Khi trẻ cáu giận, hờn dỗi bố mẹ thường lúng túng trong cách xử lý và phạm nhiều sai lầm. Dưới đây là 7 điều mà các bố mẹ không nên làm khi trẻ cáu giận.
Việc trẻ cáu giận, hờn dỗi là điều có thể làm "đau tim" bất kỳ bà mẹ nào, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đoán trước được cơn giận và cố gắng làm dịu tình hình trước khi nó xảy ra. Tiến sỹ Tovah Klein - tác giả của cuốn "Cách trẻ lớn lên" cho rằng: "Tốt nhất bạn nên tìm hiểu điều gì có thể khiến bé trở nên cáu bẳn. Nếu bạn biết một số nguyên nhân có thể dẫn đến cơn giận dữ, hờn dỗi của trẻ, ví dụ bé thiếu ngủ hoặc đói, cố gắng chuẩn bị trước để tránh điều đó xảy ra."
Nhưng nếu bạn đã cố gắng hết sức rồi mà bé vẫn bị "cảm xúc lấn át" thể hiện ra như đá chân lung tung, la hét và giãy nảy lên thì vẫn có những điều bạn nên tránh để không khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Dưới đây là 7 điều người lớn không bao giờ nên làm khi trẻ cáu giận:
Cười to
Cơn giận dữ của bé đôi khi rất buồn cười, nhưng hãy nghĩ xem: Cười lúc này có phải điều đúng đắn hay không? "Tại thời điểm bé đang bực tức, việc bạn cười sẽ làm cho bé nghĩ rằng cảm xúc của bé thật là kỳ cục" - Klein lưu ý. "Bé sẽ thấy thật đáng xấu hổ khi có những cảm xúc như vậy". Sự hài hước là điều rất quan trọng ở các bậc cha mẹ, tuy nhiên tốt nhất không nên cười trong lúc trẻ cáu giận.
Bắt chước lại hành động của bé
Đây có thể là một cách hay trong những tình huống không căng thẳng, nhưng cũng giống như việc bạn cười, việc trêu chọc bé và cảm xúc của bé "sẽ khiến bé xấu hổ và cảm thấy không được coi trọng".
"Điều này cũng dạy cho bé rằng việc lấy người khác ra làm trò cười, đặc biệt khi họ gặp khó khăn là một điều bình thường - trái với những gì các bậc cha mẹ mong muốn con mình học được, đó là cách sống chan hòa và tử tế với người khác" - Klein giải thích.
Mất bình tĩnh
Dù không dễ dàng, nhưng đừng để mình bị cuốn vào cơn thịnh nộ của bé - thay vào đó hãy "bình thản trong cơn bão". Cảm thấy yên tâm và bình tĩnh, trẻ sẽ lấy lại cảm xúc nhanh hơn và sớm ổn định tinh thần trở lại.
"Bé cần chúng ta ở bên, lắng nghe chứ không phải lên giọng giảng giải hay la mắng bé" - Klein nói.
Người lớn chúng ta chính là người có thể khiến bé thoát khỏi những cảm xúc khuấy động cao độ. Bé không thể tự làm điều đó một mình. Khi chúng ta mất bình tĩnh, bé sẽ càng khó chịu hơn và thêm vào đó cảm thấy sợ hãi và xấu hổ về bản thân mình. Hãy cố gắng tìm ra cách tự thuyết phục bản thân dằn xuống khi bạn cảm thấy mình bắt đầu mất kiểm soát. Klein gợi ý bạn có thể tự nhủ những điều như "Con không cáu như thế mãi được đâu" hoặc "Con vẫn còn rất bé mà".
Để bụng
Bé không hành động ngang bướng như vậy để làm bạn phiền lòng đâu. "Bạn nên lùi lại, hít thở sâu, và hãy nhớ rằng đứa trẻ đang la hét giãy giụa kia thực ra còn quá bé bỏng, vẫn đang phải cố gắng tìm hiểu cuộc sống xung quanh và đôi khi không thể kiểm soát được cảm xúc của mình" - Klein nói. "Không phải vì chúng ta. Mà là vì bé cảm thấy quá khó chịu và không biết làm thế nào để xử lý điều đó. Khi các bậc cha mẹ để bụng hành động của con trẻ, các bé sẽ có xu hướng khó chịu hơn và tình hình sẽ càng thêm tồi tệ.
Đừng cố gắng giải thích khi bé đang cáu giận.
Bỏ đi
"Điều này có thể là hành động đáng sợ nhất với bé khi bé đang cáu giận" - Klein lưu ý.
"Nếu bạn nói với đứa con đang quấy khóc của mình rằng bạn đi đây, bé sẽ rất hoảng sợ. Việc làm này cho thấy bé không được thương yêu khi bé cảm thấy đau khổ buồn bực. Đó là cảm giác bị bỏ rơi trong khi bé lại rất cần biết bố mẹ sẽ yêu thương mình dù thế nào đi nữa." Khi bé cảm thấy khó chịu, bé vẫn cần cha mẹ mình bởi đang trong tâm trạng cảm xúc đẩy lên cao độ đã là một điều rất đáng sợ với bé và bé cần cảm thấy yên tâm là bé không chỉ có một mình.
Lưu ý: Nếu quá mệt mỏi, bạn cũng nên nghỉ ngơi một chút. Klein khuyên bạn nên quay đi, nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu và nhắc nhở bản thân mình rằng đứa trẻ rất bé bỏng này không phải lúc nào cũng vậy. Hãy làm tất cả những gì có thể để tự cân bằng lại và sẵn sàng bên bé
"Mua chuộc" bé
Chắc hẳn tất cả chúng ta đều đã làm như thế. Khi bé bắt đầu quấy khóc trong nhà hàng, chúng ta sẽ cho bé một cái kẹo hoặc đưa cho bé cái iPhone để nghịch (dù có thể cảm thấy áy náy vì điều đó). Điều này có thể chấp nhận được, miễn là đây không phải quy tắc dạy con của bạn. "Nếu bạn trong hoàn cảnh cấp bách cần chuyển sự tập trung của bé sang hướng khác hoặc "mua chuộc" bé, cứ làm thế đi" - Klein nói. "Trong một số thời điểm "khó nhằn", nó có thể hiệu quả, nhưng sẽ không hiệu quả nếu bạn cứ dùng nó mãi. Chỉ sử dụng trong những giây phút cực kỳ ngặt nghèo mà bạn cần giải pháp ngay nhưng đừng sử dụng như một giải pháp thường trực." Chắc chắn bạn không muốn tạo tiền lệ cho con bạn là mỗi khi bé quấy, bé sẽ nhận được một que kem.
Cố gắng giảng giải cho bé
Vô ích thôi, vì bé không muốn nghe hay là cư xử hợp lý tại thời điểm đó. "Khi cảm xúc lấn át, khả năng suy nghĩ sẽ mất hết" - Klein giải thích. "Đừng cố nói át đi hay thuyết phục bé bất cứ điều gì khi bé đang cáu giận. Thay vào đó, hãy sử dụng vài từ ngữ đơn giản thôi như: "Mẹ ở đây rồi. Con đang buồn đúng không". Cố gắng vỗ về, mua chuộc, cầu xin bé chỉ làm tình hình tồi tệ thêm và khiến bé càng khó chịu.
(Nguồn: Cafemom)
Theo Hương Giang / Trí Thức Trẻ