Ngày 2-10, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2013 - 2014 và triển khai kế hoạch năm học 2014 - 2015 giáo dục chuyên biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, số lượng học sinh khuyết tật tham gia học hòa nhập ngày càng tăng.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trong năm 2013 - 2014, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM (trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM) đã tổ chức chẩn đoán và đánh giá năng lực, khó khăn cho học sinh tiểu học có khó khăn trong việc học của 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ theo dự án "Bạn hữu trẻ em" do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và tổ chức UNICEF phối hợp thực hiện với tổng số gần 500 học sinh có khó khăn trong học tập được kiểm tra.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM, hoạt động hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập đã và đang có những tiến bộ tích cực, số lượng trẻ tham gia học hòa nhập ngày càng tăng, trẻ được quan tâm hơn trong môi trường học tập hòa nhập, nhận thức của phụ huynh trong việc hợp tác với nhà trường cũng có nhiều hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, do sĩ số các lớp có học sinh hòa nhập vẫn còn đông, trong khi học sinh thuộc nhiều dạng tật khác nhau, biểu hiện hành vi khác nhau, đa số không có sự chú ý, tập trung cao dẫn đến việc chất lượng giáo dục hòa nhập chưa đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, các trường cũng chú trọng việc dạy kỹ năng sinh hoạt xã hội, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động hàng ngày, tạo môi trường cho học sinh được thực hành, tham quan ngoại khóa, tổ chức tiết học ngoài trời, kết hợp giáo dục và chăm sóc, chú trọng tích hợp giáo dục dinh dưỡng, kỹ năng tự phục vụ...
Về hướng nghiệp, các trường tập trung dạy các em học vẽ, tin học căn bản và nâng cao, lớp học thêu tay, kỹ thuật trồng rau mầm, làm các vật dụng trang trí, thủ công đơn giản, dạy nghề massage, thực hành chế biến những thực phẩm dễ làm... Một số trường còn tổ chức cho phụ huynh và học sinh tham quan Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật để tìm hiểu, lựa chọn ngành phù hợp để có điều kiện tìm làm việc tốt khi ra trường.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy hòa nhập. Đồng thời, UBND TP.HCM cần đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trường chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu học hòa nhập của trẻ.
Kết thúc năm học 2013 - 2014, TP.HCM có tổng cộng 26 trường chuyên biệt, bao gồm 18 trường công lập và 8 trường ngoài công lập với 7.751 học sinh khuyết tật.
Theo HQ Online