Trứng luộc phải ăn lúc nóng, lòng đỏ tốt hơn lòng trắng là quan niệm sai lầm của rất nhiều chị em.
Trứng không chỉ là món ăn rất tốt cho trẻ mà thậm chí, hiếm em bé nào lại có thể từ chối trứng vì sự hấp dẫn của nó. Trứng dễ nấu, nhanh chín, mềm và rất thơm ngon luôn là món ăn được nhiều bà mẹ ưa chuộng để chế biến cho con.
Tuy nhiên, cách lựa chọn trứng, nấu trứng thế nào và ăn ra sao để có thể tận dụng được hết nguồn dinh dưỡng dồi dào có trong loại thực phẩm độc đáo này thì không phải ai cũng biết. Thậm chí, nhiều chị em còn mắc những sai lầm khá "ngớ ngẩn" khi cho trẻ ăn trứng.
Luộc trứng xong cho con ăn luôn khi còn nóng?
Luộc trứng xong đã vội vàng bóc cho con ăn ngay là cách làm sai lầm (ảnh minh hoạ)
Luộc trứng có lẽ là cách cơ bản nhất để chế biến trứng và tưởng như bất cứ bà mẹ nào cũng biết cách làm. Vậy nhưng không phải ai cũng làm đúng.
Nhiều chị em thắc mắc tại sao khi luộc trứng xong, lúc bóc trứng cho con ăn, trứng lại có màu xám xanh và mùi tanh nhẹ và lo lắng trứng bị hỏng, không an toàn với trẻ. Sự thật trứng đã bị như vậy là do cách luộc của mẹ "có vấn đề".
Theo các đầu bếp hàng đầu thế giới, qui trình để luộc một quả trứng "đúng chuẩn" và an toàn là: Cho trứng vào nồi, đổ nước lạnh cao 3cm và bật bếp luộc với lửa to. Khi nước sôi già, đậy nắp nồi và nhanh chóng tắt bếp, ủ thêm 15 phút nữa.
Chưa xong, điều quan trọng nhất: Mẹ đừng nên vội vàng lấy trừng ra bóc cho con ăn ngay. Thay vào đó, hãy ngâm trứng trong nước lạnh ít nhất 10 phút. Việc làm mát trứng luộc sẽ giúp ngăn chặn sulfur sắt hình thành và khiến lòng đỏ trứng có màu kỳ lạ cũng như khiến cơ thể bé khó hấp thụ.
Ăn 20 gram (chưa tới 1 lạng) thịt heo đã bằng một quả trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn có thực sự "đại bổ" cho trẻ? (ảnh minh hoạ)
Trứng vịt lộn là món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam từng xuất hiện trên rất nhiều tờ báo nước ngoài. Từ xưa, các bà các mẹ đã có quan niệm cho rằng trứng vịt lộn là món ăn bổ dưỡng, nhiều chất mà trẻ em, người ốm, phụ nữ mang thai cần đặc biệt ăn nhiều để bổ sung dinh dưỡng. Nhiều bà mẹ lạm dụng trứng vịt lộn đến mức cho con ăn tới 2,3 quả một ngày mà không biết rằng việc làm này "lợi bất cập hại".
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa (Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Nhi đồng 1) cho trẻ ăn 3-4 quả trứng vịt lộn một lúc là đưa quá nhiều đạm vào cơ thể, làm trẻ bị ngán và vốn đã biếng ăn sẽ lại càng biếng ăn, thậm chí ăn nhiều còn có thể gây tăng lượng cholesterol xấu trong máu. "Trong bữa chính ăn 20g thịt heo đã bằng với khoảng 1 quả trứng vịt lộn, do vậy, trẻ không cần thiết phải ăn quá nhiều trứng vịt lộn", bác sỹ Hoa cho biết.
Thậm chí, trẻ dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn do hệ tiêu hóa của các bé còn chưa phát triển hoàn thiện, dễ dẫn tới sình bụng, rối loạn tiêu hóa, rất có hại cho sức khỏe. Trẻ từ 5 tuổi trở lên nếu cho ăn trứng vịt lộn thì chỉ nên cho ăn ½ quả mỗi lần, mỗi tuần từ 1-2 lần là đủ (1/2 trứng vịt lộn tương đương 4-5 trứng cút lộn).Thời điểm tốt nhất để mẹ cho bé ăn trứng vịt lộn nên là vào bữa sáng, và không quá 1 quả/ngày.
Trứng nấu cà chua có độc?
Chỉ cần 1-2 quả trứng gà đánh bông lên cho tan lẫn lòng đỏ và lòng trắng. Dùng 1-2 quả cà chua chín đỏ, cắt nhỏ, bỏ hạt đem nấu chín với nước. Sau đó từ từ vừa quấy nhẹ nồi canh đã sôi vừa đổ bát trứng vào, quấy đều. Thế là mẹ đã có được một nồi canh cực thơm ngon cho bé. Món canh trứng cà chua khoái khẩu của nhiều em bé ngày nay lại bị ngăn cấm vì những lời đồn "trứng không nên nấu với chà chua?". Đây sẽ là lời giải đáp cho những lo lắng của mẹ:
Trứng gà chứa nhiều Lysin, là một trong 8 acid amin đặc biệt cần thiết cho cơ thể. Trong 100g trứng gà có chứa 1.070mg Lysin, nhiều gấp 9 lần so với sữa mẹ. Lòng đỏ trứng, ngoài giá trị dinh dưỡng còn có tác dụng như chất đề kháng chống lại bệnh tật. Cà chua lại rất giàu vitamin A tự nhiên rất tốt cho sự phát triển của mắt trẻ.
Trứng và cà chua khi kết hợp sẽ thành món canh rất ngon và bổ dưỡng cho bé, vừa dễ ăn lại dễ tiêu. Những thông tin nói hai loại thực phẩm này khi kết hợp có thể gây độc là thiếu cơ sở khoa học và không có giá trị.
Trứng càng to càng bổ?
Trẻ phải ăn cả chục quả trứng chim cút mới đủ chất bằng một quả trứng gà? (ảnh minh hoạ)
Hiện nay ở chợ và các siêu thị, trứng được bày bán rất phổ biến và phong phú, từ trừng gà, trứng vịt cho đến trứng chim cút, trứng ngỗng, trứng đà điểu...Tuy nhiên nhiều bà mẹ lại có quan điểm cho rằng trừng càng to càng bổ dưỡng, trứng đà điều giàu dinh dưỡng còn trứng cút thì...ăn bao nhiêu cho đủ chất.
Thực ra, nếu được biết về hàm lượng dinh dưỡng thực có trong mỗi loại trứng, hẳn nhiều chị em sẽ "ngã ngửa".
Theo bảng số liệu, giá trị dinh dưỡng trứng ngỗng kém xa trứng gà. Trứng ngỗng có 13,5% chất protein, so với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%). Hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng cũng thua trứng gà. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (0,33mg% so với 0,70mg% trong trứng gà).
Thậm chí trứng cút, một loại trứng tưởng nhỏ nhưng lại "có võ". Trong trứng cút còn có chứa những loại amino axít, khoáng chất, vitamin nhiều tương tự như trứng gà và trứng vịt chứ không hề thấp hơn. Mặt khác, trứng cút rất thích hợp cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 6 tuổi, là đối tượng dễ có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm.
Lòng đỏ tốt hơn lòng trắng?
Nhiều chị em chỉ lọc lấy lòng đỏ cho con ăn (ảnh minh hoạ)
Nhiều chị em chỉ chăm chăm cho con ăn thật nhiều lòng đỏ còn lòng trắng bỏ đi vì quan niệm ăn lòng đỏ mới là bổ. Đây là lỗi sai rất phổ biến.
Thực tế, vì trong lòng trắng có những loại chất có thể gây dị ứng cho trẻ sơ sinh nên những em bé dưới 1 tuổi mới được khuyến cáo chỉ nên ăn lòng đỏ. Khi con đã hơn 1 tuổi, mẹ nên cho bé ăn đầy đủ cả lòng trắng và lòng đỏ bởi lượng protein có trong lòng trắng trứng chiếm tới "quá bán" 57%. Ngoài ra cấu tạo lòng trắng chủ yếu là vitamin B2 và B3, rất có tác dụng trong việc hỗ trợ hệ thần kinh và tiêu hóa của bé.
Theo H.My (khám phá)