Trẻ mầm non là đối tượng nhỏ tuổi, hiếu động và chưa có ý thức trong chơi đùa; hơn nữa, sức đề kháng của trẻ còn yếu nên nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích khá cao. Vì vậy, bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn cho trẻ ở trường mầm non là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, hầu hết các trường mầm non trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn theo quy định.
Trường Mầm non Tâm Việt (phường Hưng Bình, thành phố Vinh) là trường tư thục được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2006. Với tổng diện tích khiêm tốn chỉ khoảng 300m2, để đáp ứng việc dạy và học của 6 lớp với gần 200 học sinh nhà trường phải xây thành 5 tầng, mỗi tầng từ 1 - 2 lớp. Do diện tích hạn chế nên không gian phòng học khá chật chội, chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của lớp học về diện tích. Bên cạnh đó, dù đã cố gắng để các cháu ở nhóm lớp 5 tuổi và nhóm lớp dưới 3 tuổi có nhà vệ sinh riêng nhưng nhà vệ sinh vẫn chung với phòng học, không có cửa chắn...Trong điều kiện đó, để có một môi trường thực sự an toàn cho trẻ là điều khó thực hiện. Cô Nguyễn Thị Tố Uyên - Giáo viên phụ trách chuyên môn của trường, chia sẻ: "Trong điều kiện hiện nay, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ là điều khó thực hiện. Dù đã hết sức nỗ lực nhưng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhà trường vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đáp ứng".
Giờ ăn của các cháu ở Trường Mầm non Tâm Việt (TP.Vinh).
Trường Mầm non tư thục Hướng Dương (ở khối 13, phường Trung Đô), lớp học được xếp liền kề với bếp ăn của gia đình. Với lứa tuổi của các cháu mầm non, nếu không theo dõi và nhắc nhở thường xuyên thì nguy cơ cháy nổ, thiếu an toàn rất dễ xảy ra. Còn ở các trường công lập, dù khuôn viên rộng rãi hơn nhưng do lớp học đông, giáo viên không đủ nên để quản lý trẻ cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khác như đồ chơi của trẻ phần lớn vẫn là đồ chơi Trung Quốc, không đảm bảo chất lượng. Ở các trường như Bình Minh, Hồng Sơn, Quang Trung..., dù phòng học tầng 2 đã có lan can nhưng theo ý kiến của các phụ huynh, lan can còn thấp, khoảng cách giữa các thanh lan can còn chưa đảm bảo an toàn, nếu sơ suất vẫn dễ xảy ra tại nạn đáng tiếc.
Thành phố Vinh hiện có 55 trường mầm non (gồm cả công lập, dân lập và tư thục), là địa phương có số trường đông và phát triển nhanh nhất. Tuy vậy, theo bà Lê Thị Phương - Phó trưởng Phòng Giáo dục thành phố Vinh, hiện đa số các trường có sỹ số trẻ/lớp vượt quy định của Điều lệ trường mầm non, trong khi định biên giáo viên lại không đủ. Lớp đông, giáo viên quá tải, do đó ít nhiều có ảnh hưởng tới chất lượng và bảo đảm an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, khuôn viên, sân chơi, phòng học, phòng chức năng... nhiều trường không đảm bảo diện tích và số lượng theo quy định. Riêng các trường mầm non ngoài công lập dù phát triển nhanh (27 trường, 85 nhóm lớp độc lập tư thục) nhưng không ít trường có cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng chức năng, thiếu nhân viên y tế; một số nhóm lớp độc lập hoạt động tự phát, không đảm bảo điều kiện mà chưa được UBND các phường xã quan tâm quản lý...
Thời gian qua, ở các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm, như trường hợp của bé P.A (2 tuổi rưỡi) tử vong xảy ra sau giờ ăn trưa tại Trường Mầm non xã Thanh An (Thanh Chương) vào tháng 1/2015. Trước đó, năm 2013, tại Trường Mầm non xã Nghi Trường (Nghi Lộc) cũng đã đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm: Một bé trai 2 tuổi bị rơi xuống hố ga không có nắp đậy và tử vong... Nguyên nhân của các vụ tai nạn trên xuất phát từ việc cơ sở vật chất của các trường không đảm bảo an toàn, sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, giám sát của cán bộ, giáo viên...
Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Đức Thuyên - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị tham mưu về huy động các nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, sân chơi, công trình vệ sinh đảm bảo theo quy định; cố gắng bổ sung đủ định biên giáo viên để chăm sóc giáo dục trẻ tốt hơn, an toàn hơn, chỉ đạo tăng cường công tác bán trú, đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm...
Bà Hồ Thị An - Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT), cho biết: "Thực hiện Thông tư 13/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non, hầu hết cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện việc xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trong trường mầm non. 100% cơ sở giáo dục mầm non đã xây dựng được kế hoạch "Xây dựng trường học an toàn phòng, chống, tai nạn thương tích" với các chỉ tiêu, biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Trong đó có 100% số trường đạt 24 nội dung và 90% đến 99% số trường đạt 30 nội dung trong 68 nội dung trong bảng kiểm; 100% cơ sở giáo dục mầm non (có nhân viên y tế) đã triển khai tốt công tác phòng chống tai nạn, thương tích".
Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có trường mầm non nào đáp ứng đủ 68 tiêu chí đảm bảo an toàn cho trẻ ở trường mầm non theo quy định tại Thông tư 13. Theo thống kê, hiện toàn bậc mầm non có 101 công trình vệ sinh còn xa lớp học, khuất tầm nhìn giáo viên; 47/531 trường có công trình vệ sinh không đạt yêu cầu, 82 công trình vệ sinh không phù hợp (chưa sử dụng bệ dành cho lứa tuổi mầm non). Có đến 89 cầu thang không có tay vịn, không có cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang nguy cơ tiềm ẩn không an toàn cho trẻ mầm non; 41 bếp ăn xây dựng liền với nhóm lớp, 120 bếp đun bằng than tổ ong, 93 bếp chưa theo quy trình một chiều. Còn 336 bếp ăn chưa đảm bảo theo quy định. Ngoài ra, còn 59 trường không có bình chữa cháy, 63 cầu thang không có lối thoát hiểm. Nguồn nước, hệ thống mương máng thoát nước không đảm bảo, không quy hoạch nên nước đọng, nước tràn nguy cơ tiềm ẩn gây nên các bệnh truyền nhiễm. .
Theo Baonghean