt Liên - Trưởng phòng MN Sở GD- ĐT TP.HCM cho biết: "Với các trường MN công lập và tư thục, chương trình học phải theo chuẩn của Bộ GD-ĐT. Các trường có thể năng động ứng dụng các phương pháp tiên tiến như Montessori, HighScope hay Reggio Emilia vào giảng dạy như một "thủ thuật" để giúp việc giảng bài hiệu quả hơn. Tôi khẳng định, hiện Sở chưa thông qua chương trình liên kết đào tạo giáo viên cho các phương pháp này. Việc áp dụng các phương pháp tiên tiến kể trên cần một quá trình cũng như nhiều yếu tố cơ bản khác như: đào tạo giáo viên, giáo cụ, cơ sở vật chất... Khi trường đang yếu và thiếu các điều kiện cơ bản nhưng vẫn áp dụng, không khéo lại gây tác dụng ngược".


Montessori là phương pháp giáo dục ra đời từ đầu thế kỷ XX, do bác sĩ người Ý - Maria Montessori sáng lập, đã được hơn 5.000 trường học ở Mỹ, Canada, Ấn Độ... áp dụng thành công trong hơn 100 năm qua. Montessori coi trọng các tiềm năng của trẻ và nỗ lực để phát triển tiềm năng này bằng một môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở với các giáo viên được đào tạo sâu về chuyên môn kèm theo các giáo cụ được thiết kế đặc biệt. Với Montessori, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn để khuyến khích trẻ khám phá và tự phát triển.


● Reggio Emilia là phương pháp giáo dục được nhà tâm lý học người Ý - Loris Malaguzzi (1920- 1994) phát triển từ những năm 40 của thế kỷ XX, được đặt tên theo ngôi làng Reggio Emilia ở Ý. Triết lý Reggio Emilia bắt nguồn từ việc cho rằng trong mỗi trẻ đều chứa đựng một tiềm năng lớn và tiềm năng đó sẽ được phát triển nhờ trí tò mò vốn có của trẻ. Trẻ cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh và tự đưa ra cách riêng của mình để giải thích sự vận động của thế giới xung quanh trẻ.


● Phương pháp giáo dục HighScope được các nhà giáo dục Mỹ xây dựng, cho rằng trẻ tiếp thu tốt nhất khi được chủ động tham gia vào quá trình học tập. Trẻ khám phá thế giới xung quanh dựa trên những trải nghiệm của bản thân khi được trực tiếp tiếp xúc và là chủ thể của các sự vật, sự kiện, hiện tượng và các ý tưởng. Lớp học HighScope được chia thành các góc học tập theo các chủ đề trẻ yêu thích, với các giáo cụ phong phú như góc gia đình, góc nghệ thuật, góc xây dựng, góc ghép hình, góc chơi hóa trang, góc học đọc học viết... Việc sắp xếp lớp học giúp trẻ cảm nhận được "thế giới" được sắp xếp như thế nào, tưởng tượng và hình dung ra hoạt động của thế giới xung quanh.


Theo PNO

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Sôi nổi ngày hội thể dục - thể thao cho trẻ mầm non (14/4)
 Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua trò chơi (13/4)
 Khủng hoảng dinh dưỡng trẻ em ở Đông Nam Á (12/4)
 Tuyên Quang tuyển mới 522 giáo viên mầm non, tiểu học (11/4)
 Đồng Tháp: Công khai nhu cầu giáo viên năm học 2016 – 2017 (9/4)
 Quyết định giữ nguyên tuổi trẻ em là dưới 16 (8/4)
 Trung Quốc lại rúng động vì sữa giả (7/4)
 Sợ nam sinh ẻo lả, trường mẫu giáo Trung Quốc tuyển giáo viên nam (6/4)
 Nhật Bản và bài toán thiếu hụt trường mầm non (5/4)
 Giọt nước mắt của cô giáo dạy trẻ tự kỷ (4/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i