Tập cho bé ăn cơm quá sớm hay quá muộn; đánh cơm thật nát rồi chan canh cho bé tập ăn cơm... là những sai lầm mẹ nên tránh.
Không nên tập cho bé ăn cơm quá sớm
Gần đây, có nhiều mẹ thích cho con ăn kiểu Nhật. Các mẹ Việt học tập kinh nghiệm các mẹ Nhật tập cho con ăn cơm từ khi khoảng một tuổi.
Về điều này nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, việc cho bé ăn cơm từ khi bé mới 1 tuổi là quá sớm và cũng không tốt. Lúc 1 tuổi, bé mới có khoảng 6-8 cái răng, có phản xạ nhai tốt nhưng chưa thể nhai cơm và thức ăn nhỏ được tốt. Trong khi ăn cơm thì phải nhai thật kỹ, bé mới tiết nhiều nước bọt giúp tiêu hóa cơm được tốt nhất.
Không nên tập cho bé ăn cơm muộn
Trái ngược với quan điểm cho ăn cơm sớm, nhiều mẹ lại mắc sai lầm là cho con ăn cháo quá lâu, dẫn tới việc tập cho bé ăn cơm quá muộn. Bé 3 tuổi mà vẫn còn ăn cháo, chưa cho ăn cơm là quá muộn.
Bé ăn cháo lâu dẫn tới lười ăn, chán ăn, còi cọc. Chưa kể, đợi tới 3 tuổi mới tập cho bé ăn cơm khiến quai hàm của bé ít được vận động, khiến xương quai hàm kém phát triển, dẫn tới tình trạng răng mọc lệch.
Thời điểm lý tưởng tập cho bé ăn cơm: Là khi bé khoảng 2 tuổi, đã mọc được nhiều răng. Mẹ hãy tập cho bé từ từ, cháo sang cơm nát rồi cơm dẻo, trước khi cho bé ăn cơm như người lớn.
Không tán cơm thật nhuyễn rồi chan canh cho bé ăn
Khi bé mới tập ăn cơm, cử động nhai là rất quan trọng vì nhai kỹ, nhai nhiều giúp bé tiết nước bọt nhiều, khiến việc tiêu hóa thuận lợi. Tán cơm nhuyễn rồi chan canh làm bé lười nhai, sẽ nuốt luôn. Như thế sẽ làm bé lười nhai và lười ăn hơn.
Không dùng món khác thay thế khi bé chán cơm
Nếu bé chán cơm, mẹ không vì thế mà tìm món khác thay thế như mỳ, bún, phở... Thay vào đó, mẹ nên kiên trì dỗ bé ăn cơm. Ngoài các bữa chính, mẹ cần cho bé ăn các bữa phụ trong ngày để bé đủ dinh dưỡng.
Phương Thảo (tổng hợp)(mevabe.net)