Trẻ bị mất nước có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như sốc, nhiễm axit máu, hôn mê bất tỉnh.
Nước là thành phần giúp duy trì sự sống, còn quan trọng hơn cả thực phẩm, điều này chắc hẳn ai cũng biết. Ngoài chức năng vận chuyển chất dinh dưỡng và đào thải cặn bã, nước còn giúp điều chỉnh thân nhiệt, duy trì lượng máu và tham gia vào quá trình trao đổi chất.
Nước chiếm tới 70 - 80% cơ thể trẻ, 60% cơ thể người lớn, vì thế có thể nói nước đóng vai trò quan trọng đối với trẻ nhỏ hơn cả với người lớn. Quan trọng là thế nhưng có rất nhiều mẹ khi đang cho con bú cứ nghĩ sữa mẹ đã cung cấp đủ nước cho con rồi, còn với trẻ lớn hơn, vì trước kia đang quen bú sữa mẹ nên từ khi chuyển sang ăn dặm rất lười uống nước, dẫn đến bị mất nước.
Mất nước ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, nhiễm axit máu, thậm chí hôn mê. Bài viết này sẽ giới thiệu cho các mẹ những chiêu "dụ" trẻ uống nước và những điều cần biết khi cho trẻ uống nước.
Các mẹ nên lưu ý cho con uống đủ nước, tránh để xảy ra tình trạng mất nước (Ảnh minh họa)
Chiêu "dụ" trẻ uống nước
Với những trường hợp trẻ đặc biệt không thích uống nước thì mẹ không nên bắt ép quá bởi như thế rất dễ khiến trẻ có phản cảm với nước, sau này sẽ càng khó nuôi. Khi ấy, chị em nên tạm chuyển sang những loại nước khác, rồi dần dần tập cho trẻ thói quen uống nước sau.
Mẹ cũng có thể cho trẻ ăn nhiều hoa quả có hàm lượng nước cao như: dưa hấu, lê, cam, quýt... hoặc cho trẻ uống nước ép hoa quả. Tốt nhất là các mẹ nên mua hoa quả tươi về rồi tự ép chứ không nên mua nước đóng chai hoặc đóng lon. Ngoài ra, trong mỗi bữa ăn mẹ nên cho trẻ uống thêm canh, vừa bổ sung nước, vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ.
Thêm một chiêu nữa là các mẹ có thể đánh lừa thị giác của trẻ bằng cách mua cho trẻ những chiếc cốc uống nước nhỏ nhỏ xinh xinh, có màu và hình ảnh mà trẻ thích.
Cho trẻ uống nước đúng cách
Không ít mẹ cho rằng cho con uống nước là việc làm cực kỳ dễ, cứ cho nước lên miệng là bé sẽ uống thôi, tuy nhiên mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy, nó còn liên quan đến số lượng, loại nước, nhiệt độ của nước và thời điểm cho bé uống nước như thế nào là thích hợp.
Khi nào nên cho trẻ uống nước?
Thông thường cứ sau 2 lần ăn sữa, sau khi tắm, sau khi tỉnh dậy, buổi tối trước khi đi ngủ mẹ đều phải cho trẻ uống nước. Có nhiều chị em cho rằng không nên cho trẻ uống nước trước khi đi ngủ vì sợ tè dầm. Tuy nhiên, trong suốt một đêm, dù chỉ nằm ngủ nhưng các hệ cơ quan trên cơ thể trẻ vẫn làm việc, do đó mẹ cần bổ sung nước cho trẻ trước khi cho trẻ lên giường.
Ngoài ra, có một số trường hợp trẻ mải chơi nên dù khát nước cũng không nhận thấy. Do đó, mẹ nên đế ý, nếu thấy trẻ có hành động liếm môi chứng tỏ trẻ đang khát nước, mẹ cần cho uống nước ngay.
Nước như thế nào là tốt nhất cho trẻ?
Tốt nhất mẹ nên cho trẻ uống nước lọc không có vị ngọt bởi nếu uống quen các loại nước giải khát sau một thời gian trẻ nhỏ sẽ không chịu bú sữa mẹ, trẻ lớn cũng không chịu uống nước lọc nữa. Thêm vào đó, những loại nước giải khát thường có chất phụ gia gây kích thích đường ruột, ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ.
Mẹ nên cho trẻ uống nước đun sôi để nguội. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý nước sau khi đun sôi nếu để lâu không khí sẽ bị hút vào nước hoặc nước có thể bị vi khuẩn xâm nhập. Do đó, sau khi đun, các mẹ chỉ nên để nguội và cho trẻ uống trong khoảng 4 - 6 tiếng là thích hợp nhất.
Thêm nữa, nước một khi đã đun sôi rồi, các mẹ không nên đun lại bởi một số kim loại cứng trong nước sẽ bị cô lại, không có lợi cho sức khỏe nếu trẻ uống vào.
Về nhiệt độ của nước, do cơ quan tiêu hóa của trẻ vẫn còn yếu nên không chịu được nước quá nóng hoặc quá lạnh. Vào mùa hè, nếu mẹ cho trẻ uống nước lấy trực tiếp từ tủ lạnh, trẻ sẽ rất dễ bị đau họng. Còn vào mùa đông, nếu uống nước quá nóng, trẻ có thể bị bỏng. Vì thế vào mùa hè, mẹ nên cho bé uống nước có độ ấm bằng nhiệt độ trong phòng, còn mùa đông thì nên cho trẻ uống nước có nhiệt độ khoảng 40oC là được.
Theo Khám phá