Sử dụng thuốc kháng sinh là giải pháp điều trị phổ biến hiện nay đối với những bệnh thường gặp ở trẻ; đặc biệt vào khoảng tháng 4 trở đi khi tỉ lệ nhiễm khuẩn hô hấp lại tăng cao. Không ít bà mẹ lại cho con uống kháng sinh một cách tùy tiện, ngay cả khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Cần thay đổi thói quen cho con uống thuốc tùy tiện
Các chuyên gia y tế khẳng định hiện tượng tự ý sử dụng thuốc ngày càng phổ biến, và trở thành thực trạng của ngành y Việt Nam. Do thiếu kiến thức và cả ý thức, nhiều bà mẹ cho con uống kháng sinh tuỳ tiện hoặc lạm dụng kháng sinh cho trẻ.
Kháng sinh là giải pháp điều trị nhiễm khuẩn hô hấp
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do suy nghĩ sai lầm của phụ huynh như: thời gian điều trị dài, sợ con uống kháng sinh lâu ngày bị tác dụng phụ; ngại vì trẻ còn nhỏ khó cho uống thuốc; hoặc uống được 2-3 ngày, thấy con bớt bệnh thì tự ý ngưng thuốc, hay thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang kháng sinh khác.
ThS. BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, tình trạng các bà mẹ đưa con vào viện sau khi "tự cho uống kháng sinh mãi không khỏi bệnh" không quá xa lạ. Nhiều trẻ vì uống "kháng sinh oan" bị dị ứng thuốc, đe doạ đến tính mạng.
"Phản ứng dị ứng có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng chẳng hạn sốc phản vệ. Phụ huynh cần ngưng thuốc đang sử dụng và đưa trẻ đi khám lại ngay. Đặc biệt khi trẻ có dấu hiệu nặng, phản ứng phản vệ, cần cho trẻ đi cấp cứu ngay. Đừng quên mang theo toa thuốc và loại thuốc mà trẻ đã dùng để xử trí nhanh chóng, phù hợp."
Đề kháng kháng sinh - không còn thuốc chữa!?
ThS. BS Trần Anh Tuấn khuyên "dùng kháng sinh nào, kê toa ra sao nhất thiết phải qua thăm khám và tư vấn của bác sĩ". Mục đích của việc này không chỉ là để điều trị được hiệu quả, mà còn tránh cho trẻ bệnh nặng hơn và tốn kém hơn khi điều trị. Đáng nói hơn là chính từ thói quen lạm dụng thuốc phổ biến này, ngành y tế Việt Nam và cả thế giới đang phải đau đầu giải quyết vấn nạn đề kháng kháng sinh.
ThS. BS Trần Anh Tuấn phân tích: "Hậu quả mà đề kháng kháng sinh gây ra là tăng chi phí điều trị, phải đổi nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau và dễ dẫn theo kháng thuốc chéo, tăng thể bệnh nặng, biến chứng thậm chí tử vong liên quan đến vi khuẩn kháng thuốc. Số loại kháng sinh mới được phát triển, đưa vào sử dụng ngày càng ít, trong khi vi khuẩn kháng thuốc càng đáng ngại. Nhiều người lo ngại đến ngày vi khuẩn ngày càng nguy hiểm, kháng thuốc nhưng không còn thuốc trị."
Kháng sinh liệu trình điều trị ngắn ngày - vẫn phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ
ThS. BS Trần Anh Tuấn đánh giá, ghi nhận gần đây cho thấy trẻ sử dụng kháng sinh càng nhiều sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng. Điều tiên quyết khi cho trẻ dùng kháng sinh là phải tuân thủ liệu trình điều trị một cách nghiêm ngặt. Trên thực tế và qua nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, người bệnh thường kém tuân thủ điều trị nếu phải dùng thuốc dài ngày (từ 7 ngày trở lên), nhiều lần (3-4 lần/ngày).
Người bệnh đã có thể tiếp cận với kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn ngày
Hiện nay người bệnh đã có thể tiếp cận với kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn ngày, được coi như một xu hướng điều trị mới vẫn đủ khả năng khỏi bệnh hoàn toàn và tránh tái phát.
"Điều trị bằng kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn ngày có nhiều lợi điểm như giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn và tránh được những hậu quả liên quan đến việc kém tuân thủ điều trị, hạn chế tác dụng phụ của kháng sinh, tránh tương tác thuốc; ít tốn kém chi phí; giảm nguy cơ đề kháng kháng sinh. Tuy nhiên cho dù uống kháng sinh nào, bao nhiêu ngày thì phụ huynh vẫn phải tuân thủ đúng liệu trình điều trị của bác sĩ" - ThS.BS Trần Anh Tuấn khuyên.
Theo Lamchame.com