Ngay sau khi có thông tin hai trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika ở Việt Nam, không ít người nhất là phụ nữ đang mang thai tỏ ra rất hoang mang lo lắng.
Theo đó, ngày 5/4 Bộ Y tế chính thức thông báo về hai trường hợp nhiễm virus Zika ở Việt Nam, 1 trường hợp ở Khánh Hòa và một trường hợp ở TP.HCM, trong đó có một trường hợp đang mang thai ở tuần thứ 8.
Không phải nhiễm virus Zika là bị tật đầu nhỏ
Ngay sau khi có thông tin này, rất nhiều bà mẹ đang mang thai lo lắng vì có nhiều bằng chứng cho rằng, virus Zika là một trong số những nguyên nhân gây nên bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, người dân kể cả là phụ nữ mang thai không nên quá hoang mang lo lắng về vấn đề này.
"Tôi lấy vì dụ như Brazil là một quốc gia có ghi nhận nhiều trường hợp não nhỏ. Trong 6.776 trường hợp não nhỏ của Brazil chỉ có 941 trường hợp nghi có liên quan đến tật đầu nhỏ.
Như vậy, chúng ta có thể thấy không phải trường hợp não nhỏ nào cũng liên quan đến virus Zika. Hay như Colombia cũng vậy, đất nước có rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai nhưng chỉ có hơn 30 trường hợp mắc chứng não nhỏ...", Thứ trưởng Long nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chuyên gia đầu ngành về chẩn đoán hình ảnh trước sinh cho biết, mội liên quan giữa virus Zika và hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi hiện nay chưa được khẳng định một cách chính thức, mà mới chỉ thông quan các nghiên cứu của các nhà khoa học.
Nếu phụ nữ mang thai dương tính với virus Zika, không có chỉ định bắt buộc họ phải đình chỉ thai nghén vì hệ thống y tế hoàn toàn có thể giám sát được. Thai phụ được tiếp tục siêu âm theo dõi để khi nào khẳng định chắc chắn thai nhi mắc hội chứng đầu bé thì mới có kế hoạch xử trí, còn không thì thôi.
(PGS.TS Trần Danh Cường)
Đồng thời, PGS Cường cũng cho biết, dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh không chỉ do virus Zika mà còn do nhiều nguyên nhân khác như Rubella, đột biến về gene, nhiễm hóa chất... thậm chí nhiều trường hợp còn không xác định được nguyên nhân.
Nên đình chỉ thai khi phát hiện tật đầu đầu nhỏ
Trước câu hỏi về năng lực chẩn đoán dị tật đầu nhỏ ở Việt Nam, PGS Cường nhận định: "Việt Nam hoàn toàn chẩn đoán và xác định được dị tật đầu nhỏ của thai nhi". Theo PGS Cường, việc khám và chẩn đoán chứng đầu nhỏ ở thai nhi hiện nay là siêu âm thai và đo kích thước đầu của thai nhi.
"Đây là kỹ thuật đơn giản, nhưng quan trọng nhất để phát hiện ra hội chứng não bé là đo đường kính lưỡng đỉnh và chu vi đầu. Khi đo và nghi ngờ mắc hội chứng đầu nhỏ, các bác sĩ sẽ so sánh với chuẩn chu vi đầu theo tuổi thai, từ đó sẽ phát hiện tốc độ phát triển của chu vi đầu", PGS Cường phân tích.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chi phí làm xét nghiệm tìm ra chứng não bé của thai nhi khi còn trong bụng mẹ, vị bác sĩ này cho biết, chi phí thực hiện sẽ đắt hơn nhưng dịch vụ khác. Theo đó, siêu âm chẩn đoán được chứng não bé ở thai nhi hiện này, thai phụ sẽ phải bỏ ra khoảng 1 - 1,2 triều đồng.
Cuối cùng, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khi thai phụ phát hiện thai nhi mắc chứng đầu nhỏ thì cần phải xử lý như thế nào? Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mối liên hệ giữa virus Zika và chứng đầu nhỏ chỉ nặng nề nhất ở 3 tháng đầu, vì virus này sẽ ảnh hưởng đến ống thần kinh gây nên chứng đầu nhỏ. Và khi phát hiện ra chứng đầu nhỏ, cơ sở sản khoa và thai phụ sẽ ngồi lại với nhau để bàn bạc, tìm hướng giải quyết thích hợp nhất.
Về phía chuyên môn, PGS Danh Cường nhận định, di chứng của hội chứng đầu bé rất nặng nề về thần kinh, vận động, phát triển của em bé. Nên thai phụ cũng nên cân nhắc kỹ giữa việc nên giữ lại hay đình chỉ thai nghén.
"Khi đã khẳng định thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do bất kỳ nguyên nhân gì thì đều được khuyến cáo là nên dừng thai nghén. Việc ngừng thai nghén tùy thuộc theo tuổi thai, nếu phát hiện trước 22 tuần thai thì việc quyết định ngừng thai nghén rất dễ, nhưng nếu muộn hơn 22 tuần thì việc ngừng là khó khăn", PGS.TS Trần Danh Cường nói.
Theo Lê Phương (Khám phá)