Bộ GD - ĐT vừa có văn bản yêu cầu các Sở GD khẩn trương triển khai một số chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non.
Theo đó, văn bản số 173/BGDDT-GDMN do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký yêu cầu các Sở GD - ĐT nhanh chóng chủ trì, phối hợp với sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chính sách đối với trẻ em và giáo viên mầm non theo quy định.
Những đối tượng được hỗ trợ, các mức hỗ trợ, các trình tự thủ tục và nguồn kinh phí hỗ trợ,... thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 29 của Bộ GD - ĐT và Bộ Tài chính, và Thông tư liên tịch số 09 của Bộ GD - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính.
Đặc biệt ưu tiên các đối tượng mầm non
Đối với những đối tượng trẻ em mầm non được chi hỗ trợ ăn trưa gồm: Các trẻ em trong độ tuổi năm tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Trẻ em trong độ tuổi năm tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế;
Các đối tượng là giáo viên mầm non không kể công lập hay dân lập đều được hỗ trợ chi phí tập huấn, nâng cao nghiệp vụ. Ảnh minh họa.
Trẻ em trong độ tuổi năm tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo.
Trong đó, mức hỗ trợ là 120.000 đồng/tháng/cháu, được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Hỗ trợ chi phí cho giáo viên mầm non dân lập
Các đối tượng được giáo viên được kéo dài một số chính sách gồm: Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt) ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập.
Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động hay đang công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục.
Một số chính sách được kéo dài đối với giáo viên mầm non, cụ thể: Được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ; Được nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn (nếu lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và khi có thông báo nghỉ hưu) theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Được đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định;
Đối với các trường hợp ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 15 tháng 12 năm 2011, thì được xếp lương theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này;
Đối với các trường hợp ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 15 tháng 12 năm 2011 trở về sau, thì thực hiện chế độ tập sự, xếp lương và nâng bậc lương như đối với giáo viên mầm non có cùng trình độ đào tạo ký hợp đồng làm việc
Đặc biệt, các đối tượng là giáo viên mầm non không kể công lập hay dân lập đều được hỗ trợ tài liệu, thiết bị và chi phí tập huấn khác (nếu có) khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.
Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập, dân lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Sự chỉ đạo của Bộ GD - ĐT nhằm không để gián đoạn trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, ảnh hướng tới đời sống giáo viên và hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở mầm non.
Theo HNM