Trẻ em thường có tỷ lệ mắc các loại chứng dị ứng cao là vì hệ miễn nhiễm của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên thường nhầm lẫn thực phẩm thành vật xâm nhập gây hại cần phải được loại trừ.
Chỉ riêng ở Mỹ, ước tính có khoảng 15 triệu người mắc phải chứng dị ứng thực phẩm. Và trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ lớn. Đây là một vấn đề tưởng chừng như không đáng quan tâm nhưng lại gây ra những nguy hiểm không nhỏ. Chứng dị ứng thức ăn hoặc chứng không dung nạp thực phẩm có thể gây ra sốt phát ban hoặc nặng hơn là sốc phản vệ, có khả năng làm bệnh nhân tử vong. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ em thường có tỷ lệ mắc các loại chứng dị ứng cao. Bởi lẽ, hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên thường nhầm lẫn thực phẩm thành vật xâm nhập gây hại cần phải được loại trừ.
Bên cạnh đó, việc hấp thụ một chế độ ăn uống nghèo nàn trong một khoảng thời gian dài cũng dễ dàng làm cho cơ thể nảy sinh trạng thái dị ứng với các loại thực phẩm mới lạ. Đây cũng là lý do vì sao trẻ em thường có xu hướng dị ứng thức ăn nhiều hơn người lớn vì các em không được ăn nhiều loại thức ăn phong phú.
Dị ứng thực phẩm có thể dẫn đến tử vong.
Trải qua nhiều thế hệ, hệ thống miễn dịch phát triển và tiến hóa nhằm mục đích bảo vệ chúng ta tránh không bị xâm nhập bởi những thứ ngoại lai, ví dụ như virus, vi khuẩn và các loại mầm bệnh khác. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiêu thụ thực phẩm để hấp thụ chất dinh dưỡng. Và những dưỡng chất này cũng là một loại ngoại lai. Vì thế, hệ miễn dịch cần phải học cách phân biệt được các chất dinh dưỡng và các loại mầm bệnh gây hại, chất nào được phép hấp thụ vào cơ thể và chất nào phải bị loại trừ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tế bào T. Nếu chúng nhầm lẫn, chứng dị ứng thực phẩm sẽ xảy ra.
Tương tự như các mầm bệnh, hợp chất trong thực phẩm hiển thị các dấu ấn đại phân tử (macromolecular marker) khiến cho hệ thống miễn dịch nhận biết được chúng là các chất ngoại lai. Các nhà khoa học đã cho những con chuột con ăn thử một loại protein trong trứng có tên là ovalbumin mà những con chuột này chưa từng được tiếp xúc. Loại protein trứng này đã kích thích ruột tiết ra một loại tế bào ức chế hệ thống miễn dịch tên là "Treg". Tế bào Treg đã ngăn cản hệ thống miễn dịch đào thải các protein ovalbumin.
Một nghiên cứu khác cũng được thử nghiệm dựa trên chuột con. Chúng được nuôi dưỡng trong một môi trường không có mầm bệnh và cho ăn bằng các phân tử axit amin. Đây là những vi chất rất nhỏ tạo thành protein. Vì hệ miễn dịch của những con chuột con này vẫn chưa được hoàn thiện, nên chúng không thể nhận ra được các vi chất axit min này. Từ đó, cơ thể chuột đã không phát sinh bất kì hiện tượng đào thải hay dị ứng thực phẩm nào.
Các nhà nghiên cứu đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực y học nhằm chứng minh thực phẩm và các vi khuẩn có lợi trong ruột đã tạo ra các loại tế bào Treg khác nhau để ức chế hệ thống miễn dịch, tránh bị đào thải ra khỏi cơ thể. Họ cũng nhận thấy rằng ở những con chuột nuôi trong môi trường vô trùng, cơ thể chúng rất khó khăn để tạo ra tế bào Treg. Vì thế những con chuột không có mầm bệnh này đều rất dễ bị dị ứng. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng sự hiện diện của cả hai loại tế bào Treg do thực phẩm và vi khuẩn tạo ra là cần thiết để ngăn chặn các triệu chứng dị ứng xuất hiện.
Lời khuyên ở đây là bạn hãy cố gắng tập cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau và đừng nên bảo bọc trẻ quá nhiều. Vi khuẩn cũng là một trong những yếu tố âm thầm hỗ trợ con bạn không bị mắc phải chứng dị ứng thực phẩm.
Theo SK&ĐS