Năm học này có hơn 4 triệu trẻ tham gia vào bậc học Mầm non, hơn 15 triệu học sinh phổ thông các cấp...
Hôm nay (5/9), hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước chính thức bước vào Năm học mới 2014-2015.
Năm học này có hơn 4 triệu trẻ tham gia vào bậc học Mầm non, hơn 15 triệu học sinh phổ thông các cấp, hơn 400.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp và gần 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Năm học 2014 - 2015, toàn ngành Giáo dục tiếp tục tập trung triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Đối với từng cấp, bậc học có những nhiệm vụ, trọng tâm cụ thể.
Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Hoàng Diệu, Hà Nội dự lễ khai giảng Năm học mới 2014-2015
Giáo dục mầm non
Trong Năm học mới 2014-2015, Bộ GD-ĐT tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non; triển khai chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, Bộ đẩy mạnh việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện Chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn. Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm/lớp mầm non độc lập, tư thục ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung.
Giáo dục phổ thông
Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học; rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển năng lực sáng tạo và tự học. Bên cạnh đó là tiếp tục triển khai đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học; kết hợp đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các trường phổ thông căn cứ chương trình giáo dục của cấp học chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động giáo dục trong năm học đáp ứng yêu cầu và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước và ở những địa phương có điều kiện để đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai dạy và học ngoại ngữ một cách hiệu quả. Tiếp tục mở rộng triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) cấp tiểu học; triển khai thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam cấp THCS. Mở rộng áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương;
Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá học sinh; mở rộng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở các cấp học phổ thông, nhất là cấp tiểu học. Phát động sâu rộng, nâng cao hiệu quả cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học và dạy học thông qua di sản.
Tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ
Bộ GD-ĐT đang và sẽ tiếp tục giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, CĐ. Đây là một khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, khi Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến xã hội về Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia (gồm 3 phương án) thì các trường sẽ có sự thay đổi lớn trong việc được giao tự chủ tuyển sinh và tự chủ tài chính...
Việc giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH, CĐ sẽ cũng là một yếu tố quan trọng để hướng tới phân tầng, xếp loại các trường ĐH, CĐ trong tương lai./.
Theo VOV.VN