Tom Wagg, một cậu bé 15 tuổi đang theo học tại Đại học Keele ở Anh đã phát hiện ra một hành tinh mới khi thực tập tại đài thiên văn của trường. Khám phá của Wagg trở thành tấm gương cho các sinh viên trẻ ham mê khám phá khoa học.
Tom Wagg là thực tập sinh tại đài thiên văn Đại học Keele khi cậu phát hiện ra hành tinh mới - Ảnh: CNN
Trong khi thực tập tại đài thiên văn, Tom Wagg nhận thấy một sự sụt giảm nhỏ ánh sáng của một ngôi sao khi một hành tinh đi qua phía trước nó - hành tinh này cho đến lúc đó chưa được bất cứ nhà khoa học nào phát hiện ra. Trường Đại học Keele sau đó đã bỏ ra hai năm để xác minh phát hiện của Wagg.
"Tôi vô cùng vui mừng đã phát hiện một hành tinh mới, và tôi rất ấn tượng rằng chúng ta có thể tìm thấy chúng ở rất xa", Wagg nói với báo giới. Cậu dường như phát hiện ra hành tinh mới bằng cách rà soát cơ sở dữ liệu của dự án tìm kiếm hành tinh mới (WASP) của Đại học Keele, một chương trình có thể "quét" hàng triệu ngôi sao trong bầu trời đêm.
Từ chỗ chưa có tên, hành tinh được tìm thấy được mang tên tạm là WASP-142B, ghi nhận đây là phát hiện thứ 24 của dự án WASP.
Hành tinh này vô hình đối với mắt thường và cách Trái đất 1.000 năm ánh sáng, nó có kích thước tương đương sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt trời, nhưng quỹ đạo của hành tinh này chỉ là hai ngày.
Sau khi hành tinh WASP-142B được phát hiện, các nhà thiên văn tại Đại học Geneva và Đại học Liege xác nhận rằng nó có kích thước và khối lượng như yêu cầu và được xác định là một hành tinh. Trong khi đó, Đại học Keele bắt đầu lên kế hoạch mở một cuộc thi tìm tên cho hành tinh mới.
Theo NASA, hành tinh đầu tiên không thuộc Hệ Mặt trời được phát hiện vào năm 1995 và từ đó đến nay các nhà thiên văn đã phát hiện được 5.000 hành tinh như vậy. Cũng theo NASA, những khám phá mới mang lại hy vọng tìm thấy một "Trái đất khác" trong thiên hà bao la.
Theo PN