Giáo dục trẻ tự kỷ là một vấn đề nóng trong những năm gần đây. Phụ huynh lo lắng khi thấy những dấu hiệu khác lạ ở con. Giáo viên nhiều trường mầm non, tiểu học thì than phiền việc quản lý, giảng dạy các em mắc hội chứng tự kỷ rất khó. Những đấu tranh tâm lý nên hay không nên để con học hòa nhập vẫn là một câu hỏi khó đối với các phụ huynh có con tự kỷ.
Cha mẹ luôn mong con được đến trường, hòa nhập với bạn bè
Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ
Cô giáo Bùi Thị Thu Hiền, một giáo viên gắn bó nhiều năm với trẻ tự kỷ cho biết: "Các trường mầm non tư thục bây giờ, trừ những em tự kỷ rất nặng học chuyên biệt, đa số các em ở mức nhẹ được học hòa nhập. Một ngày đến trường, phụ huynh có nhu cầu thì sẽ có giáo viên đến dạy 1 ca, trong khoảng thời gian nhất định, theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh".
Trước đây, cô Hiền cũng từng dạy trong một số trung tâm tự kỷ. Bây giờ đã tách ra dạy riêng tại nhà qua sự liên hệ của các phụ huynh. Cô chia sẻ, dạy các em tự kỷ rất khó, cần sự quan tâm và cả sự kiên trì. "Thường tôi chỉ dám nhận một trẻ/1 ca để dễ bề quản lý và hướng dẫn em học tập". Chị Nhung, một phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ cũng nhận định: "Trước kia tôi cứ nghĩ việc cho con theo học hòa nhập là không thể. Tôi đã từng phải ngược xuôi tìm kiếm rất nhiều trường cho con học. Trường công hay trường tư cũng đã từng gửi gắm. Tuy nhiên, cách học với một số giáo viên tại nhà theo hướng 1 giáo viên kèm 1 học sinh thì sẽ phát triển tốt hơn. Khi cảm thấy con đủ sức để học hòa nhập, tôi cũng đã gửi con đến trường. Ngoài ra cũng nhờ cô giáo chuyên biệt kèm cặp thêm. Cách học này giúp cho con sớm được hòa nhập".
Theo chia sẻ của một số giáo viên, dạy trẻ tự kỷ khó gấp nhiều lần so với dạy một trẻ em bình thường khác. Trong câu chuyện giảng dạy với trẻ tự kỷ cũng có rất nhiều thứ đáng suy ngẫm. Không chỉ có học sinh tự kỷ bị bàn tán, mà đôi khi những giáo viên đi dạy trẻ tự kỷ cũng gặp phải định kiến. Lí do còn có những người nhận thức chưa được đầy đủ về tự kỷ. Nhiều người đánh đồng tự kỷ với rối loạn thần kinh, cảm xúc, chậm phát triển trí tuệ hay do cha mẹ gây nên. Hoặc nghĩ rằng tự kỷ là do cha mẹ không yêu thương... Tuy nhiên đó là những quan điểm khá sai lầm. Tự kỷ nên được hiểu là những khiếm khuyết về giao tiếp, hành vi xã hội.
Nhận biết đúng và can thiệp sớm
Ở Việt Nam, tự kỷ được biết tới một cách phổ biến từ những năm 2000. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường được chẩn đoán muộn tầm từ 3 đến 4 tuổi, hoặc có thể muộn hơn ở những vùng nông thôn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ tự kỷ có thể được phát hiện sớm từ lúc 12 tháng tuổi. Việc tối quan trọng là cần trang bị cho cha mẹ và những giáo viên mầm non những kiến thức về phát hiện sớm trẻ tự kỷ nhằm giúp giới thiệu sớm những trẻ em này tới chương trình can thiệp sớm nhất khi có thể.
Giáo viên mầm non và phụ huynh luôn có những thông tin rất tốt về trẻ. Chính vì vậy, những kiến thức đúng về các dấu hiệu của tự kỷ sẽ giúp phát hiện sớm ra các trẻ em cần sự giúp đỡ. Những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng can thiệp sớm có khả năng thay đổi chức năng não bộ. Điều ấy nghĩa là nếu trẻ được tham gia vào chương trình can thiệp sớm thì trẻ có nhiều cơ hội cải thiện các kỹ năng của mình hơn.
Thạc sĩ Nha Trang, người sáng lập dự án "Phát hiện sớm trẻ tự kỷ" khẳng định: "Thực trạng trẻ tự kỷ đang tăng nhanh trong khi việc phát hiện sớm và hỗ trợ trong cộng đồng còn hạn chế. Phát hiện sớm trẻ tự kỷ đơn giản, không tốn kém cho phụ huynh và nhà trường. Hơn hết, làm tăng khả năng được hỗ trợ sớm của trẻ em, giúp các em được can thiệp sớm nhất khi có thể". Như vậy, công việc tưởng như bình thường này lại có một vai trò tối quan trọng với những trẻ em rối loạn phổ tự kỷ. Nhà trường và phụ huynh từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển tư duy cho từng con em mình, giúp cho các em có thể hòa nhập với xã hội.
Hiện nay, có rất nhiều tài liệu liên quan đến tự kỷ như sổ tay hướng dẫn, danh bạ trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, một số trường nhận giảng dạy học sinh tự kỷ... Những thông tin này vô cùng quý báu với các phụ huynh ở vùng xa bởi họ không có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nguồn thông tin trên mạng internet.
Ở Việt Nam, tự kỷ được biết tới một cách phổ biến từ những năm 2000. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường được chẩn đoán muộn tầm từ 3 đến 4 tuổi, hoặc có thể muộn hơn ở những vùng nông thôn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ tự kỷ có thể được phát hiện sớm từ lúc 12 tháng tuổi. Việc tối quan trọng là cần trang bị cho cha mẹ và những giáo viên mầm non những kiến thức về phát hiện sớm trẻ tự kỷ nhằm giúp giới thiệu sớm những trẻ em này tới chương trình can thiệp sớm nhất khi có thể.
Theo Giadinh.net