Tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ, đặc biệt là vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1 đã kéo dài từ rất lâu. Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã trao đổi một số thông tin xoay quanh vấn đề này.
Người Hà Nội xếp hàng từ 3 giờ sáng để chờ tiêm vắc-xin dịch vụ.
* PV: Tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ đã kéo dài từ năm 2014 sang năm 2015, ông có thể giải thích lý do?
- Ông Nguyễn Tất Đạt: Vừa qua, Cục Quản lý dược có nhận được thông tin từ nhà sản xuất, rằng vắc-xin 6 trong 1 phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do Hib có thay đổi về cơ sở sản xuất nên số lượng và thời gian vắc-xin nhập khẩu về Việt Nam sẽ thay đổi so với kế hoạch.
Nhiều ý kiến cho rằng "Cục hạn chế các công ty được cấp số đăng ký (SĐK) nhập khẩu vắc-xin dịch vụ" là chưa chính xác. Bất kỳ bộ hồ sơ đề nghị cấp SĐK lưu hành tại Việt Nam đều được Bộ Y tế tiếp nhận, thẩm định và cấp SĐK nếu đạt yêu cầu về kỹ thuật. Theo quy định hiện hành, bất kỳ công ty nào đủ điều kiện kinh doanh vắc-xin đều được nhập khẩu vắc-xin có SĐK mà không cần giấy phép của Bộ Y tế.
Cho đến thời điểm này, có 56 vắc-xin có SĐK còn hiệu lực. Bên cạnh các vắc-xin đã có SĐK, để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng ngừa các bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân như thủy đậu, Cục đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH TM và DP Sang nhập khẩu 300.000 liều vắc-xin Varivax và Công ty TNHH Vắc-xin và sinh phẩm y tế số 1 nhập khẩu gần 20.000 liều vắc-xin Varicella.
Thực tế, tại Việt Nam các vắc-xin có khả năng phòng bệnh tương tự như các vắc-xin trên vẫn đang được tiêm miễn phí cho trẻ trên toàn quốc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) quốc gia. Tất cả vắc-xin trong CT đều được giám sát nghiêm ngặt về chất lượng, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn.
* Phải chăng tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ là do thiếu chiến lược lâu dài?
- Chiến lược lâu dài của ngành y tế, của Chính phủ là các vắc-xin trong CTTCMR quốc gia bao phủ được tối đa các bệnh nguy hiểm có thể phòng tránh được bằng vắc-xin ở trẻ em. Bộ Y tế vẫn tích cực làm đầu mối đề xuất Chính phủ đưa thêm vắc-xin vào CT. Năm 2015 sẽ thêm vắc-xin phòng bệnh rubella (dưới hình thức vắc-xin phối hợp sởi - rubella). Bộ Y tế cũng đang đề xuất thêm vắc-xin phòng bệnh do rota virus, vắc-xin phòng bệnh do phế cầu.
Còn vắc-xin tiêm dịch vụ thì được điều tiết do thị trường. Cục Quản lý dược chỉ là cơ quan cấp phép chứ không có quyền bắt buộc các công ty phải nhập khẩu vắc-xin dịch vụ. Vấn đề khó ở chỗ, vắc-xin là một loại sinh phẩm, nói nôm na là một chế phẩm sống, không thể để lâu, không chế biến lại được.
Vì vậy, chỉ khi các cơ sở tiêm vắc-xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng các hãng dược nước ngoài, và dĩ nhiên, lúc đó, các hãng mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc-xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng ba tháng, khiến xảy ra hiện tượng khan hiếm cục bộ.
* Một nghịch lý: vắc-xin dịch vụ khan hiếm trong khi vắc-xin trong CTTCMR quốc gia đầy đủ nhưng người dân vẫn chấp nhận chờ đợi vắc-xin dịch vụ. Vì sao?
- Người dân không đưa con đi tiêm chủng vì nhiều lý do như sợ phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ, sợ trẻ ốm mà không đưa đi tiêm (mặc dù trẻ không thuộc diện hoãn tiêm); trẻ bị mắc các bệnh khác như sốt, ho, viêm phổi... do không được phòng bệnh đúng cách (như giữ ấm cho trẻ khi đi lại, cách ly với trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm...) dẫn đến mất cơ hội tiêm vắc-xin phòng bệnh. Song, cha mẹ lại không cho trẻ tiêm bù lại ngay, dẫn đến trẻ bị trì hoãn tiêm qua nhiều tháng, đây là khoảng trống thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Hiện các công ty sản xuất vắc-xin của Việt Nam đã sản xuất và cung ứng được 10/12 loại vắc-xin trong CTTCMR. Không có nhiều quốc gia tại khu vực hay các quốc gia có điều kiện tương đương Việt Nam có thể chủ động được vắc-xin như vậy. Mục tiêu về khoa học và công nghệ của CT là chủ động hoàn toàn được công nghệ tạo chủng và bộ chủng giống vắc-xin để có thể sản xuất với quy mô công nghiệp phục vụ CTTCMR, sản xuất khi có dịch bệnh.
Bên cạnh đó, CTTCMR cũng đặt mục tiêu làm chủ các công nghệ sản xuất vắc-xin ở quy mô công nghiệp, thương mại hóa được bảy dạng vắc-xin với các công nghệ tiên tiến như vắc-xin đa giá, Hib cộng hợp và bại liệt bất hoạt, vắc-xin rota, vắc-xin viêm gan A trên tế bào lưỡng bội, vắc-xin dại trên tế bào vero, vắc-xin thương hàn vi cộng hợp.
* Xin cảm ơn ông.
BẢO THOA thực hiện
Bộ Y tế cho biết, trong năm 2015, các nhà cung cấp vắc-xin mới cam kết cung ứng 530.000 liều vắc-xin 6 trong 1 và 5 trong 1. Số này sẽ tiêm đủ cho trên 170.000 trẻ. So với nhu cầu thực tế, số lượng vắc-xin dịch vụ cung ứng quá thấp.
Việt Nam đang triển khai dự án với kinh phí hàng chục tỷ đồng để sản xuất những vắc-xin mới. Dự kiến, năm 2018 Việt Nam sẽ phối hợp với nhà sản xuất vắc-xin quốc tế trong chương trình này để bắt đầu giai đoạn thử nghiệm vắc-xin phối hợp.
Theo PNO