Mẹ tiểu đường thai kỳ, con có bị bệnh?
"Tôi có thai lần đầu, khi được 6 tháng thì phát hiện bị tiểu đường (trước đó tôi khỏe mạnh, không béo). Bệnh của tôi có nguy hiểm không?"
"...Sau này tôi và con tôi có mắc bệnh tiểu đường không? Nếu bị thì lần sau tôi có thể mang thai nữa không?".
Trả lời:
Tiểu đường trong lúc mang thai thường được phát hiện vào giai đoạn sau của thai kỳ (thường vào 3 tháng cuối), khi kiểm tra thấy nồng độ đường trong nước tiểu tăng hoặc bào thai lớn hơn mức bình thường (nói như vậy không có nghĩa là bất cứ bào thai nào lớn đều do người mẹ bị tiểu đường). Tiểu đường xuất hiện khi cơ thể bà mẹ không sản xuất đủ insulin để giữ nồng độ đường ở mức bình thường trong suốt thời gian mang thai.
Hầu hết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể mang thai một cách bình thường nếu giữ được mức đường trong máu ổn định, vì nếu không sẽ làm tăng nguy cơ đứa bé bị dị dạng.
Trường hợp của bạn nếu không kiểm soát đường trong máu tốt sẽ dẫn đến tăng lượng đường ở thai nhi, làm thai nhi lớn nhanh hơn bình thường và có thể gây khó khăn trong lúc sinh. Sự tăng trưởng của thai nhi ở bà mẹ bị tiểu đường cũng có thể bị đình trệ. Những đứa trẻ như vậy sẽ có những biến chứng ngay sau khi sinh ra.
Do đó, bạn phải đi khám thai và theo dõi đường huyết. Nếu cần, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc thích hợp cho tình trạng mang thai của bạn. Ngoài ra, bạn phải chú ý đến chế độ ăn của mình theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh tiểu đường ở dạng nhẹ có thể xuất hiện trong lúc bạn mang thai, nhưng sẽ tự khỏi sau khi sinh. Tuy nhiên, 3/4 trong số các bà mẹ này có thể bị tiểu đường về sau. Nguy cơ mắc bệnh này ở đứa trẻ có cha hoặc mẹ bị tiểu đường là 1% (cứ 100 trẻ thì có 1 trẻ mắc bệnh). Nếu cả bố lẫn mẹ bị tiểu đường thì nguy cơ của đứa trẻ là 5%.
Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì hiện nay việc kiểm soát và điều trị tiểu đường đã có nhiều thuận lợi.
BS. Nguyễn Kim Dung, Sức Khỏe & Đời Sống