Tâm lý
   Trừng phạt và khen thưởng trẻ
 

Thưởng và phạt chính là cơ sở giáo dục cơ bản. Sử dụng tốt hai hình thức này, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giáo dục nhất định.


"Tôi biết rằng không nên đánh con, đó không phải là cách hay nhất,nên tôi chưa từng đụng đến cọng tóc của con trai.Nó rất sợ bóng tối, vì vậy để phạt con, tôi đã nhốt nó trong phòng, tắt đèn tối thui và để cho nó thời gian suy nghĩ. Ôi trời, sau đó thằng bé ngoan ngoãn hẳn!" - một người mẹ kể cho bác sĩ tâm lý nghe về cậu con trai sáu tuổi đang có triệu chứng rối loạn thần kinh.


"Tôi có nguyên tắc không bao giờ khen ngợi con cho đến khi mọi việc của nó đạt đến sự hoàn hảo. Thế nhưng nó chẳng bao giờ đạt được. Tôi chỉ cố gắng dạy cho con ý thức trách nhiệm nhưng nó chẳng bao giờ hiểu" - lời một ông bố tức giận về cách cư xử của cậu con trai mười một tuổi - "Nó lười biếng khủng khiếp, lại còn luôn giấu diếm điểm số. Chẳng có hình phạt nào thay đổi được nó".


Ảnh minh họa - Shutterstock


Trừng phạt không phải để "dìm" trẻ
Hai ví dụ trên là những câu chuyện quen thuộc về việc trừng phạt con cái mà hẳn nhiều phụ huynh nhìn thấy chính mình trong đó. Vậy trừng phạt con thế nào cho có tác dụng?


Người cha kể trên nói rằng sự trừng phạt chẳng giúp gì cho đứa trẻ, chẳng thay đổi được nó, vì vậy ông xin ý kiến mọi người có cách tác động nào khác hay không? Ông tuyên bố rằng ông không bao giờ cổ vũ hay khen ngợi con. Ông cho rằng cậu bé có nghĩa vụ phải biết tất cả và đừng chờ đợi sự giúp đỡ hay lời khuyên của cha. Ông kiểm tra việc hoàn thành bài tập ở nhà của con và những nhiệm vụ mà ông giao cho nó. Thật là tai họa cho thằng bé nếu ông tìm ra sai sót.


Cậu bé cố gắng trốn tránh sự kiểm soát đó, bằng mọi cách có thể. Càng trốn tránh vì sợ hãi thì điểm số càng xuống thấp. Và càng thấp thì những yêu cầu của cha cậu bé càng trở nên nghiêm khắc hơn. Không thể phủ nhận mục đích của người cha là tốt, ông yêu thương con và chỉ mong dạy dỗ cậu bé tốt hơn. Nhưng vì sao ông không đạt được mục đích của mình?


Các nhà giáo dục cho rằng sự trừng phạt có ba ý nghĩa. Thứ nhất, nó phải nhằm mục đích khắc phục những thiệt hại từ hành vi xấu của con trẻ. Đứa trẻ có nghĩa vụ phải dọn dẹp những gì chúng xả ra, sửa chữa những gì chúng làm gãy, hỏng, đền bù phần nào những thiệt hại mà chúng gây ra.


Thứ hai, sự trừng phạt phải khiến lỗi lầm không bao giờ xảy ra nữa. Nó là sự đe dọa, cảnh báo cho trẻ về những gì chúng phải chịu trách nhiệm.


Thứ ba, cũng là ý nghĩa chính của việc trừng phạt, là giúp trẻ cởi bỏ mặc cảm có lỗi. Mặc cảm đó luôn là rào cản, ngăn cách, khiến trẻ thiếu tự tin trong mối quan hệ với người kết tội. Sự trừng phạt có thể giúp trẻ cảm thấy mình được "rửa tội" và quan trọng nhất là thấy sự công bằng của trừng phạt để thừa nhận, chấp nhận lỗi lầm của mình.


Ở người mẹ, bà đã mang đến cho con sự sợ hãi đến mức sinh bệnh, nên dù đứa bé không phạm lỗi nữa thì bà cũng đã thất bại khi xét cả ba ý nghĩa trên.


Nếu chúng ta trừng phạt trẻ một cách vội vàng, trong cơn cáu giận, không kiềm chế thì việc trừng phạt không chỉ không đạt được mục đích mà còn phản tác dụng. Tệ hơn nữa, sự trừng phạt đó sẽ kích thích trong con trẻ sự phản kháng.


Giáo viên hay cha mẹ khi ấy với chúng như là những người luôn tìm mọi lỗi lầm của chúng để trừng phạt. Đứa trẻ có thể đau khổ, khóc lóc, xin cha mẹ tha thứ nhưng sẽ không nhận thức được lẽ phải, sự công bằng, không cảm nhận được sai lầm của mình, không có được bài học cho tương lai.


Mục đích của hình phạt, không phải là dìm những đứa trẻ có lỗi mà là cứu và nâng chúng lên. Để có được điều đó, giải pháp là sự tha thứ. Sự tha thứ giải phóng con người khỏi gánh nặng lầm lỗi, làm nảy sinh tình cảm với người tha thứ. Khi đó đứa trẻ sẽ yêu thương người đang trừng phạt mình và muốn có những hành động mới để sửa chữa, làm hòa.


Không tha thứ cho con trẻ là hành động vô cảm, vô nhân tính và phản giáo dục. Nó chỉ càng đào sâu ngăn cách giữa con trẻ và người dạy dỗ. Nhưng luôn sẵn sàng tha thứ sẽ khiến bạn mất uy tín và khả năng ảnh hưởng đến con trẻ. Sự nhạy cảm, hiểu biết những phẩm chất riêng của đứa trẻ sẽ cho bạn chỉ dẫn tốt nhất nên làm gì.


Khen thưởng để thúc đẩy trẻ làm đều tốt
Khi trừng phạt trẻ, phụ huynh sợ nhất điều gì? Nhiều ông bố bà mẹ nói rằng sợ nhất là trẻ sẽ ghét, không tin vào họ. Điều quan trọng là làm thế nào để giữ được tình cảm gần gũi giữa cha mẹ và con cái khi bạn trừng phạt chúng.


Chỉ như vậy sự trừng phạt mới có hiệu lực, đứa trẻ mới trải nghiệm cảm giác có lỗi. Trẻ phải nhận ra được rằng chúng đã làm hỏng mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ hay thầy cô bằng hành động sai trái của mình. Bởi khi trẻ không có cảm giác có lỗi, sự trừng phạt sẽ chỉ mang đến bạo lực, khủng bố và mệt mỏi.


Bên cạnh trừng phạt là khen thưởng. Ai cũng thấy hạnh phúc khi được khen ngợi. Sự hài lòng khi được yêu quý và trân trọng luôn khiến người ta trở nên tốt đẹp hơn và muốn được trải qua cảm giác hạnh phúc đó thêm nhiều lần nữa.


Làm sao cân bằng giữa trừng phạt và khen thưởng, câu trả lời là sử dụng sự trừng phạt và khuyến khích phù hợp với từng đứa trẻ. Các nhà giáo dục cho rằng khuyến khích, khen thưởng mới là cách giáo dục hiệu quả nhất.


Nếu sự trừng phạt chỉ giúp dừng những hành động xấu thì sự khuyến khích động viên sẽ thúc đẩy những việc làm tốt. Khen thưởng hay động viên không thể hiểu đơn giản là kẹo, quả bóng hoặc chiếc xe đạp.


Phần thưởng lớn nhất cho trẻ chính là nhận thức rằng chúng đã mang niềm vui đến cho những người thân yêu, còn những món quà chỉ là sự tượng trưng cho điều đó. Khi vật chất tượng trưng trở thành điều quan trọng nhất và là mục đích khiến trẻ cố gắng làm tốt mọi việc thì sự giáo dục trong gia đình đã bắt đầu đi chệch hướng.


Nếu với bất kỳ lỗi lầm nào, trẻ cũng nhận sự trừng phạt, trẻ không thể học được cách cư xử đúng đắn. Trẻ sợ hãi người trừng phạt, cố gắng đánh lừa người ấy để thoát khỏi sự trừng phạt. Chẳng có sự trách mắng hay trừng phạt nào có thể khiến trường học trở nên hấp dẫn với những đứa trẻ không mấy giỏi giang. Nếu được khen ngợi và cổ vũ những thành tích dù rất nhỏ thì trẻ sẽ làm việc với sự hăng say và thích thú.


Thưởng và phạt chính là cơ sở giáo dục cơ bản. Sử dụng tốt hai hình thức này, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giáo dục nhất định.


Với người cha và người mẹ của hai cậu bé không biết vâng lời trong phần đầu bài viết này, không thể cho lời khuyên nào về việc trừng phạt, mà họ cần phải xem xét lại những nguyên tắc của mình.


Chúng phản giáo dục, không hiệu quả và không tình cảm, khiến cậu con trai tội nghiệp càng thêm bướng bỉnh, cứng đầu hoặc bị tác động tâm lý. Những nguyên tắc đó, gây bất lợi cho chính họ, khiến họ không thể có ảnh hưởng tích cực đối với con cái. Hơn thế nữa, nó khiến họ mất đi trải nghiệm niềm vui và sự hài lòng của người dạy dỗ.


Hoàng Thị Thanh Thủy (Đường Phạm Văn Hai, Q. Tân Bình)
Trẻ con mà, làm sao tránh được chuyện thỉnh thoảng nó mắc lỗi này, lỗi kia. Để nhắc con nhớ và không lặp lại lỗi, tất nhiên là phải trừng phạt. Tuy nhiên, tôi thường cho cháu hai cơ hội. Nếu lặp lại lỗi đó lần thứ ba thì chắc chắn bị ăn đòn. Điều đó giúp cháu hiểu ra lỗi của mình.


Sau một thời gian thi hành biện pháp này, cháu tỏ ra có ý thức hẳn. Chỉ cần bị tôi nhắc đến lần thứ hai, cháu đã vội vàng sửa lỗi của mình, miệng liến thoắng "Mẹ để con làm, con làm đây, không thì tới lần thứ ba mất", làm tôi có lúc phải tủm tỉm cười.


Tôi ít đánh đòn cháu. Ngày trước tôi chưa biết kiềm chế cơn nóng giận của mình, hễ bực lên, chẳng nói chẳng rằng liền đánh con. Có lần thấy con tái xanh mặt mày, run lẩy bẩy vì sợ hãi, tôi nhìn lại, thấy mình như người điên, hối hận, nên tự dặn mình phải bình tĩnh hơn.


Tôi hiểu rằng trừng phạt con không phải để con sợ mà làm cho con hiểu và có được ý thức về chuyện sai, đúng trong hành động của mình. Muốn vậy thì không thể làm mọi việc chỉ để thỏa mãn sự tức giận của mình. Mà đó thường là sai lầm phổ biến của các phụ huynh.


Lâm Hải Yến (Sinh viên khoa Báo chí Trường ĐHKHXH & NV TP. HCM)
Một lần, tôi đi học về, thấy mẹ mang một món đồ chơi của tôi cho con của một người khách đến nhà. Tôi đã lấy lại món đồ chơi đó vì tôi rất thích nó. Khi khách về, mẹ đánh đòn tôi. Mẹ nói tôi làm bà mất mặt với khách, rằng tôi hỗn khi làm trái ý bà.


Tôi bị mẹ đánh rất đau nhưng tôi nhất định không xin lỗi vì tôi cho rằng mình hoàn toàn không sai. Tại sao mẹ lại lấy đồ của tôi mà không hỏi ý tôi?


Kỷ niệm xấu về sự trừng phạt sai của mẹ vẫn đeo theo tôi mãi đến giờ, dù đã nhiều năm trôi qua.Tôi mất lòng tin vào sự công bằng và đúng đắn của bố mẹ khi trừng phạt con cái. Tôi nghĩ rằng sau này khi có con cái, tôi nhất định không áp đặt và "chuyên quyền" với con cái như vậy.


Theo PNO

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 10 kiểu chọc ghẹo trẻ con “xấu xa” người Việt nên bỏ ngay (11/11)
 Những kỹ năng sống mẹ nhất định cần dạy cho bé (10/11)
 Viện nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng iPad không ảnh hưởng đến trẻ em nếu dùng điều độ (9/11)
 Con trai thường... cẩu thả? (6/11)
 12 quy tắc không thể quên khi dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non (5/11)
 7 cách phạt con khoa học để trẻ thông minh ngoan ngoãn (4/11)
 Làm thế nào khi trẻ hư? (3/11)
 Tại sao nên đối xử với trẻ như người lớn? (2/11)
 Tai hại khi khen con thông minh (30/10)
 Đọc sách cùng con (29/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i