Bạn có biết những nguyên nhân nào khiến các gia đình Nhật Bản không tạo dựng phòng học riêng cho con trẻ mà chỉ tập trung xây thư phòng riêng cho người lớn không?
Nhật Bản đúng là một quốc gia kỳ diệu khi thường xuyên đi ngược lại những lý lẽ thường thấy ở rất nhiều nước khác và tạo cho dân tộc mình những đặc điểm riêng không thể lẫn đi đâu được. Trong khi rất nhiều các bậc phụ huynh trên khắp thế giới đều mong muốn tạo dựng cho con cái của mình một không gian riêng yên tĩnh để tập trung học hành thì đa số các gia đình ở Nhật lại không hề có khái niệm "phòng học cho con", thay vào đó, họ lại chừa ra một khoảng không để làm phòng đọc sách cho những người lớn trong nhà.
Vậy rốt cuộc thì nguyên nhân nào đã khiến cho người Nhật có suy nghĩ hoàn toàn khác biệt như vậy?
Một số người từng có cơ hội đến thăm nhà của người Nhật thường thắc mắc khi không thấy sự hiện diện của phòng học dành cho con, nếu có xây dựng thư phòng thì cũng là của người lớn chứ không phải là của lũ trẻ. Trong khi người lớn đọc sách ở căn phòng yên tĩnh, những đứa trẻ Nhật lại thường học ở phòng khách hoặc những không gian sinh hoạt chung.
Ban đầu, rất nhiều người không thể hiểu nổi phương pháp dạy con mà chẳng "đặt con cái lên hàng đầu" của người Nhật. Không có phòng học riêng, lũ trẻ sẽ gặp vô vàn khó khăn trong quá trình tập trung học bài. Thế nhưng, đến khi biết được cách nghĩ của họ, không ít người lại như vừa khám phá ra một chân trời mới và không ngớt tán đồng.
Thực ra, trong mắt người Nhật, không dành phòng học riêng cho con cái mới là tốt cho lũ trẻ. Nguyên nhân mà họ đưa ra dưới đây dường như càng nghe càng cảm thấy có lý và chắc hẳn sẽ khiến cho không ít bậc phụ huynh phải ồ lên thán phục.
Đầu tiên, trong mỗi căn nhà thường chỉ có một phòng sách, nếu như để làm không gian cho lũ trẻ thì các ông bố mỗi khi đi làm về đến nhà chỉ còn biết ngồi ngoài phòng khách thư giãn mà thôi. Điều này khiến cho các ông bố không có không gian riêng, vì vậy sẽ rất khó để tập trung đọc sách hay yên lặng suy nghĩ vấn đề gì đó. Thêm vào đó, người vợ chỉ biết mải miết nấu nướng trong gian bếp cũng không có thời gian chuyện trò với chồng. Thế nên, các ông bố chỉ còn cách nằm dài trên sô-pha xem các chương trình truyền hình để giết thời gian. Lâu dần, họ sẽ hình thành thói quen xấu cứ đi làm về đến nhà là lập tức dán mắt vào chiếc ti-vi và đôi khi sẽ xem tới tận tối muộn. Nguyên nhân chỉ bởi vì họ không có không gian riêng để làm những việc khác, trong khi không hề muốn đi ngủ sớm.
Việc nằm xem ti-vi trong khoảng thời gian dài sẽ làm cho con người trở nên mệt mỏi, không có sức sống hay tinh thần làm việc gì khác, thậm chí còn khiến một số người trở nên lười biếng và không thích suy nghĩ nhiều. Hành động này sẽ dần mài mòn sự tôn trọng của con cái dành cho bố mình và làm giảm uy quyền của người đàn ông trong gia đình.
Tiếp đó, nếu tạo cho con một căn phòng riêng chỉ để phục vụ việc học, các bậc phụ huynh sẽ rất khó kiểm soát hành động của lũ trẻ. Có rất nhiều đứa trẻ ngồi trong phòng học rất lâu, nhưng kỳ thực là đang chơi điện tử hoặc làm việc gì đó chứ không phải là học bài. Đóng sập cánh cửa lại, lũ trẻ có thể thoải mái ngồi trước màn hình máy tính chơi điện tử hoặc cầm điện thoại nhắn tin cho bạn bè... bao lâu tùy thích mà không sợ bị bố mẹ phản đối.
Thêm nữa, việc thiết kế phòng học riêng cho con sẽ khiến lũ trẻ hình thành tâm lý mình là trung tâm của vũ trụ. Bởi vì rất nhiều gia đình nấu cơm xong mới gọi các con đang ở trong phòng học ra rồi cả nhà cùng ngồi ăn cơm, nên lũ trẻ không thể hiểu nổi sự vất vả của người mẹ khi nấu cơm cho cả gia đình, dẫn đến việc không biết trân trọng những gì mình đang được hưởng thụ. Hơn nữa, chúng sẽ cảm thấy mình mới là người quan trọng nhất, bởi vì "không có mình sẽ chẳng ai được ăn cơm, cả nhà đều phải chờ mình ra mới ăn được".
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất khiến người Nhật không tạo phòng học riêng cho con cái là vì nếu như có phòng học riêng, lũ trẻ sẽ không tiện giao lưu với các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là thiếu đi sự chia sẻ và thấu hiểu giữa các thế hệ. Rất nhiều đứa trẻ sau bữa cơm đều viện cớ "con vào phòng học bài" để trốn việc rửa bát, dọn dẹp bàn ăn và tránh "phải" nói chuyện nhiều với bố mẹ, việc này kéo dài sẽ tạo thành hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa bố mẹ và con cái.
Ngược lại, khi người Nhật dành thư phòng cho người lớn, họ sẽ nhận được rất nhiều lợi ích bất ngờ.
Thứ nhất, sau khi người bố đi làm về có thể vào thư phòng nghỉ ngơi, điều chỉnh lại cảm xúc, việc này khiến cho tâm trạng của họ trở nên tốt hơn, đối mặt với con cái bằng tinh thần thoải mái và tươi vui phơi phới. Hơn nữa, khi được ở trong không gian riêng, người bố có thể đọc những cuốn sách mà mình thích, hoặc hoàn thành nốt những công việc còn đang dang dở. Trong khi đó, con trẻ sẽ thấy bố mình tan ca vẫn còn bận rộn trăm công nghìn việc, từ đó hình thành suy nghĩ "bố mình thật vất vả, kiếm tiền nuôi cả gia đình thật chẳng dễ dàng gì, mình phải nỗ lực hơn nữa, tuyệt đối không thể để bố thất vọng". Như vậy, người bố sẽ trở thành một tấm gương sáng cho con cái noi theo và tầm ảnh hưởng của người bố sẽ ngày càng tăng cao trong lòng đứa trẻ.
Thứ hai, việc cho trẻ em ngồi học trong phòng khách hoặc những không gian mở sẽ rất có ích cho đứa trẻ khi ra ngoài xã hội. Sau này, lũ trẻ sẽ có thói quen tập trung cao độ để hoàn thành tốt mọi công việc dù đang ở nơi đông người, ồn ã và sẽ không oán trách môi trường làm việc khiến mình bị phân tán tư tưởng, bởi vì không phải ai cũng có đặc quyền được sắp xếp một phòng làm việc riêng trong công ty.
Hơn cả, sự sắp xếp này rất có ích trong việc giao lưu giữa các thành viên trong một nhà, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên sự hài hòa, bầu không khí ấm áp và gần gũi trong gia đình.
Việc các gia đình Nhật không tạo dựng phòng học riêng cho con trẻ mà chỉ tập trung xây thư phòng riêng cho người lớn thoạt nhìn thì tưởng là không ưu tiên đặt sự phát triển của con cái lên hàng đầu, thế nhưng kỳ thực, người Nhật luôn suy nghĩ cho con cái từ những việc nhỏ nhặt nhất. Phương pháp giáo dục của họ quả thật rất đáng để người dân ở các nước khác ngưỡng mộ và học hỏi.
Theo Trí Thức Trẻ