Bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng đã có những lời khuyên về cách cho trẻ ăn váng sữa đúng nhất.
Váng sữa là một thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và được nhiều ông bố và mẹ tin dùng. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng biết cách sử dụng và tác dụng thực sự của váng sữa đối với sức khỏe của con.
Thầy thuốc Ưu tú, Thạc sĩ, Bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng sẽ đưa ra câu trả lời tốt nhất dành cho các ông bố bà mẹ về cách sử dụng váng sữa lấy tối đa chất bổ cho con, những trường hợp không nên cho trẻ ăn váng sữa và sai lầm cần tránh khi bảo quản váng sữa.
Thành phần dinh dưỡng trong váng sữa: thường 50% là chất béo!
Váng sữa là một chế phẩm được sản xuất từ sữa tươi. Cứ 100kg sữa tươi sẽ sản xuất ra được 1,25kg váng sữa. Vì thế, váng sữa thực sự rất ít và hiếm. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều loại váng sữa.
Bác sĩ Tường Vi chỉ rõ thành phần dinh dưỡng có trong váng sữa:
"Có loại váng sữa có thành phần chính là sữa chiếm 50-60%; có loại nhân tạo được chế biến từ các loại dầu thực vật như dầu cọ, dầu dừa bổ sung thêm casein (đạm sữa bò) và đường lactose (loại đường có trong sữa bò).
Vì trên nhãn hộp váng sữa không công bố hàm lượng các dưỡng chất khác nên rất khó đánh giá được thành phần dinh dưỡng của nó. Tuy nhiên, tỉ lệ chất béo (lipid) trong váng sữa thường chiếm khoảng 50%, tổng năng lượng, chất bột đường (carbohydrate) khoảng 40%, còn chất đạm (protein) chỉ khoảng 6-7%, còn vitamin và khoáng chất thấp",
100kg sữa tươi mới sản xuất ra được 1,25kg váng sữa (ảnh minh họa)
Cho trẻ ăn váng sữa thế nào thì đúng cách?
Bác sĩ Tường Vi cho biết thêm, chỉ nên sử dụng váng sữa như thực phẩm bổ sung cho trẻ. Lượng váng sữa cho trẻ ăn trong ngày cần phụ thuộc vào tuổi, cân nặng và loại váng sữa được mua. Trung bình, trẻ từ 7-12 tháng tuổi có thể ăn ăn ½ - 1 hộp váng sữa/ngày, trẻ trên một tuổi có thể ăn 1 - 2 hộp/ngày, tùy vào mức độ dung nạp của trẻ. Không nhất thiết ngày nào cũng dùng vì khi ăn quá nhiều, trẻ có thể bị đầy bụng, tiêu chảy do hàm lượng chất béo quá cao. Tuyệt đối không dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
"Vì hàm lượng chất béo cao nên váng sữa cung cấp nhiều năng lượng. Vì vậy, có thể bổ sung cho trẻ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng; trẻ mới ốm dậy cần nhiều năng lượng. Tuy nhiên, chỉ nên dùng làm bữa ăn phụ cho trẻ", bác sĩ Tường Vi khuyến cáo.
Chỉ nên dùng váng sữa cho bé ăn bổ sung và có thể cho bé sử dụng từ tháng 7 trở đi (ảnh minh họa)
Trẻ từ 7 tháng tuổi trở lên, bị thiếu cân, suy dinh dưỡng; trẻ mới ốm dậy cần nhiều năng lượng có thể sử dụng váng sữa. Và chỉ nên dùng làm bữa ăn phụ.
Những trường hợp cho trẻ ăn váng sữa sai cách
- Khi trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Khi trẻ thừa cân, đang bị tiêu chảy, dị ứng với sữa bò,...
- Cho trẻ ăn quá nhiều, gây đầy bụng, tiêu chảy cho hàm lượng chất béo quá cao.
- Cho trẻ ăn trước bữa ăn
Bác sĩ Tường Vi nhấn mạnh: "Không nên cho trẻ ăn trước bữa ăn vì làm bé ngang dạ sẽ bỏ bữa ăn chính. Nên cho ăn sau bữa ăn sáng hoặc trưa, không nên ăn vào bữa tối sẽ làm bé đầy bụng khó ngủ"
- Cho trẻ ăn váng sữa thay thế sữa mẹ
Vì thành phần dinh dưỡng trong váng sữa chủ yếu là chất béo nên đây sẽ là nguồn cung cấp năng lượng rất cao từ chất béo là chính. Bên cạnh đó, chất đạm rất thấp, các vitamin và khoáng chất cũng thấp. Vì vậy, không nên dùng váng sữa thay thế cho sữa mẹ.
Theo bác sĩ Tường Vi: "Chỉ nên dùng váng sữa cho bé ăn bổ sung và có thể cho bé sử dụng từ tháng 7 trở đi. Nếu dùng váng sữa thay cho sữa mẹ, trẻ sẽ bị thiếu chất đạm, dẫn đến tình trạng thiếu máu, suy dinh dưỡng,... do thiếu các vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt, do váng sữa có năng lượng cao nên lạm dụng cho trẻ thừa cân sẽ khiến bé càng tăng cân dẫn đến béo phì và các bệnh mãn tính khác".
Sai lầm cần tránh khi bảo quản váng sữa
Váng sữa rất dễ bị hỏng nên cần bảo quàn trong tủ lạnh. Tuy nhiên, không nên để váng sữa ở bên cánh cửa tủ lạnh, vì khi mở cửa tủ thường xuyên sẽ không giữ được nhiệt độ ổn định. Sau khi mua, nên sử dụng càng sớm càng tốt, chú ý xem hạn sử dụng trên hộp.
Theo Vân Anh (Khám Phá)