Không phải ai cũng có điều kiện để nhờ cậy ông, bà hay thuê người giúp việc lâu dài cho đến khi trẻ đủ 3 tuổi, tuổi đi mẫu giáo. Do đó nhiều người đã phải gửi con vào các nhà trẻ tư thục. Tìm kiếm một nơi gửi trẻ "tử tế" là một nhu cầu thực sự bức thiết hiện nay. Và chính cái tử tế hay không tử tế ấy, thường là yếu tố bị động hơn là chủ động, đang là một nỗi ám ảnh thực sự đối với các bậc phụ huynh trong giai đoạn này.
Một trẻ đi gửi, cả nhà lo!
Chị bạn tôi có con tới tuổi đi học mẫu giáo. Chị đã xin được cho con vào một trường mẫu giáo công lập có tiếng của quận. Chị tâm sự rằng, cả nhà thở phào bởi con nhà mình rốt cuộc đã trải qua giai đoạn ấy. "Giai đoạn ấy" chính là giai đoạn gửi trẻ tư thục, chị giải thích. Thôi thì tiền học là một nhẽ. Vào được trường tốt của quận nhưng "may" chưa phải là lớp "chất lượng cao", học phí so với hồi học tư thục giảm một nửa đã đành. Đi học thì cũng xa hơn một chút. Nhưng quan trọng nhất, đó là giải tỏa được "quả bom sợ hãi" lúc nào cũng lơ lửng, ám ảnh bởi những gì mắt thấy, tai nghe đang xảy ra xung quanh câu chuyện "nhà trẻ tư thục".
Được giáo dục, được chơi là quyền của trẻ.
Cố gắng níu kéo mãi, không, phải nói là "chiều chuộng" mới đúng, rồi thì cô người giúp việc cũng... "ra đi" khi con chị vừa đủ 18 tháng. 18 tháng, chị gửi con vào nhà trẻ tư thục gần nhà. Chị bảo như thế vẫn còn là may mắn, bởi nhiều nhà phải gửi con từ tháng thứ 7, thứ 8... Các lớp nhà trẻ ở các trường công lập không đủ - mỗi trường thường chỉ có một lớp, không phải ai cũng xin vào được - nên việc tìm đến các trường tư thục gần nhà trong trường hợp này là phương án duy nhất.
Công bằng mà nói, với cách phân bổ và điều kiện sống, sinh hoạt và làm việc như hiện nay, việc ra đời các nhà nhóm nhà trẻ, nhà trẻ tư thục đã giải quyết khó khăn cho nhiều gia đình, có công nhiều hơn là tội. Và cũng công bằng mà nói, không phải cứ gửi trẻ tư thục là bị xâm phạm hay bạo hành cả. Có điều, có những câu chuyện mà chỉ có những người đã trải qua mới thực sự cảm nhận được mà thôi.
Bắt đầu học nói, học bắt chước, con nhà chị ở lớp về có nhiều sự lạ. Mẹ dạy chị học, chị làm bài không được, khóc. Em chạy đến, vỗ đánh thụp vào lưng chị rồi chỉ vào mặt quát: Nín! Có ai ở nhà bày cho bé thế đâu? Trường có một giá để treo khăn lau và cốc uống nước cho lớp lớn, bạ đâu treo đấy, dùng chung loạn xạ. Hôm trước đưa con đến lớp mà thấy có bạn hắt hơi, thò lò mũi là y rằng hôm sau đến lượt con nhà mình. Bảo rằng các cô chẳng chăm lo gì thì không đúng, nhưng mà một lớp gần 30 cháu, tiếng rằng 2 nhưng thực ra chỉ 1 cô thường xuyên, chăm không xuể. Chỉ cần một bạn hôm ấy khó ở, là các bạn còn lại "tùy nghi di tản", lắm hôm đến đón con nhà mình ở lớp này thì lại ra lớp khác.
Gọi là nuôi và dạy, nhưng thực chất chỉ trông giữ là chính. Con gần 3 tuổi mà về nhà hỏi màu sắc gì cũng nói sai, hình thù gì cũng không biết. Thi thoảng có việc quên đồ hay mang thêm cho con cái áo, cái quần giữa giờ, chị hay gặp trong lớp một cô tên là Thao, cũng ở lớp trông các cháu, cũng mặc đồng phục như ai. Nhưng đầu giờ đưa con đến lớp và cuối giờ đón con không bao giờ gặp. Hỏi con tại sao, con bé ngắc nga ngắc ngứ mãi (đang tập nói mà) chị mới hiểu, rằng cô Thao còn phải quét dọn, nấu nướng ở nhà bà hiệu trưởng trước đã rồi mới đến lớp. Chiều còn phải về đi chợ, nấu cơm cho nhà bà hiệu trưởng rồi tối mới đến ngủ trông lớp, nên mẹ đến mới không gặp...
Lo ngay ngáy
Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, hiện nhóm trẻ ngoài công lập trên địa bàn thành phố có khoảng 1.600 cơ sở. Hầu hết đây là những cơ sở chưa đủ điều kiện thành lập trường và mỗi năm con số này tăng khoảng 200 cơ sở, tập trung tại các khu công nghiệp lớn, dân cư tăng cơ học, chưa có trường lớn đáp ứng nhu cầu gửi gắm, học tập của trẻ.
Một thống kê khác cho thấy hiện các cơ sở mầm non ngoài công lập tại TP HCM đang nuôi giữ khoảng 115.300 trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, chiếm 48% số trẻ học mầm non. Tương tự tại Bình Dương là 80% và Đồng Nai là 47,7%. Những con số này phản ánh rõ thực tế nhu cầu gửi trẻ rất lớn trong khi giáo dục công lập lại không đáp ứng được.
Và có một thực tế rằng hầu hết những vụ việc đau lòng xảy ra thời gian qua, đều nằm trong nhóm nhà trẻ tư thục. Chỉ cần gõ câu "Vụ việc nhà trẻ tư thục", trang tìm kiếm đã cho ngay lập tức hơn 500 nghìn kết quả liên quan đến các vụ bạo hành, tai nạn, trẻ tử vong khi đi nhà trẻ thuộc loại hình tư thục này. Con nhà mình ở nhà thì như vàng như ngọc, nào ai nghĩ đâu đến nhà trẻ lại gặp phải những "bảo mẫu" Quản Thị Kim Hoa hay Lê Thị Đông Phương cùng Nguyễn Lê Thiên Lý? Những cái tên từng gây khiếp đảm cho các bậc phụ huynh đang và sắp có con đến tuổi đi nhà trẻ mà không ai dám chắc rằng sẽ không có thêm những cái tên khác nữa nếu không chấm dứt được tình trạng thiếu kiểm soát như hiện nay.
Rất nhiều trường hợp khi có sự việc đau lòng xảy ra hoặc bị phanh phui, người ta mới ngã ngửa ra rằng nơi mình vẫn gửi gắm những "cục cưng, cục vàng" của mình hàng ngày lại là địa chỉ đang hoạt động không phép, nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Con cái họ đang được giao vào tay những người không có chuyên môn với trình độ, đạo đức chỉ có... trời mới biết!
Nhiều người còn chưa quên ca tử vong đau lòng xảy đến với trường hợp cháu Trần Nhật Hương 1 tuổi, tại trường mầm non có cái tên rất mĩ miều là Thiên Thần Nhỏ cách đây ít lâu. Theo kết luận của Viện Pháp y quốc gia - Bộ Y tế, nguyên nhân gây ra cái chết của cháu Hương là do ngạt dị vật đường thở. Dị vật trong đường thở tìm thấy là tinh bột và sợi Cellulose, vốn là thành phần chính trong cấu trúc tế bào thực vật có trong rau quả hoặc các loại cây thân mộc.
Nhiều chuyên gia cho rằng trẻ ăn uống, sặc cơm sặc cháo là chuyện thường xảy ra, và chỉ cần có hiểu biết một chút là có thể xử lý được hoặc ít nhất cũng là sơ cứu được cho bé chờ đưa đến cơ sở y tế. Sự việc xảy ra đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác kiểm tra, thẩm định đảm bảo chuyên môn đối với đội ngũ giáo viên mầm non tại các cơ sở ngoài công lập bởi trên thực tế, vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm Trường mầm non Thiên Thần Nhỏ mới chỉ hoạt động chưa đầy một tháng, còn chưa kịp có giấy phép hoạt động chính thức. Sau vụ việc xảy đến với bé Hương, trường đã nộp đơn xin... giải thể!
Không chỉ những mối hiểm họa chủ quan đến từ năng lực và trình độ của các nhóm trẻ, trường tư thục mà thực tế, với tình trạng buông lỏng quản lý như đang diễn ra, không ít những mối đe dọa đến từ những yếu tố khách quan khác không ai ngờ. Đó là trường hợp của bé Cao Thị Mỹ Trâm, tại ấp 6, Tiến Hưng, Đồng Xoài, Bình Phước. Đến giờ phụ huynh đón con, bảo vệ ra mở cổng. Thấy người lớn đến và các bé chạy tíu tít ra ngoài nên bé Trâm cũng chạy ra theo. Ngờ đâu, khi bé Trâm vừa chạy ra tới cổng thì bất ngờ cánh cổng đổ sập xuống đè lên đầu bé khiến nạn nhân bị nứt sọ, tử vong ngay sau đó.
Hay như trường hợp xảy ra mới hồi tháng 4 vừa qua tại một trường mầm non trên phố Trung Liệt, Hà Nội. Trong khi cô và các bé đang lên lớp thì bất ngờ chủ nhà khóa trái cửa trường, nhốt cả cô và trò trong trường "nội bất xuất, ngoại bất nhập" khiến mọi người một phen khiếp vía... Mâu thuẫn về lợi ích giữa người đứng đầu cơ sở mầm non tư thục với người cho thuê nhà đã chuyển thành nỗi sợ hãi của cả cô lẫn trò, và cả phụ huynh. Cơ sở vật chất không đảm bảo. Đội ngũ thiếu cả về trình độ lẫn tư cách là bức tranh chung của bộ phận cơ sở giáo dục nhóm trẻ ngoài công lập hiện nay.
Loay hoay mầm non công - tư
Trong những tồn tại được nêu ra tại hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia về việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục mầm non của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nội dung nhấn mạnh nhằm vào các chế độ chính sách dành cho giáo viên và những khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng.
Theo bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, thiếu giáo viên mầm non hiện là vấn đề nóng hổi của hầu hết các tỉnh, thành phố hiện nay. Theo kế hoạch năm 2015, phổ cập mầm non 5 tuổi thì cả nước cần thêm 35.952 giáo viên mầm non. Bà Hồng cho biết hiện mới tuyển thêm được hơn 13 nghìn giáo viên. Như vậy cả nước còn thiếu hơn 20 nghìn giáo viên mầm non nữa. Đấy là còn chưa tính đến yếu tố vùng sâu vùng xa, với yêu cầu khắt khe hơn là giáo viên mầm non biết tiếng dân tộc.
Có một điều thấy rõ là đối với bậc giáo dục mầm non hiện nay, chỉ ngân sách nhà nước thôi không kham nổi. Nhưng việc xã hội hóa như thế nào để vừa đảm bảo quyền lợi cho người kinh doanh, vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, chất lượng dạy và học cho trẻ là một bài toán vẫn đang đi tìm lời giải. Thống kê cho hay cả nước mới chỉ có 21,2% trẻ dưới 3 tuổi được đến nhà trẻ trong hệ thống. Việc trông trẻ đang được phó mặc cho người dân, những người có nhu cầu.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu rất nhiều vấn đề về chuẩn hóa giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện chương trình mới nhưng tất cả chỉ liên quan đến các cơ sở giáo dục tư thục, nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân thì không thấy nhắc đến?
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ở ta rõ ràng Nhà nước không thể lo nổi, nhưng lại không có cách nào giúp cho các cơ sở giáo dục tư nhân, những nhóm trẻ gia đình, những người trực tiếp trông nom trẻ trong gia đình được trau dồi, trang bị những hiểu biết, có kỹ năng và trách nhiệm với trẻ?
Một vấn đề mà ngay cả đối với các trường công cũng chưa hoàn toàn đáp ứng chứ chưa nói đến các trường mầm non tư thục hay các nhóm nhà trẻ trong cộng đồng dân cư. Đó là giáo dục mầm non phải có hai khâu: nuôi và dạy. Ngay cả đối với các trường trong hệ thống công lập, có bài bản thì cũng không phải cơ sở nào cũng đáp ứng được, ngoại trừ các trường điểm trong quận. Trong hệ thống ngoài công lập, hầu hết chỉ những trường quốc tế mới đạt yếu tố này. Đối với hầu hết các trường tư thục, nhóm nhà trẻ hiện nay, chức năng chính vẫn chỉ là trông giữ. Đến giáo viên, cô nuôi đúng nghĩa còn thiếu, nói gì đến chuyện dạy?
Theo "CAND.com.vn"