Nuôi một đứa trẻ không hề dễ dàng. Nuôi dạy con gái để sau này lớn lên không xấu tính, nham hiểm còn khó hơn gấp bội.
Dạy con gái biết rằng đồng cảm có giá trị lớn như thế nào
Người ta thường nói hãy đối xử với người khác như cách bạn mong đợi người ta làm với mình. Bất cứ khi nào tôi thấy con gái mình làm những chuyện không chấp nhận được, tôi sẽ hỏi bé hai câu hỏi: Con nghĩ cô bạn đó sẽ thấy như thế nào với trò đùa của con? Còn con, con sẽ cảm thấy như thế nào khi có người làm như thế với mình? Hai câu hỏi này thường giúp con gái nhìn lại tâm địa của việc làm đó, để sau này con biết suy nghĩ về hậu quả trước khi hành động.
Dạy con gái biết chấp nhận và khoan dung
Cuộc đời là nơi tụ hội của đủ thể loại người từ khắp mọi tầng lớp, mọi chủng tộc, văn hóa, xã hội, và niềm tin khác nhau. Vậy nên, con phải biết tôn trọng sự khác biệt, nhờ thế xung quanh con không còn hiện hữu nổi căm ghét nữa.
Dạy con gái tôn trọng bản thân và tôn trọng mọi người
Tôn trọng giống như con đường hai chiều. Bạn tôn trọng họ, họ tôn trọng bạn. Thật ra, để con biết kính trên nhường dưới không thể trong ngày một ngày hai mà làm được, cần phải có quá trình và củng cố lâu dài.
Thường xuyên chuyện trò cởi mở giữa mẹ và con gái
Tâm sự cùng con về nỗi buồn và cách vượt qua thất vọng. Hãy để con gái thoải mái giãi bày, chia sẻ về chuyện tình cảm giữa bạn bè, người thân. Nếu có thể, bạn hãy vẽ ra những tình huống khó xử mà con sẽ gặp trong đời rồi để xem tự con xử lý như thế nào. Từ đây, bạn sẽ biết được cách suy nghĩ và nội tâm của bé.
Thật vậy, trong đời ai cũng sẽ đôi lần thấy mình bị bỏ rơi. Một người mẹ như bạn, hãy chỉ bày cho con cách gạt đi chán nản, thôi dây dưa với nỗi hụt hẫng làm gì. Hơn hết là cho con biết tầm quan trọng khi sống đúng, sống thật với bản thân, đừng ép mình thay đổi để làm vừa lòng ai cả.
Làm gương cho con
Mặt thấy bao nhiêu, tai nghe được gì, tất cả sẽ được trẻ con bắt chước làm theo, vậy nên một người luôn bên cạnh con thì hãy là tấm gương để con luôn noi theo. Khi mẹ đi "nhiều chuyện" với mấy bà hàng xóm hoặc nói xấu một người nào đó, trẻ sẽ ghi nhận lại.
Sự thật phũ phàng nhưng khi con phạm sai lầm, bố mẹ đôi khi cũng phải tự nhìn lại mình xem đã làm sai điều gì.
"Nhúng tay" vào cuộc đời con, hãy là một mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc sống của con
Mẹ hãy quan tâm, hỏi han, tìm hiểu về bạn bè, thầy cô của con, rồi làm quen với họ nếu có thể. Vẫn biết công việc bận bịu thì thời gian đâu mà để tâm đến mấy chuyện này, nhưng chỉ cần trong giờ cơm trưa, tắt bớt TV đi, để lại không gian yên tĩnh rồi gia đình chuyện trò. Chỉ cần mở to mắt và lắng tai nghe, bạn sẽ biết được rất nhiều điều giấu kín về con và cuộc sống của bé.
Đừng để cảm xúc khô cằn
Đối với nhiều người, bày tỏ tình cảm là việc gì đó rất khó khăn. Đôi khi với vài cặp vợ chồng (đặc biệt là khi đã chung sống lâu năm), lời yêu thương càng ít nói ra hơn nữa, họ biện minh rằng vì đã rất chắc chắn về tình cảm của đối phương dành cho mình rồi, không cần phải thể hiện ra làm gì, sến súa. Con gái nhìn thấy bố mẹ quá "khô cằn" với nhau thì lớn lên cũng dần mất đi khả năng bày tỏ tình cảm.
Vì thế, thỉnh thoảng hãy thủ thỉ vào tai con gái rằng: "Mẹ yêu con, mẹ thương con nhiều lắm", rằng con là một cô bé xinh đẹp, thông minh và cực kì đặc biệt. Cho con thấy tình yêu dạt dào của mẹ không chỉ qua hành động không thôi mà còn qua lời nói ngọt ngào nữa.
Giám sát những ảnh hưởng bên ngoài của con
Bạn có tường tận hết những gì vây quanh cuộc sống của con gái hằng ngày không? Trẻ con thường bộc lộ tính xấu tiềm ẩn khi có chuyện làm chúng bực tức và khó chịu. Thế nên đừng dối lòng khi con có những hành vi không đẹp. Cũng không nên cho qua kiểu như thôi tại con còn nhỏ dại, dẹp luôn ý nghĩ rằng kệ đi, lớn lên con sẽ tự biết sửa sai, và tệ nhất là nghĩ rằng: "Con gái đứa nào chả thế". Bản tính trời sinh chỉ là một phần nhỏ, những tính xấu đó thường là do vun đắp mà thành. Hãy tỉnh táo!
Theo Thủy Tiên / Trí Thức Trẻ