Nhiều tập đoàn nước uống giải khát của Mỹ đã cùng nhau cam kết thúc đẩy cắt giảm lượng tiêu thụ đồ uống ngọt không cồn (soft drink) trong một chiến dịch chống bệnh béo phì trong cộng đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)
Tại một sự kiện của tổ chức Sáng kiến toàn cầu Clinton của cựu Tổng thống Bill Clinton tại thành phố New York, Mỹ, ngày 23/9, đại diện của ba "đại gia" Coca-Cola, PepsiCo và Dr. Pepper Snapple đã cùng nhau ký một cam kết hành động gồm các chiến dịch quảng bá và tiếp thị nhằm khuyến khích người tiêu dùng giảm lượng tiêu thụ các loại đồ uống có đường và nâng cao nhận thức về vấn đề calo trong dinh dưỡng.
Các biện pháp sẽ được áp dụng bao gồm thu nhỏ kích cỡ chai đựng, tăng thành phần nước trong sản phẩm cũng như mở rộng các dòng sản phẩm không calo hoặc chứa lượng calo thấp. Mục tiêu đặt ra là trong vòng 10 năm tới sẽ giảm 20% lượng tiêu thụ calo từ đồ uống ngọt trên mỗi người dân.
Bên cạnh đó, các công ty đồ uống này cũng sẽ đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và quảng bá các loại thức uống lành mạnh có lợi cho sức khỏe.
Các công ty nhất trí sẽ cho đăng các cảnh báo tác hại của đồ uống ngọt trên các thiết bị bán hàng tự động.
Các bên cũng sẽ duy trì một nhóm đánh giá độc lập để theo dõi tiến triển của chiến dịch. Nhóm này sẽ hoạt động song song với một nhóm trực thuộc của Quỹ Clinton và Hiệp hội Tim mạch Mỹ.
Tuy nhiên, các nhóm hoạt động vì sức khỏe cộng đồng cho rằng các biện pháp trên vẫn chưa đủ mạnh để bảo vệ sức khỏe người dân.
Marion Nestle, một chuyên gia chuyên gia về dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng tại Đại học New York, cho biết cân nhắc tới nhu cầu suy giảm trên thị trường đồ giải khát hiện nay, mục tiêu giảm 20% lượng tiêu thụ calo hoàn toàn nằm trong khả năng của các công ty. Do đó, các tập đoàn này cần đưa có các bước đi triệt để hơn như chấp nhận đánh thuế đồ uống ngọt và đăng cảnh báo sức khỏe trên nhãn của các đồ uống chứa lượng đường cao.
Tuyên bố của Trung tâm Khoa học vì lợi ích cộng đồng, một nhóm hoạt động vì cộng đồng có trụ sở tại Washington, cho biết việc đánh thuế có thể giúp đẩy nhanh tốc độ cắt giảm calo trong tiêu thụ đồ uống đồng thời giúp tạo ra một khoản thu nhà nước phục vụ cho hoạt động ngăn ngừa và điều trị các căn bệnh liên quan tới vấn đề này./.
Theo TTXVN