Nếu thực đơn của bé cực ngon miệng và bắt mắt mà bé vẫn uể oải, biếng ăn, bố mẹ cần xem lại ngay liệu mình có mắc những sai lầm dưới đây.
Một số hành động ít ai ngờ tới lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhu cầu ăn uống của trẻ. Cùng "điểm danh" những sai lầm bố mẹ thường vô tình mắc phải khiến con chán ăn, chậm lớn:
Không khuyến khích bé vận động
Mẹ đã cố gắng đầu tư cho bé một chế độ dinh dưỡng cực kì hợp lí, nấu các món rất ngon miệng và bày biện đẹp mắt nhưng không hiểu sao bé vẫn biếng ăn? Rất có thể là do bé lười vận động, cả ngày chỉ ngồi xem ti vi hoặc dán mắt vào trò chơi tren máy tính, cơ thể không phải đốt cháy nhiều calo và vì thế mà không có nhu cầu nạp thêm năng lượng vào cơ thể. Bố mẹ nên khuyến khích con tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi chạy nhảy cùng bạn bè, vừa tăng kĩ năng sống, vừa kích thích bé tiêu thụ nhiều năng lượng, dẫn đến nhu cầu ăn uống cao hơn.
Cho con ăn riêng
Nhiều người vì sợ thời gian cho trẻ ăn rất lâu mà tách con ra ăn riêng cho xong bữa, để đến khi cả nhà vào ăn cho... nhàn, không phải vừa ăn vừa dỗ con, dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ càng trầm trọng hơn. Có thể bố mẹ đã quên mất một điều vô cùng quan trọng: trẻ ăn cơm cũng cần không khí đầm ấm. Ăn cùng với các thành viên trong gia đình, được nghe bố mẹ, ông bà giới thiệu món này, khen món kia, nhìn mọi người ăn uống ngon lành, vui vẻ cũng giúp trẻ ăn được nhiều hơn so với khi ăn một mình.
Nuôi con thiếu chất
Bé biếng ăn có thể là do cơ thể thiếu một số chất như lysine, vitamin B, kẽm khiến bé không có cảm giác ngon miệng. Mẹ nên bổ sung thật nhiều những thực phẩm giàu các chất trên vào thực đơn cho bé như thịt bò, các loại đậu, đỗ, rau lá xanh đậm, sữa chua,... để tăng cảm giác thèm ăn cho bé. Nếu nghi ngờ bé thiếu chất ở mức độ nặng, cần đưa bé đi khám bác sĩ để có biện pháp xử lí phù hợp.
Bé biếng ăn có thể là do cơ thể thiếu một số chất như lysine, vitamin B, kẽm khiến bé không có cảm giác ngon miệng.
"Quên" khen ngợi con
Khen ngợi là "câu thần chú" kì diệu có tác dụng kích thích trẻ ăn mà chẳng cần ép. Nếu bé lần đầu nếm thử một loại đồ ăn mới, hãy khen ngợi bé thật nhiệt tình và hào hứng: "Mọi người nhìn thấy không? Bé Bông nhà mình vừa ăn được bí ngô đấy. Con ngoan quá. Ăn nhiều bí ngô là mắt sáng và thông minh lắm đây!" Mọi trẻ em đều thích được khen. Lần sau nếu muốn được khen, chắc chắn bé sẽ tự động thử những món đồ mới mà mẹ cho ăn.
"Quên" cho con chọn lựa
Còn gì nhàm chán hơn việc "cha mẹ cho gì, con ăn nấy"? Bố mẹ hãy để cho con có quyền được chọn lựa, không chỉ là đồ ăn mà còn là dụng cụ ăn. Chẳng hạn như cho bé tự chọn xem hôm nay ăn bát hình con thỏ hay cái lá, ăn thìa con mèo hay con gấu, hỏi xem bé thích mẹ nấu thịt gà hay thịt bò cho bữa trưa,... Cảm giác được tự quyết định cũng khiến bé hào hứng với món ăn hơn, vì đó là món do đích thân bé lựa chọn.
Không để con tự xúc ăn
Nếu chú ý, bố mẹ sẽ thấy trẻ từ 1 tuổi trở đi thường bắt đầu thích dùng thìa để cho phần ăn của mình vào miệng. Đa phần bố mẹ không muốn con đùa nghịch với thức ăn vì sẽ mất rất nhiều thời gian để trẻ ăn xong bữa và thu dọn "bãi chiến trường" của trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ nên chịu "hy sinh" một thời gian, cho bé học cách tự làm dù thời gian đầu bé sẽ rất vụng về, hay làm rơi vãi. Về sau, việc cho con ăn sẽ nhàn hơn rất nhiều. Trẻ tự động tay vào đồ ăn sẽ có hứng thú ăn uống hơn, không thụ động như khi được xúc cho ăn.
Theo Lamchame.com