Thời tiết giao mùa đang khiến trẻ em đến khám và nhập viện tăng đột biến tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội. Đa số trẻ em mắc bệnh về viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt virus, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Theo cảnh báo của bác sĩ, nhiều phụ huynh đang "tự làm bác sĩ" đã dẫn đến nguy hiểm ngay cho chính đứa con của họ khi tự mua thuốc kháng sinh cho con uống. Lạm dụng thuốc kháng sinh đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc.
Bệnh nhi phải nằm ghép 2-3 trẻ/giường
Hơn 8h sáng 24/10, ngay tại hành lang tại Khoa Khám cấp cứu nhi của Bệnh viện Xanh Pôn đã có rất đông bệnh nhi đang chờ khám. Bốn phòng khám hoạt động hết công suất nhưng bệnh nhi ngồi chờ quấy khóc vẫn vang lên trong dãy hành lang. Trên trán nhiều cháu bé được cha mẹ dán cho miếng hạ sốt, có cháu vừa tới nơi đã được bác sĩ cho thở ôxy do bị suy hô hấp. Chúng tôi bắt gặp một phụ nữ trẻ bế trên tay đứa con nhỏ đang sốt cao vừa gọi điện về nhà vừa khóc. Thấy tôi hỏi thăm, người mẹ trẻ cho biết: "Cháu mới được 1 tháng 2 ngày tuổi, bị sốt từ hôm qua. Bác sĩ bảo phải nhập viện để theo dõi vì cháu nhỏ quá". Theo lời kể của người mẹ thì mấy ngày nay cháu có biểu hiện ho, sốt, đi khám thì bác sĩ xác định cháu bị viêm phổi.
Tương tự, cũng ngồi chờ nhập viện, ông Bùi Văn Ban, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, đang bế cháu ngoại cho biết, cháu được 6 tháng tuổi, sốt 2 ngày nay mới cho vào viện khám thì bác sĩ bảo đã bị viêm phế quản cấp. "Gia đình tôi cũng chủ quan, ở nhà thấy cháu ho chỉ cho uống nước quất hấp với mật ong nhưng không khỏi. Cháu sốt cao lắm, có lúc lên tới 39,5 độ, cứ hết thuốc hạ sốt là lại sốt. Vào đây bác sĩ bảo phải nhập viện để điều trị và theo dõi" - ông Ban cho biết. Trong sáng 24/10, chúng tôi bắt gặp nhiều trẻ vài tháng đến 1 tuổi bị sốt, ho do viêm phế quản, viêm phổi đến khám và phải nhập viện. Do lượng bệnh nhi tăng đột biến khi thời tiết giao mùa tại Khoa điều trị nhi của Bệnh viện Xanh Pôn, bệnh nhi phải nằm ghép 2 cháu/giường.
Tương tự, vào đầu giờ sáng, khu vực khám bệnh của Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đông nghẹt người. Có cháu nhỏ mẹ vừa bế trên tay vừa quấy khóc, nôn trớ ra cả hành lang và khu vực khám bệnh. Mệt mỏi quá, có bé khóc ngằn ngặt khi được bác sĩ thăm khám. Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 24/10, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần một tháng nay, do thời tiết giao mùa nên bệnh nhân nhi nhập viện tăng khoảng 20% so với trước. Các cháu chủ yếu là mắc bệnh về đường hô hấp, viêm A, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, sốt virus. Nguyên nhân là do thời tiết miền Bắc đang giao mùa, có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ trong ngày, nếu cha mẹ không chú ý đề phòng cho trẻ dễ khiến trẻ nhiễm bệnh. Hiện tại, cả khoa có hơn 100 trẻ đang nằm điều trị, chủ yếu là bệnh nhi nặng do viêm phổi. Do quá tải nên các cháu phải nằm ghép 2-3 cháu/giường.
Thời tiết giao mùa, bệnh nhi chờ khám đông ở Bệnh viện Xanh Pôn.
Phụ huynh lạm dụng thuốc kháng sinh cao
Tại Khoa Điều trị nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có nhiều phụ huynh tự điều trị cho con ở nhà bằng thuốc kháng sinh, không khỏi mới tới viện thì con đã chuyển sang thể nặng phải vào nhập viện. Tại phòng 5 của khoa này, chúng tôi được một phụ huynh kể, cách đây 3 ngày, con gái 4 tuổi của chị kêu rét, sau đó sốt cao. Thấy con không ho mà lại sốt, ban đầu chị nghĩ cháu bị cảm. Chị chỉ cho con uống hạ sốt cộng với chườm khăn ấm. Nhưng cứ hết thuốc hạ sốt là cháu lại sốt cao, thường từ 39 đến 40 độ. Nghĩ rằng con bị viêm họng vì thấy cháu không chịu ăn, kêu khó nuốt, chị mua thuốc kháng sinh Vifucef 100ng về cho con uống. Tới ngày thứ 3, cháu vẫn sốt cao chị mới cho con vào viện. Sau khi khám, xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp X-quang, bác sĩ kết luận cháu bị viêm phế quản cấp và yêu cầu nhập viện. "Nếu đưa cháu đi khám ngay từ hôm đầu thì cháu không bị nặng thế này. Nhìn con giờ phải điều trị kháng sinh liều cao mà tôi xót xa quá" - vị phụ huynh bùi ngùi.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lo ngại với tình trạng "tự làm bác sĩ cho con" của nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Ông cho biết, càng ở thành phố, càng những người có tri thức thì thường lạm dụng kháng sinh cho con nhiều. Qua sách báo, qua mạng Internet, nhiều phụ huynh thấy con ốm đã tự đi mua thuốc, mà phần nhiều là hễ thấy con ốm là cho uống tạm kháng sinh. Có người còn học mót, mượn đơn thuốc của bệnh nhi khác hoặc lấy đơn cũ ra mua về cho con uống. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thì điều này rất tai hại vì mỗi người một cơ địa, một loại bệnh, không thể dùng đơn thuốc của người khác thành đơn của mình. Bằng chứng là có nhiều trường hợp trẻ khi chuyển đến viện thì đã viêm phổi, viêm tiểu phế quản chỉ vì cha mẹ nghĩ bệnh đơn giản, tự chữa ở nhà. Nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được chữa trị ngay từ đầu.
Theo bác sĩ Dũng, cùng biểu hiện ho, sốt nhưng có thể là do virus hoặc vi khuẩn, ngay cả bác sỹ với nhiều năm kinh nghiệm cũng phải dùng nhiều biện pháp thăm khám mới dám kết luận chính xác để dùng kháng sinh loại nào, liều lượng bao nhiêu... Bác sĩ Dũng cảnh báo: "Phụ huynh tuyệt đối không được tự mua kháng sinh cho con dùng. Bởi nếu sốt virus thì trong vòng 7 ngày sẽ tự khỏi, việc dùng thuốc kháng sinh là không cần thiết và khiến trẻ mệt mỏi hơn. Lạm dụng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm, nếu lạm dụng quá thì chỉ có hại cho chính các cháu bởi sẽ gây ra dị ứng thuốc và kháng kháng sinh, thời gian điều trị kéo dài".
Theo khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thì để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa thì phụ huynh nên giữ vệ sinh môi trường sống và vệ sinh cho con sạch sẽ; nhà ở, phòng ngủ thoáng khí; thay đổi quần áo phù hợp nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ về đêm cho trẻ; không nên bật quạt chĩa thẳng vào trẻ; chăm sóc chế độ dinh dưỡng tốt để trẻ nâng cao sức đề kháng phòng bệnh
Theo CAND Online