Khẩu phần ăn đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng giúp phòng tránh nguy cơ thiếu sắt, ảnh hưởng sức khỏe ở bé gái tuổi dậy thì.
Trong giai đoạn tuổi dậy thì, trẻ bị thiếu sắt sẽ gây suy giảm trí nhớ và chỉ số IQ bị giảm 5-10 điểm. Sự thiếu hụt này cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và gây áp lực, mệt mỏi trong cuộc sống của các trẻ. Phụ huynh nên hiểu và biết cách phòng tránh thiếu hụt sắt cho con.
Nguyên nhân thiếu sắt
Thời kỳ kinh nguyệt: Sắt là người bạn đồng hành quan trọng với con gái ở tuổi dậy thì. Trong giai đoạn này, lượng sắt trong cơ thể bị mất đi khá nhiều nên cần phải bổ sung thêm.
Thời kỳ tăng trưởng: Đây cũng là thời kỳ tăng trưởng cơ thể cần huy động sắt nhiều hơn nữa để phát triển cơ thể. Theo nghiên cứu và báo cáo của Viện dinh dưỡng Quốc gia, bé gái trong độ tuổi dậy thì cần đến 41,3mg sắt
Ăn kiêng: Mốt ăn kiêng của con gái tuổi dậy cũng khiến chất sắt không được cung cấp đầy đủ.
Triệu chứng thiếu sắt
Thiếu sắt khiến cơ thể xanh xao, mệt mỏi kéo dài, khó thở, chóng mặt, nhức đầu, tăng tiết mồ hôi. Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp triệu chứng móng tay giòn và tóc khô, chân tay bồn chồn và ngứa ran ở ngón tay và ngón chân, thiếu tập trung và sức chịu đựng kém, cáu gắt...
Cách bổ sung sắt
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn trung bình ở con gái tuổi dậy thì mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sắt. Đặc biệt thói quen chế biến thức ăn hàng ngày của người Việt có nhiều chất ức chế hấp thu sắt. Vì vậy, phụ huynh cần tư vấn và áp dụng khẩu phần ăn cho con gái tuổi dậy để đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng và đầy đủ sắt.
Theo đó, bạn nên cho con khám bệnh tổng quát, xét nghiệm máu để đảm bảo tình trạng có thực sự thiếu sắt hay không; nói chuyện về tầm quan trọng của sắt với độ tuổi dậy thì, để con gái có trách nhiệm với bản thân.
Nếu con bạn không muốn ăn thịt đỏ hoặc muốn ăn kiêng thì cần phải bổ sung bằng cách ăn mè đen, đậu khô, đậu lăng, đậu Hà Lan, bông cải xanh, rau bina, đậu, ngũ cốc, bánh mì và ngũ cốc. Ngoài thịt gia cầm và cá, cần sử dụng thịt nạc đỏ 3 - 4 lần một tuần.
Vitamin C sẽ giúp cơ thể hấp thu chất sắt tốt hơn. Vì vậy, thực phẩm giàu vitamin C cũng cần được khuyến khích tăng cường trong bữa ăn như trái cây cam, chanh, quýt, dâu, kiwi hoặc rau như cà chua, bắp cải, ớt xanh và bông cải xanh. Phụ huynh cũng nên khuyến khích ăn sáng bằng các loại thực phẩm giàu và giúp tăng cường chất sắt như ngũ cốc và bánh mì; bổ sung một lượng các vi chất dinh dưỡng như vitamin C, B12, vitamin E và đặc biệt là sắt - vi chất quan trọng trong độ tuổi dậy thì. Nên sử dụng một lượng vừa phải trà và cà phê, vì chúng có thể cản trở hấp thu sắt. Tránh để tình trạng tiêu chảy kéo dài vì tiêu chảy mãn tính có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ sắt bởi ký sinh trùng đường ruột có thể gây thiếu sắt.
Theo GĐ&XH