Trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng đồng thời có ham muốn tự làm mọi việc và vừa sợ hãi khi bị tách ra khỏi cha mẹ. Công việc của bố mẹ lúc này là hướng các con vào ý thức tự lập một cách từ từ, giúp chúng có niềm tin để thử và cố gắng, trao cho chúng cảm giác an toàn khi luôn có cha mẹ ở đằng sau.
Những lời khuyên dưới đây có thể sẽ có ích rất nhiều cho bố mẹ khi dạy con tự lập:
Hãy là tấm gương về tính tự lập
Dạy con tự lập, trước hết bạn phải là một người tự lập đã vì trẻ con luôn nhìn và học theo cha mẹ của chúng.
Đừng giữ con cái khư khư bên mình. Ví như có nhiều bà mẹ luôn cố gắng ở bên con mọi lúc để "thể hiện yêu thương" hay "bảo vệ" chúng. Những đứa trẻ này khi lớn lên nhiều khả năng sẽ là một người cáu kỉnh, yếu ớt và sợ hãi tự lập. Bạn phải tìm cách vượt qua nỗi ám ảnh của mình với con cái để chúng có thể phát triển lành mạnh.
Biểu hiện quỵ lụy hay bám riết trong mối quan hệ với bạn đời hay người thân cũng tạo nên một hình mẫu xấu cho con cái. Vì cả bản thân mình và các con, bạn cần xây dựng một mối quan hệ tình cảm gần gũi nhưng không phụ thuộc vào chồng hay cha mẹ mình.
Cho các con hiểu rằng, sự tách biệt không phải là xấu. Đó là khi một người không đồng tình với ý kiến của người khác hay đơn giản là khi họ cần khoảng thời gian riêng tư, đặc biệt để tránh căng thẳng trong xung đột. Ở một mình đôi khi là điều đáng mong mỏi, đôi khi là cần thiết và hoàn toàn chấp nhận được.
Tìm cơ hội khoe với các con về những thành tựu cá nhân nho nhỏ của mình là một cách làm mẫu về sự tự cố gắng. Ví dụ, khi mở một nắp hộp quá chặt, bạn không từ bỏ hay nhờ người khác giúp mà quyết tự làm cho được. Trẻ nhỏ vốn dễ từ bỏ, với mọi việc vô hại, bạn không nên vội phê bình hay lao vào làm thay ngay mà hãy cổ vũ chúng tự làm. Khi chúng làm được, hãy giúp chúng cảm thấy giá trị của cố gắng bằng những lời khen vừa đủ. Nếu chúng làm không được, bạn nên giảng giải rằng thất bại là điều vẫn xảy ra và có thể vượt qua được bằng cách học hỏi thêm.
Ảnh minh họa.
Tạo cơ hội cho ý thức tự lập có cơ hội phát triển
Thi thoảng hãy hỏi ý kiến hay nhờ sự giúp đỡ từ bọn trẻ, để chúng có cảm giác quan điểm của chúng quan trọng với bạn. Mọi người thường sẵn lòng giúp các việc mà họ quan tâm hay quen thuộc nên hãy để các con tham gia vào các công việc trong gia đình, bắt đầu từ những việc liên quan tới cá nhân chúng như dọn bát ăn hay cất dọn đồ chơi vật dụng của chúng.
Mục đích là cho bọn trẻ biết rằng bạn tin tưởng để chúng đưa ra quyết định với đồ đạc của mình. Đừng ngại kể cả khi sau đó bạn phải làm lại hết một lượt, hình thành được ý thức trách nhiệm và niềm tin vào khả năng bản thân ở trẻ xứng đáng một chút cố gắng như vậy. Lứa tuổi bắt đầu cho những nhiệm vụ đơn giản này là từ khoảng 3 tuổi trở lên và mức độ sẽ được nâng lên theo thời gian.
Thiết lập và nới lỏng các giới hạn
Hãy thiết kế một vài khoảng thời gian riêng cho con, trong những giới hạn nhất định. Vào những khoảng thời gian như vậy, hãy để các con chọn làm việc gì và làm ở đâu. Đây là lúc các con có thể học cách tự tìm niềm vui cho bản thân. Bạn có thể thay đổi mối ác cảm của trẻ với việc ở một mình khi nói: "Đây là giờ của con, con có thể tự ngồi ghế đọc sách hay vẽ tranh trên giường". Khoảng thời gian một mình lúc này sẽ có tác dụng tích cực trong việc học và phát triển các kỹ năng cá nhân. Điều này đồng thời cũng có lợi khi bạn cần một phút nghỉ ngơi yên tĩnh mà không làm tổn thương trẻ.
Giúp các con hiểu, buồn chán là điều bình thường và con có thể tự tìm ra giải pháp. Ưu tiên hàng đầu của bạn không phải là giúp bọn trẻ bớt nhàm chán mà là mang tới một môi trường gia đình an toàn để chúng có thể khai thác hết trí tưởng tượng và tự mình tìm ra cách xua tan cơn buồn chán của mình. Nếu bạn tước đi cơ hội này, đứa trẻ sẽ mất hết khả năng tự vượt qua các cảm xúc tiêu cực và rất có thể sẽ là cơ hội phát triển các hành vi nguy hiểm.
Mở rộng các giới hạn một cách từ từ. Khi con cái lớn dần, bạn có nên mở rộng giới hạn các việc con có thể tự làm và nơi con có thể tự đến. Hãy kỳ vọng tính tự lập cao hơn và cho chúng nhiều thời gian tự do hơn. Sự tin tưởng của bạn mang lại cơ hội phát triển cho con, cho chúng sự tự tin và chúng sẽ coi sự độc lập của mình là một đặc ân chứ không phải một hình phạt.
Hãy luôn nhớ rằng bạn dạy con về tính tự lập chứ không phải lòng ích kỷ. Ai cũng cần được yêu thương, được tôn trọng, được tin tưởng và cần sự an toàn, chúng ta sẽ nhận được tất cả những điều này thông qua mối quan hệ với gia đình, người thân và bạn bè.
(Nguồn: Wikihow)
Theo Hồng Hạnh / MASK Online